Theo Vụ trưởng Vụ Thẩm định Đánh giá tác động môi trường, dự án lấn biển Cần Giờ tác động không đáng kể đến khu dự trữ sinh quyển rừng ngập mặn Cần Giờ.
Vấn đề xung quanh các khu dự trữ sinh quyển (DTSQ) tại Việt Nam và những tuyên bố của lãnh đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường (TNMT) xung quanh việc phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường dự án lấn biển Cần Giờ là những vấn đề nóng được nêu lên trong cuộc họp thường kỳ của Bộ TNMT vào sáng nay, 20/7.
Chính sách quản lý chưa thống nhất
Tại cuộc họp báo thường kỳ diễn ra ngày 20/7, đại diện Bộ TNMT cho biết, hiện chưa có sự thống nhất về tổ chức, chính sách quản lý các khu dự trữ sinh quyển (DTSQ) tại Việt Nam.
Phát biểu tại cuộc họp, ông Hoàng Văn Thức, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường (Bộ TNMT) đã cho biết, cho đến nay, Việt Nam có 9 khu DTSQ được Chương trình con người và sinh quyển thế giới (MAB-UNESCO) công nhận, thuộc cả vùng đồng bằng, miền núi, ven biển và hải đảo.
Tổng diện tích của 9 khu DTSQ của Việt Nam là hơn 4 triệu ha, chiếm 12,1% diện tích tự nhiên của cả nước. Đây cũng là nơi sinh sống của khoảng 1,78 triệu người. Diện tích vùng lõi chiếm 11% tổng diện tích của các khu DTSQ (khoảng 450.000 ha), là nơi tập trung đa dạng sinh học cao, gồm nhiều dịch vụ hệ sinh thái.
Theo Bộ TNMT, khu DTSQ của Việt Nam chịu sự quản lý của rất nhiều cơ quan khác nhau. Vùng lõi (Vườn quốc gia, Khu bảo tồn) được quản lý trực tiếp theo ngạch dọc của các Bộ chuyên ngành (Bộ NNPTNT, Bộ TNMT, Bộ VHTTDL).
Ngoài ra, các khu DTSQ thành lập các Ban Quản lý (BQL) và các bộ phận hỗ trợ, đối với khu DTSQ nằm trong ranh giới 1 tỉnh sẽ do tỉnh phê duyệt quyết định thành lập BQL; nếu liên tỉnh sẽ do Uỷ ban quốc gia UNESCO Việt Nam thành lập.
Bộ TNMT cho biết, về cơ cấu tổ chức, các BQL khu DTSQ hiện chưa có mô hình tổ chức thống nhất. Mỗi địa phương hình thành bộ máy tổ chức quản lý khu DTSQ theo cách tiếp cận của mình.
Về mặt chính sách, theo Bộ TNMT, hiện nay vẫn chưa đề cập "khu DTSQ" trong những chính sách quan trọng như là một thể thống chất và vì thế chưa được quản lý một cách chính thống, chỉ được đề cập như là một hợp phần của khu DTSQ vùng lõi.
Bộ TNMT được giao nhiệm vụ làm đầu mối quốc gia nhằm chỉ đạo hướng dẫn việc lập hồ sơ đề cử công nhận và quản lý các khu DTSQ. Tuy nhiên, cho đến nay, vẫn chưa có các văn bản quy phạm pháp luật cụ thể về khu DTSQ được ban hành, đặc biệt liên quan tới việc tổ chức quản lý thống nhất các khu DTSQ ở Việt Nam cũng như định hướng cụ thể bằng văn bản cho sự phát triển hệ thống này trong tương lai.
Dự án biển Cần Giờ được quan tâm lớn
Tại cuộc họp, trước sự quan tâm đặc biệt của dư luận, nhiều cơ cơ quan báo chí đã đặt ra những câu hỏi liên quan đến việc xem xét, đánh giá, phê duyệt Báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) Dự án khu đô thị du lịch lấn biển Cần Giờ, TP HCM.
Trả lời về vấn đề này, ông Nguyễn Xuân Hải, Vụ trưởng Vụ Thẩm định Đánh giá tác động môi trường cho biết: “Bộ TNMT ý thức rõ trách nhiệm của mình khi xem xét dự án để phát triển kinh tế nhưng phải bảo đảm mục tiêu phát triển bền vững và việc xem xét phải đặt trên các mục tiêu cụ thể. Trong đó thực hiện dự án nhưng phải giữ được rừng ngập mặn Cần Giờ”.
Ông Hải khẳng định, đây là dự án có quy mô lớn, nằm kế cận vùng chuyển tiếp Khu dự trữ sinh quyển Cần Giờ nên Bộ đã hết sức thận trọng trong quá trình thẩm định và phê duyệt ĐTM.
Trong quá trình thẩm định hồ sơ, Bộ TNMT nhận thấy, báo cáo ĐTM đã nhận diện, đánh giá khá đầy đủ, thận trọng các tác động có thể có và đưa ra giải pháp khá tổng thể nhằm giảm thiểu tác động đối với môi trường, đã xây dựng chương trình quản lý, giám sát môi trường và ứng phó sự cố môi trường.
Trước những câu hỏi về việc đánh giá tác động môi trường của dự án có thiếu điều kiện hay không? ông Nguyễn Xuân Hải nhấn mạnh, việc có các điều kiện kèm theo là hoàn toàn phù hợp với quy định về phê duyệt báo cáo ĐTM vì đánh giá tác động môi trường là việc phân tích, dự báo tác động đến môi trường của dự án.
Liên quan đánh giá ĐTM với rừng ngập mặn Cần Giờ, ông Hải cho biết, dự án nằm kế cận vùng chuyển tiếp của khu dự trữ sinh quyển vùng ngập mặn Cần Giờ. Như vậy việc thực hiện dự án có vị trí không thuộc ranh giới rừng phòng hộ Cần Giờ tại khu vực kế cận với vùng chuyển tiếp là hoàn toàn phù hợp với quy định của pháp luật Việt Nam và khung pháp lý của UNESCO, với những biện pháp thi công tiên tiến, xử lý nước thải đạt tiêu chuẩn Việt Nam cao nhất.
Kết quả đánh giá ĐTM thông qua các mô hình toán cho thấy dự án tác động không đáng kể đến khu dự trữ sinh quyển rừng ngập mặn Cần Giờ.
Về việc khai thác vật liệu san lấp, ông Hải cho rằng, việc khai thác vật liệu san lấp phải tiếp tục thực hiện đánh giá ĐTM khi có các thông tin dự án đầu tư cụ thể, chính xác hơn về nguồn, vị trí khai thác và vận chuyển.
Bộ TNMT cũng đã yêu cầu chủ đầu tư nghiên cứu phương án khai thác vật liệu tại chỗ khi cải tạo khu vực biển hồ trong dự án và tận dụng tối đa tài nguyên như các nguồn nạo vét, tro sỉ, đáp ứng yêu cầu san lấp để hạn chế tối đa việc khai thác vật liệu từ bên ngoài và sẽ được xem xét theo các quy định của pháp luật.