Hàng loạt các dự án trạm thu phí BOT bị người dân, doanh nghiệp phản ứng cho thấy, từ mục đích hết sức tích cực, các chính sách về BOT đang trở thành nỗi bức xúc lớn của toàn xã hội. Hàng loạt câu hỏi được đặt ra tại Tọa đàm “Dự án BOT - chính sách và giải pháp” do Viện Nghiên cứu Chính sách và phát triển tổ chức sáng 8/9 tại Hà Nội.
Thiếu minh bạch, các dự án BOT khiến dư luận bức xúc.
Miếng mồi béo bở
100% dự án BOT, BT là chỉ định thầu, với chỉ một nhà đầu tư tham gia đấu thầu và sai phạm lên tới cả trăm tỷ đồng - con số mới nhất vừa được Thanh tra Chính phủ công bố tiếp tục cho thấy những bức bối của người dân đối với các dự án BOT là hoàn toàn có cơ sở.
Trước đó, sự việc trả tiền lẻ khi đi qua Trạm thu phí Cai Lậy của các tài xế đã khiến cho xã hội nóng lên, các bộ ngành và cả Chính phủ phải vào cuộc xử lý những vấn đề bức xúc nhất từ các trạm thu phí BOT giao thông.
Không phải đến bây giờ, người dân, DN mới phản ứng lại các trạm BOT mà trước đó nhiều cuộc biểu tình đã diễn ra để phản đối các chủ đầu tư thu phí bất hợp lý.
Tại buổi tọa đàm, các dự án BOT được các diễn giả ví như một “miếng mồi béo bở” mà rơi vào tay một chủ đầu tư. Sở dĩ nói là miếng mồi béo bở, theo Luật sư Trương Thanh Đức, nhà đầu tư chỉ bỏ ra một nguồn vốn rất nhỏ (5-10% tổng dự án), còn lại Nhà nước chịu. Thậm chí có những nhà đầu tư “tay không bắt giặc”.
Nhưng khi đến khi hoàn thành, thu phí thì hét lên rất cao, và cuối cùng tất cả các gánh nặng chi phí đều bị đổ lên đầu người dân, DN.
Theo Luật sư Đức, ở ma trận BOT, nhà đầu tư luôn mong muốn vốn đầu tư cao, tỷ lệ vốn chủ đầu tư sẽ thấp, muốn chi phí lớn vì sẽ thu lại được nhiều hơn, muốn kéo dài thời hạn thu phí... rất nhiều cái “muốn” có lợi cho chủ đầu tư.
Còn phía Nhà nước, dễ chấp nhận vốn đầu tư cao, vì không lo hoàn vốn, dễ chấp nhận chi phí không hợp lý vì không phải lo trả nợ, dễ chấp nhận kéo dài thời hạn thu vì không mất gì.
Chung cuộc, đầu tư các dự án BOT kiểu gì cũng lãi, siêu lợi nhuận, tội gì không đầu tư. Chỉ có người dân là luôn phải trả giá bởi khi DN vận tải bị chi phí quá cao, tất nhiên mọi chi phí sẽ đổ vào giá thành sản phẩm, lúc đó người dân phải gánh chịu.
Ông Bùi Danh Liên- Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội nêu lên một con số khiến dư luận không khỏi giật mình: Đó là theo chia sẻ của nhiều tài xế, quãng đường đi từ bến xe nước ngầm về tới Nam Định (chỉ khoảng 70 km) nhưng các tài xế phải mất 18 triệu đồng tiền phí BOT mỗi tháng. “Chi phí cao như vậy thử hỏi làm sao mà giá thành không bị đẩy lên?”- ông Liên đặt vấn đề.
Nên chấm dứt chỉ định thầu
Theo vị Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội, đầu tư kiểu BOT là tốt và nếu hiệu quả, sẽ đem lại những lợi ích lớn cho xã hội, góp phần đẩy mạnh tăng trưởng kinh tế.
Song, do quá trình thực hiện lại nảy sinh những bất cập, tạo lợi ích nhóm nên làm méo mó chủ trương tốt của Nhà nước. Ông Liên cũng bày tỏ ý kiến bất đồng trước nhận định của một vị Đại biểu Quốc hội khi cho rằng, các dự án BOT không tác động đến người đi xe máy và những người nghèo.
Thế nhưng trên thực tế, nếu chi phí BOT quá lớn, các DN vận tải đương nhiên sẽ đổ dồn chi phí vào giá thành sản xuất. Như vậy liệu có không ảnh hưởng đến người nghèo hay không?
Vả lại, những người đi xe máy chẳng lẽ họ không bao giờ phải có việc đi xa và phải sử dụng xe khách. Tiền phí BOT sẽ đổ vào tiền vé xe khách cả. Vậy có tác động hay không?
Đồng quan điểm, TS Nguyễn Trí Hiếu - chuyên gia ngành tài chính ngân hàng cho rằng, BOT là ý tưởng tốt nhưng vì trong quá trình thực hiện làm nảy sinh những bất cập nên vô hình trung, một ý tưởng tốt lại trở thành kết quả tồi.
Ông Hiếu bày tỏ quan ngại, nếu Chính phủ không giải quyết rốt ráo những bất cập, hiện trạng đang tồn tại ở ngay bản thân các chính sách về BOT hiện nay, e rằng các chương trình BOT của Nhà nước về sau này sẽ gặp nhiều trở ngại, vì mất niềm tin quá lớn.
Và để giải quyết những tồn đọng đối với các dự án BOT giao thông cũng như nhiều lĩnh vực hiện nay, các ý kiến tại buổi tọa đàm đều cho rằng, nên chấm dứt việc chỉ định thầu, cần phải đấu thầu một cách công khai minh bạch, đồng thời phải có sự giám sát của một cơ quan độc lập.
Theo ông Phạm Ngọc Hùng- Phó Chủ tịch Quỹ chống hàng giả, đối với các dự án BOT phải công khai, tuyệt đối không được chỉ định thầu. Và đấu thầu phải công khai, thực chất chứ không phải đấu thầu quân xanh quân đỏ.
“Cần phải giao cho một tổ chức độc lập không có cùng lợi ích với đơn vị thi công, không cùng lợi ích với các cơ quan quản lý chuyên ngành để lập dự án. Như vậy mới đảm bảo tính công khai và không có lợi ích nhóm”- ông Hùng nhấn mạnh.
TS Nguyễn Trí Hiếu cũng ủng hộ đề xuất nên chấm dứt chỉ định thầu, và phải lựa chọn chủ đầu tư có năng lực thông qua đấu thầu công khai.
“Quan điểm của tôi là nên áp dụng những chính sách công bằng đối với tất cả các chủ đầu tư. Có nghĩa khi Chính phủ đưa ra những gói đầu tư, gói thầu phải có tiêu chí rõ ràng, tất cả các chủ đầu tư đáp ứng được các tiêu chí đó đều có thể được tham gia”- ông Hiếu nêu quan điểm.
“Không có lý do gì anh mở rộng con đường đã có sẵn mà anh lại thu phí như là anh bỏ tiền ra làm cả con đường. Thực tế này đúng là chỉ có ở Việt Nam . Tôi lấy ví dụ, Đường 1 đã có sẵn, DN chỉ mở rộng ra thôi, vậy mức thu như thế nào cho hợp lý đồng thời phải hết sức minh bạch. Và để minh bạch chỉ có cách lắp đặt chế độ thu bằng tự động để có được số liệu chính xác nhất. Còn như hiện nay, người dân đang phải è cổ ra trả cho cả bộ máy thu khổng lồ”- TS Nguyễn Sĩ Dũng - nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội nói. |