Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), với các biến chủng cũ, trung bình 1 bệnh nhân Covid-19 lây nhiễm virus cho 4 người, nhưng biến thể kép B.1.617 tại Ấn Độ có thể lây cho 9 -10 người. Chính điều đó là một trong những nguyên nhân quan trọng khiến quốc gia 1,3 tỷ dân này lún sâu vào một thảm họa y tế, cho dù hết sức nỗ lực cũng như nhận được nhiều giúp đỡ của cộng đồng quốc tế.
Chưa biết nhiều về “đột biến 3 biến thể”
Trong 10 ngày qua, số người mắc SARS-CoV-2 ở Ấn Độ đều trên 300.000 ca/ngày. Cao điểm ngày 1/5 lên tới hơn 400.000 ca. Số người chết cũng tăng mạnh khi các bệnh viện quá tải, oxy cần cho người bệnh Covid-19 thiếu trầm trọng. Ấn Độ là quốc gia xuất khẩu vaccine ngừa Covid-19 thì hiện cũng không thể ngăn nổi trận “sóng thần” của dịch.
Biến thể kép B.1.617 được phát hiện lần đầu tiên ở Maharashtra, biến thể B.1.617 là sự kết hợp của hai biến thể khác nhau E484Q và L452R. Thực tế cho thấy thế giới ghi nhận khá nhiều biến chủng SARS-CoV-2 mới, điển hình như B117 tại Anh với khả năng lây lan nhanh gấp 70% biến chủng cũ hay B1351 tại Nam Phi. Tuy nhiên, biến thể kép B.1.617 có khả năng lây lan nhanh và mạnh hơn rất nhiều, hơn gấp 2 lần so với biến thể cũ.
Trong đợt bùng phát dịch Covid-19 lần này với Ấn Độ, khi nỗi ám ảnh từ biến thể kép B.1.617 chưa qua, thì lại xuất hiện các ca nghi nhiễm một biến thể mới của virus SARS-CoV-2 tại Tây Bengal. Nó được gọi là “đột biến 3 biến thể” hay B.1.618, là sự phát triển của đột biến kép, trong đó 3 chủng virus SARS-CoV-2 khác nhau kết hợp để tạo thành một biến thể mới. Các báo cáo cho thấy “đột biến 3 biến thể” có khả năng lây nhiễm và gây tử vong cao hơn các chủng virus trước đó.
Vậy, đột biến B.1.618 có nguy hiểm?
Hiện không có bằng chứng về việc liệu các loại vaccine hiện tại có khả năng chống lại chủng virus này hay không, nhưng sự hiện diện của biến thể này là rất đáng lo ngại. Theo các nhà vi trùng học, cần phải “đặc biệt đáng lưu tâm” vì biến thể B.1.168 cho thấy nó có thể vượt qua hệ thống phòng thủ miễn dịch của cơ thể, cũng có nghĩa là tăng khả năng lây nhiễm.
Giới chức y tế Ấn Độ cho biết, tỷ lệ mắc B.1.618 đã tăng lên đáng kể trong những ngày gần đây ở bang Tây Bengal.
Như vậy, trong “làn sóng thứ hai” Ấn Độ phải chịu đựng cùng một lúc sự tấn công của các chủng virus cũ cùng với các biến thể mới. Tiến sĩ Ramana Prasad (Bệnh viện Hyderabad) cho rằng, không nghi ngờ gì nữa, làn sóng thứ hai tại Ấn Độ nguy hiểm hơn đợt đầu tiên, đặc biệt với sự xuất hiện của ngày càng nhiều các ca mắc không triệu chứng. Các biến thể kép có thể lây nhiễm cho bất kỳ người nào. Vẫn theo Tiến sĩ Ramana Prasad, để an toàn phần nào trước dịch bệnh thì mọi người cần tuân thủ nghiêm ngặt việc đeo khẩu trang đúng cách, giữ vệ sinh tay, duy trì giãn cách xã hội và tránh tụ tập đông người.
“Chúng ta có thể phá được chuỗi lây truyền của những biến thể một cách hiệu quả nếu các biện pháp phòng ngừa trên được tuân thủ một cách phù hợp bởi 80% hoặc nhiều người trong cộng đồng”, theo Tiến sĩ Ramana Prasad.
