Với hy vọng sẽ có cuộc sống ổn định hơn nơi cũ, hơn 30 hộ dân xã Hợp Thịnh đã bỏ ra hàng tỷ đồng để mua đất khu giãn dân Giàn Chiếu (xã Hợp Thịnh, huyện Tam Dương, tỉnh Vĩnh Phúc). Thế nhưng, không bao lâu sau khi ra nơi ở mới, các hộ dân đã vỡ mộng khi phải sống trong cảnh lay lắt không điện chiếu sáng, không nước sạch, không cây xanh, cơ sở hạ tầng thì tồi tàn…
Gần 2 năm 30 hộ dân khu giãn dân Giàn Chiếu
sống trong cảnh thiếu nước sạch, thiếu điện và thiếu thốn cơ sở hạ tầng.
Theo ông Nguyễn Ngọc Thạch và đông đảo người dân thôn Lê Lợi, xã Hợp Thịnh (Tam Dương, Vĩnh Phúc) phản ánh, năm 2011, chính quyền đia phương thu hồi 12,5 ha đất nông nghiệp ở khu Giàn Chiếu để giải phóng mặt bằng, cấp đất giãn dân. Người dân cho rằng, lãnh đạo xã đã làm trái quy định….từ khâu quy hoạch, tư vấn thiết kế, phân lô đất thiếu khoa học. Đáng chú ý, mặc dù chưa có mặt bằng nhưng chính quyền đã thu tiền trước 100 triệu đồng/200 triệu đồng/ lô đất của các hộ được mua đất.
Mặt khác, khi thu hồi đất nông nghiệp của người dân, chính quyền chỉ đền bù ở mức 73 triệu đồng/sào (360 m2), nhưng khi phân lô đất giãn dân, chính quyền lại thu mỗi lô có diện tích 100 mét vuông từ 200 triệu đến 300 triệu đồng/lô. Cũng theo ông Thạch, trong thôn còn khoảng 4 hộ gia đình trong đó có nhà ông Thạch bị thu hồi đất, nhưng đến nay vẫn chưa có quyết định thu hồi, chưa nhận tiền đền bù nhưng xã đã san mặt bằng. Người dân kiến nghị nhiều lần nhưng chính quyền vẫn không giải quyết dứt điểm.
Trao đổi với phóng viên, anh Bùi Văn Quyết, khu giãn dân Giàn Chiếu cho biết, trước khi được giao đất làm nhà ở, xã yêu cầu nộp trước 100 triệu với lý do lấy kinh phí để giải phóng mặt bằng, làm cơ sở hạ tầng như: đường giao thông, đường ống nước sạch, điện, vỉa hè, cây xanh. Tuy nhiên, người dân về ở khu Giàn Chiếu đã gần 2 năm vẫn không có hệ thống nước sạch, hệ thống đèn chiếu sáng công cộng chưa một lần thắp sáng.
Mặt khác, theo người dân trình bày, lúc giao mặt bằng ô đất cho dân, mỗi ô đất thiếu 30-40cm đất, xã hứa sau sẽ bồi thường cho mỗi hộ 15- 20 triệu đồng, nhưng đến nay cũng chưa có động tĩnh gì. Ngoài ra, chủ đầu tư đã triển khai xây dựng các đường ống dẫn nước đến từng hộ dân nhưng sử dụng hệ thống ống dẫn không đảm bảo nên không được cơ quan chức năng nghiệm thu nên mới dẫn đến tình trạng dân không có nước sạch để sinh hoạt.
Quan sát tại khu giãn dân Giàn Chiếu, chúng tôi thấy khu này là một đại công trường thi công dang dở. Nhiều căn nhà đang xây dựng, trơ bộ khung, thậm chí nhiều căn mà người dân bỏ tiền tỷ xây dựng hai hoặc ba tầng kiên cố nhưng cũng không có người ở. Hệ thống cơ sở hạ tầng như đường giao thông, cống rãnh, hệ thống điện ngổn ngang, chắp vá. Một hộ dân tâm sự: “Hầu hết người dân mua đất ở khu giãn dân Giàn Chiếu đều là nông dân, nên khi đến đây, người dân không có ruộng cấy, không có nghề phụ nên đời sống rất khó khăn”.
Hiện nay, cả khu giãn dân rộng lớn chỉ có khoảng hơn 30 hộ đến sinh sống. Các hộ khác thấy điều kiện hạ tầng, sinh hoạt quá khó khăn nên chưa dám ra ,mặc dù điều kiện ở nơi ở cũ cũng vô cùng chật chội, khó khăn.
Để có thông tin khách quan nhất, phóng viên đã liên hệ làm việc với ông Nguyễn Văn Đạo -Chủ tịch UBND xã Hợp Thịnh, tuy nhiên ông chủ tịch xã này đã từ chối làm việc và cho biết: “Cấp trên đang giải quyết, nên trong thời điểm này xã sẽ không cung cấp bất cứ tài liệu, thông tin gì. Sau này cơ quan kiểm tra sẽ có trách nhiệm cung cấp cho báo chí…”.
Còn trao đổi với phóng viên xung quanh vấn đề dự án, ông Phạm Văn Thành- Chủ tịch MTTQ xã Hợp Thịnh cho hay, dự án triển khai từ năm 2011 do UBND xã Hợp Thịnh làm chủ đầu tư. Trong quá trình thực hiện, thông qua công tác giám sát, MTTQ xã đã phát hiện một số bất cập và đã kiến nghị với chính quyền địa phương, còn trách nhiệm giải quyết thuộc thẩm quyền của phía chính quyền.
Theo quy định của Nhà nước, khi xây dựng các dự án giãn dân, tái định cư thì phải đảm bảo cơ sở hạ tầng đồng bộ đủ điều kiện cho người dân sống tốt hơn hoặc bằng nơi cũ. Tuy nhiên việc giãn dân ở xã Hợp Thịnh lại làm theo kiểu “đem con, bỏ chợ”. Những hộ dân bỏ tiền mua đất giãn dân chưa ra ở đã đành, còn các hộ dân đã “trót” dọn ra khu giãn dân Giàn Chiếu thì đang phải sống trong cảnh thiếu thốn, khổ sở. Họ thiết tha mong chờ được chính quyền địa phương sớm hoàn thiện cơ sở hạ tầng vật chất để có điều kiện sản xuất, kinh doanh ổn định cuộc sống.