Phát triển đô thị thông minh đang trở thành xu hướng tất yếu trong quản lý và phát triển đô thị trên thế giới. Nhiều đô thị thông minh nhanh chóng hình thành và Việt Nam không nằm ngoài xu hướng đó.
54/63 tỉnh, thành phố đã và đang triển khai đô thị thông minh
Theo thống kê, Việt Nam có 54/63 tỉnh, thành phố đã và đang triển khai đô thị thông minh; 30 tỉnh, thành phố đã phê duyệt đề án phát triển đô thị thông minh và 15 tỉnh, thành phố đã phê duyệt kiến trúc công nghệ thông tin phát triển đô thị thông minh.
Đơn cử, tại TP HCM, UBND thành phố đã phê duyệt Đề án Xây dựng TP HCM trở thành đô thị thông minh giai đoạn 2017 – 2020, tầm nhìn 2025. Đề án này tập trung vào 4 trụ cột. Cụ thể, kho dữ liệu dùng chung và hệ sinh thái dữ liệu mở; trung tâm điều hành đô thị thông minh; trung tâm mô phỏng dự báo kinh tế-xã hội và trung tâm an toàn thông tin thành phố.
Ngoài TP HCM, một thành phố trong thành phố như Thủ Đức cũng tính chuyện phát triển thành đô thị thông minh. Ông Hoàng Tùng - Chủ tịch UBND thành phố Thủ Đức cho hay, Thủ Đức đang hướng tới đô thị có chất lượng sống tốt và môi trường làm việc hấp dẫn, có văn hóa đặc trưng trên cơ sở bảo tồn di sản và cảnh quan sông nước. Phát triển hạ tầng đô thị thông minh, bền vững và thích ứng với biến đổi khí hậu.
Mục tiêu của thành phố Thủ Đức là hoàn thiện hạ tầng kết nối vùng giữa TP HCM với các địa phương lân cận. Và trọng tâm phát triển thành phố Thủ Đức theo mô hình khu đô thị sáng tạo tương tác cao, trở thành thành phố kinh tế tri thức và trí tuệ nhân tạo.
Dựa vào thực tế phát triển thành phố thông minh, ông Phan Xuân Dũng - Chủ tịch Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam nhận định, phát triển đô thị thông minh đã trở thành xu thế tất yếu trong quản lý và phát triển đô thị trên thế giới.
Lãnh đạo Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam cho biết, hiện cả nước có trên 50 địa phương đã và đang triển khai các nhiệm vụ liên quan đề án phát triển đô thị thông minh bền vững Việt Nam giai đoạn 2018-2025 và định hướng đến năm 2030.
Tạo kết nối nhanh chóng, hiệu quả
Quan tâm phát triển đô thị thông minh, song PGS. TS. Nguyễn Văn Thành – Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương cho rằng, trong quá trình xây dựng thành phố thông minh, một vấn đề đặt ra là yêu cầu rộng khắp về thiết bị.
Theo đó, cảm biến mọi nơi, dữ liệu mọi nơi, dịch vụ mọi nơi. Từ đó mang lại hiệu quả to lớn về các cấu phần, từ Chính phủ điện tử, giao thông thông minh, quản lý tòa nhà thông minh, quản lý tất cả điều kiện sống....
Ông Thành dẫn chứng, động lực thúc đẩy thế giới xây dựng thành phố thông minh, đó là hình thành nên một nền kinh tế phát triển nhanh và bền vững. Song song đó, hướng đến mục tiêu tạo được môi trường sinh thái bền vững và đảm bảo các chỉ số về an ninh, an toàn cho người dân...
“Xây dựng và phát triển đô thị thông minh là vấn đề khó, đòi hỏi các địa phương cần có tầm nhìn dài hạn, toàn diện và một sự chuẩn bị chu đáo mới có thể đạt được những mục tiêu đề ra. Phát triển đô thị thông minh cũng chính là chuyển đổi số trong đô thị, bao gồm 3 trụ cột lần lượt là chính quyền số, kinh tế số, xã hội số”, ông Phan Xuân Dũng nói.
Theo ông Dũng, chính quyền số trong đô thông minh gọn nhẹ nhưng hiệu quả, dịch vụ hành chính công đơn giản, nhanh chóng. Các dịch vụ công ích thông minh được cung cấp cho cư dân với chất lượng tốt và chi phí hợp lý, an ninh công cộng được đảm bảo. Chính quyền sử dụng sâu rộng công nghệ số, mọi quyết định đưa ra dựa trên dữ liệu đầy đủ, tin cậy và theo thời gian thực.
Các thành phần kinh tế trong đô thị thông minh có khả năng chuyển đổi số thành công với chi phí thấp nhờ sử dụng các dịch vụ thông tin chất lượng cao do chính quyền cung cấp. Trong đô thị thông minh, cộng đồng cư dân được kết nối với nhau và kết nối với chính quyền một cách hiệu quả.