Trong khi đó, theo tờ Times of India, hiện các nhà khoa học vẫn chưa biết nhiều về “đột biến 3 biến thể”, ngoại trừ các trường hợp nghi nhiễm ở những bang Delhi, Maharashtra, Tây Bengale và Chhattisgarh. Trong cuộc trả lời phỏng vấn kênh truyền hình NDTV, Giáo sư dịch tễ học Madhukar Pai thuộc Đại học McGill khẳng định, biến thể này lây truyền mạnh hơn. Và trên thực tế “đột biến 3 biến thể” đã vượt khỏi biên giới Ấn Độ, ít nhất đã xuất hiện tại Đức, Bỉ, Anh, Thụy Sĩ, Mỹ, Australia và Singapore.
Biến thể B.1.617 có thể “trốn tránh” hệ thống miễn dịch?
Kristian Andersen, chuyên gia về bệnh truyền nhiễm tại Viện Nghiên cứu Scripps cho biết, tình hình dịch bệnh ở Ấn Độ khá tương đồng với những gì đã xảy ra ở Brazil, Nam Phi và Iran. “Những quốc gia này báo cáo nhiều ca mắc Covid-19 trong đợt bùng phát dịch đầu tiên, và có vẻ như họ đã đạt được mức miễn dịch cộng đồng nhất định. Tuy nhiên, theo thời gian, khi khả năng miễn dịch của con người suy yếu, các biến thể SARS-CoV-2 mới dễ lây lan hơn và gây nên đợt bùng phát dịch mới”, Tiến sĩ Andersen nói.
Tuy nhiên, vẫn theo vị chuyên gia này, thuật ngữ “đột biến kép” không có ý nghĩa về mặt khoa học vì rằng virus SARS-CoV-2 đột biến mọi lúc. Bởi vậy, có rất nhiều đột biến kép ở khắp nơi. Vì thế, cùng với việc đề phòng lây lan các biến thể từ Ấn Độ, thì còn phải đề phòng các chủng virus cũ tại mỗi quốc gia sẽ tự biến thể. Nhưng Tiến sĩ Andersen cũng không kết luận biến thể B.1.617 là nguyên nhân dẫn đến đợt bùng phát Covid-19 tồi tệ đã và đang càn quét Ấn Độ vì “chưa có dữ liệu để kết luận”.
Trong khi đó, một số nghiên cứu cho thấy, 2 đột biến chính trong biến thể B.1.617 có thể “trốn tránh” hệ thống miễn dịch. Bởi vậy, vaccine Covid-19 có thể vẫn có tác dụng chống lại B.1.617, nhưng kém hiệu quả hơn. “Có khả năng vaccine sẽ bảo vệ người dùng khỏi triệu chứng mắc bệnh nặng và tử vong nhưng không chống lại nguy cơ lây nhiễm ở những người có phản ứng miễn dịch kém hơn”, Ravi Gupta, Giáo sư của Đại học Cambridge cho biết.
Vì rằng, cũng có những dấu hiệu cho thấy những người đã mắc Covid-19 có thể bị tái nhiễm với biến thể này, đặc biệt khi khả năng miễn dịch tự nhiên của họ suy yếu theo thời gian. “Làn sóng Covid-19 thứ hai bùng phát do khả năng miễn dịch kém, thêm vào đó là do biến thể như B.1.1.7 và B.1.617 tránh được kháng thể”, theo ông Gupta.
Các nhà khoa học cho biết biến đổi có thể giúp virus vượt qua hệ miễn dịch của con người. Theo Viện Robert Koch (Đức), những biến đổi này còn có nguy cơ dẫn đến “giảm năng lực vô hiệu hóa virus của các kháng thể”. Vấn đề cần quan tâm là mức giảm này mạnh như thế nào. Tuy nhiên, chuyên gia virus tại bệnh viện Charite (Đức) – Tiến sĩ Christian Drosten - cho rằng không có lý do để báo động về biến thể mới của virus SARS-CoV-2 tại Ấn Độ. Theo ông Christian Drosten, thế hệ vaccine mới chỉ cần “nâng cấp nhẹ” để đạt được hiệu quả trước biến thể này. Trong khi đó, WHO đã xếp biến thể B.1.617 vào nhóm cần được quan sát, theo dõi.