Càng ngày càng có nhiều người bị đột quỵ, trong số đó nhiều người không qua khỏi. Với những người may mắn hơn thì lại phải sống chung với những hậu quả bệnh tật rất nặng nề. Theo GS Trần Bình Giang (BV Hữu nghị Việt Đức), những người bệnh mắc đột quỵ nếu điều trị không kịp thời, không tốt sẽ để lại những hậu quả thảm khốc.
Theo các nghiên cứu gần đây, mô hình bệnh tật tại Việt Nam đang thay đổi. Trước kia là mô hình bệnh tật của một nước đói nghèo, với nhiều bệnh truyền nhiễm, giờ chuyển sang mô hình bệnh tật mới mà chủ yếu là các bệnh về chuyển hóa.
1. Những bệnh chuyển hóa gồm: Cao huyết áp, tiểu đường, rối loạn chuyển hóa lipit với hậu quả gây ra là bệnh lý về mạch máu não và bệnh đột quỵ. Đáng lưu ý, những người mắc bệnh đột quỵ ngày càng trẻ hóa, mà nguyên nhân chính được cho là do lối sống thay đổi.
Thống kê của Bộ Y tế cho thấy tại Việt Nam có khoảng 200.000 người mắc bệnh đột quỵ hàng năm. Điều đáng lo ngại là bên cạnh bệnh không lây nhiễm, những người mắc bệnh đột quỵ đang gia tăng lên một cách nhanh chóng, trong đó 1/3 số trường hợp mắc bệnh đột quỵ là ở những người trẻ tuổi (từ 40 đến 45 tuổi).
Theo GS Trần Bình Giang, những người trẻ uống rượu bia, thuốc lá, ăn nhiều thức ăn giàu lipit, đồ chiên, rán, đồ ăn nhanh, những chất kích thích, thể dục thể thao ít làm cho tình trạng sơ vữa mạch máu tăng và tiến triển rất nhanh. Nhiều người mắc bệnh rối loạn chuyển hóa đường, rối loạn chuyển hóa lipit, men gan… vì vậy tình trạng xơ vữa mạch máu xảy ra sớm. “Người trẻ đã bị xơ vữa mạch máu là nguyên nhân quan trọng của việc tổn thương mạch máu não trong bệnh đột quỵ” - GS Giang phân tích.
Tới nay, khoa học y học đã có những tiến bộ vượt bậc, không chỉ trong nghiên cứu, thực hành, mà cả trong việc phát triển thiết bị y tế với công nghệ tiên tiến. Tuy nhiên, điều đó cũng chỉ giúp được ở giai đoạn “khắc phục”, còn thì cũng không thể tác động đến giai đoạn tiền đột quỵ. Trong khi đó, chữa đột quỵ là một trong những việc khó nhất.
TS Nguyễn Anh Tuấn (Khoa Nội hồi sức thần kinh) cho rằng, điều trị bệnh lý đột quỵ thì thời gian vàng là bệnh nhân được cấp cứu đến viện sớm và không phải di chuyển nhiều cơ sở - là nhân tố để bệnh nhân được phục hồi tốt.
Nhìn chung, điều trị đột quỵ cần đến sự phối hợp triển khai các kỹ thuật cao trong chẩn đoán, liên quan đến các bệnh về thần kinh, mạch máu… rất công phu, với đội ngũ các chuyên gia về nội thần kinh, nội khoa, các thiết bị để thăm dò về nội khoa thần kinh, hệ thống máy điện não. Người bệnh phải được điều trị bằng những chuyên gia giỏi nhất về mổ phẫu thuật thần kinh, những kỹ thuật hiện đại nhất về vi phẫu, mổ thức tỉnh, kỹ thuật mổ với sự trợ giúp của robot phẫu thuật, phục hồi chức năng… Mà điều đó thì không phải bệnh nhân đột quỵ nào cũng… gặp may; vì rằng hiện cả nước mới có hơn 10 trung tâm chữa bệnh đột quỵ.
Vì thế, vẫn theo TS Tuấn, với bệnh nhân đột quỵ, việc phát hiện và điều trị sớm là yếu tố tiên quyết.
