Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về Chủ trương đầu tư Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025. Dự án này được kỳ vọng tạo động lực, sức lan tỏa nhằm khôi phục và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Việc xây dựng đường cao tốc của Việt Nam được đặt ra từ những năm 2000 trong bối cảnh hệ thống quốc lộ, đặc biệt là quốc lộ 1, đường Hồ Chí Minh qua Tây Nguyên và một số tuyến quốc lộ huyết mạch khác đã xuống cấp.
Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025 dài 729 km, quy mô 4 làn xe bao gồm các đoạn Hà Tĩnh (Bãi Vọt) đến Quảng Trị (Cam Lộ); Quảng Ngãi đến Nha Trang (Khánh Hòa); từ Cần Thơ đến Cà Mau sẽ được chia thành 12 dự án thành phần vận hành độc lập và triển khai theo hình thức đầu tư công.
Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể cho biết, sơ bộ tổng mức đầu tư của Dự án là 146.990 tỷ đồng, trong đó, giai đoạn 2021-2025 bố trí khoảng 119.666 tỷ đồng, gồm 47.169 tỷ đồng thuộc kế hoạch đầu tư công trung hạn nguồn ngân sách nhà nước giai đoạn 2021-2025 theo Nghị quyết số 29/2021/QH15 ngày 28/7/2021 của Quốc hội, phần còn thiếu 72.497 tỷ đồng sẽ được cân đối từ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội và từ nguồn vốn ngân sách đã bố trí cho ngành Giao thông vận tải trong kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021-2025; chuyển tiếp bố trí giai đoạn 2026-2030 khoảng 27.324 tỷ đồng.
Tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông có tổng chiều dài 2.063 km. Theo đánh giá chung, xây dựng tuyến đường cao tốc Bắc Nam sẽ góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế. Thực tế cho thấy, mặc dù đã có nhiều nỗ lực, nhưng năng lực cạnh tranh quốc gia của chúng ta vẫn chưa cao mà một trong những điểm nghẽn chính là kết cấu hạ tầng, trong đó kết cấu hạ tầng giao thông.
Theo đề xuất của Chính phủ về phương thức đầu tư, thực hiện 12 dự án thành phần lần này bằng nguồn vốn đầu tư công, để đẩy nhanh tiến độ, đặc biệt là trong bối cảnh cần phục hồi nhanh nền kinh tế.
Khẳng định với Đại Đoàn Kết - ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam cho biết việc sử dụng đầu tư công để đẩy nhanh tiến độ Dự án, để hỗ trợ tốc độ phục hồi kinh tế. Nhưng dự án có ý nghĩa lớn trong nền kinh tế rất tiếc lại không có được sự tham gia của hình thức đối tác công tư. “Lỗi không phải do hình thức PPP, mà là do trong cơ chế, chính sách chưa đủ hấp dẫn nhà đầu tư, nên chưa thành công trong thu hút nhà đầu tư tư nhân vào các dự án quan trọng này” - ông Lộc nói. Để tiếp sức cho khu vực tư nhân, ông Lộc đề nghị Chính phủ thành lập Quỹ đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng để cho nhà đầu tư tư nhân vay đầu tư hạ tầng giao thông, thay vì Nhà nước phải tự đầu tư.
Chuyên gia kinh tế Đinh Thế Hiển thì cho rằng việc lập quỹ hạ tầng không chỉ giải những nút thắt, những áp lực nặng gánh cho đầu tư công, còn xóa bỏ vấn đề lợi ích nhóm, xóa đổi đất lấy hạ tầng giá rẻ. Quỹ đầu tư phát triển hạ tầng trước hết cần nguồn vốn Nhà nước để đảm bảo nguyên tắc đối tác công tư - không để tư nhân thao túng. Quỹ có thể thu hút thêm các đối tác, cổ đông tư nhân tham gia sáng lập với tỷ lệ không chi phối. Cơ chế thu hút vốn của quỹ là phát hành trái phiếu công trình, đưa trái phiếu lên sàn giao dịch trái phiếu trong nước và thậm chí là chứng khoán hóa sản phẩm gốc để phái sinh cho các lớp đầu tư cá nhân, tổ chức gián tiếp. Với cách sở hữu trái phiếu, nhà đầu tư nước ngoài cũng có thể tham gia rót vốn vào quỹ. Ngoài ra, vốn nhàn rỗi trong xã hội cũng có thể tham gia với lợi tức trái phiếu cao hơn lợi tức trái phiếu Chính phủ và lãi suất ngân hàng.
Trong khi đó, nói về đầu tư công, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho rằng đầu tư công của chúng ta lâu nay còn nhiều lỗ hổng. Thực tế nhiều năm nay cho thấy, hầu hết dự án đầu tư công đều đội vốn lên khá cao so với những tính toán ban đầu. Ban đầu thường là dự trù, xin dự án có lượng vốn vừa phải, nhưng khi thực hiện nảy sinh hàng loạt lý do dẫn đến tăng vốn.
Giới chuyên gia cho rằng mô hình doanh nghiệp nhà nước đầu tư cao tốc tại Việt Nam (qua Tổng công ty đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam) chưa thể hiện được lợi thế. Cần đa dạng hình thức đầu tư, trong đó Nhà nước giữ vai trò chủ đạo, dẫn dắt kêu gọi vốn đầu tư. Theo đó, các dự án khó thu hút vốn tư nhân, thời gian thu phí lên tới vài chục năm, thì Nhà nước phải bỏ vốn ngân sách để làm.
Tuy nhiên, nếu chỉ trông chờ vốn ngân sách, thường khó hoàn thành các kế hoạch đặt ra nên phải đẩy mạnh thu hút, kêu gọi vốn từ khu vực tư nhân tham gia. Rất nhiều nước, sau khi bỏ vốn ngân sách đầu tư, nhà nước sẽ chuyển nhượng lại để tư nhân quản lý, vận hành và khai thác.
Chiều 11/1, tại phiên bế mạc kỳ họp bất thường thứ nhất, Quốc hội khóa XV, các đại biểu Quốc hội đã biểu quyết tán thành chủ trương đầu tư 729 km đường bộ cao tốc Bắc Nam phía Đông trong 5 năm. Theo đó, Quốc hội đồng ý với tờ trình của Chính phủ về việc đầu tư thêm 729 km giai đoạn 2021-2025, trên các đoạn Bãi Vọt (Hà Tĩnh) - Cam Lộ (Quảng Trị), Quảng Ngãi - Nha Trang và Cần Thơ - Cà Mau, chia thành 12 dự án có thể vận hành khai thác độc lập. Tổng mức đầu tư của dự án là 146.990 tỷ đồng và được triển khai theo hình thức đầu tư công, sau khi hoàn thành sẽ nhượng quyền thu phí để thu hồi vốn nhà nước.