2. Vậy, câu hỏi đặt ra là phát hiện sớm và phòng ngừa đột quỵ như thế nào?
Trước tiên, phải xóa bỏ suy nghĩ sai lầm khi cho rằng đột quỵ chỉ xảy ra ở người già. Trên thực tế, có đến 10% nạn nhân của chứng đột quỵ là người trẻ (dưới 45 tuổi). Đột quỵ cũng đã tấn công vào cả trẻ em.
Có thể hiểu một cách đơn giản rằng, đột quỵ là tình trạng xảy ra khi máu cung cấp cho một vùng não nào đó bị ngừng hoàn toàn hoặc giảm đến mức quá thấp. Tế bào thần kinh ở vùng não đó không được cung cấp ôxy và chất dinh dưỡng cần thiết. Tế bào não là những tế bào “quý tộc” nhất trong cơ thể nên chỉ trong vòng vài phút không được “tưới” máu, chúng sẽ bắt đầu chết thực sự.
Y học chia đột quỵ thành hai thể. Thể thứ nhất là xuất huyết não do vỡ một mạch máu gây chảy máu vào trong não. Thể thứ hai là thiếu máu cục bộ. Đây là loại đột quỵ thường gặp nhất, chiếm 80-90% tất cả các trường hợp đột quỵ được ghi nhận. Nguyên nhân của thiếu máu não cục bộ thông thường do một cục máu hoặc mảng xơ vữa trong động mạch gây tắc nghẽn dòng máu nuôi tổ chức não.
Người ta cũng đã chỉ ra các yếu tố nguy cơ: Đó là do tuổi cao, tăng huyết áp, bệnh tim mạch, đái tháo đường, hút thuốc và tăng mỡ máu.
Ngoài ra, còn có thể kể đến cơn thiếu máu não thoáng qua. Biểu hiện của nó giống như thiếu máu cục bộ nhưng triệu chứng sau đó biến mất hoàn toàn. Hầu hết cơn thiếu máu não thoáng qua chỉ kéo dài năm đến mười phút. Vì không gây đau nên biểu hiện này thường bị xem nhẹ và bỏ qua. Tuy nhiên, đây là dấu hiệu cảnh báo một cơn thiếu máu não cục bộ thực sự sẽ đến trong vòng vài ngày đến vài tuần sau đó.
Về triệu chứng, đó là cảm giác tê rần (dị giác), yếu liệt một bộ phận nào đó, lẫn lộn trong suy nghĩ, nói khó, mờ mắt, chóng mặt, lảo đảo, đột ngột nhức đầu dữ dội. Nếu không đề phòng, thì đột quỵ sẽ ào đến mà lúc đó thì đã muộn.
Đột quỵ gây tử vong và tàn phế. Trong cả hai trường hợp thì đều rất tàn khốc. Giới khoa học khuyến cáo, cùng với cảnh giác trước những dấu hiệu bất thường của cơ thể thì việc kiểm soát, thay đổi thói quen sinh hoạt là rất cần thiết. Người Nhật cho rằng, thường xuyên tập luyện thể thao, ăn nhiều rau, cá… sẽ giúp ngăn ngừa đột quỵ
Còn y học hiện đại cho rằng rất cần nhận biết những yếu tố nguy cơ dẫn đến đột quỵ, bao gồm hút thuốc lá, béo phì, tăng huyết áp, tăng mỡ máu, đái tháo đường, bệnh tim mạch, ít vận động. Xác định như vậy thì cần phải được tư vấn một cách đúng đắn, khoa học để tự điều chỉnh, hạn chế các nguy cơ.
Lời khuyên của các bác sĩ là: Khi có những dấu hiệu cảnh báo của cơ thể thì cần ngay lập tức đến cơ sở y tế chuyên khoa gần nhất để được khám, chẩn đoán và điều trị thích hợp nhằm tránh những hậu quả tàn khốc của đột quỵ. Không nên chần chừ “tự lắng nghe cơ thể”, hay là “cơ thể tự điều chỉnh” vì điều đó chỉ khiến cho bệnh tiến triển nặng thêm.