Dự án Luật Hành chính công là một dự luật lớn, khó và phức tạp, phạm vi điều chỉnh rộng. Đáng chú ý, đây là dự án luật đầu tiên trong lịch sử Quốc hội Việt Nam do một cá nhân ĐBQH trình. Vì vậy, UBTV Quốc hội đề nghị Ban soạn thảo tiếp tục nghiên cứu, tiếp thu các ý kiến góp ý để bảo đảm tính thống nhất, tính khả thi của Luật.
Theo bà Trần Thị Quốc Khánh - Trưởng ban soạn thảo Luật, Chính phủ đã và đang triển khai Chương trình tổng thể cải cách hành chính giai đoạn 2011-2020 với 5 mục tiêu, 6 nội dung cải cách hành chính, 39 nhiệm vụ cụ thể và 7 giải pháp thực hiện chia làm 2 giai đoạn. Mặc dù những nỗ lực của Chính phủ, các Bộ, ngành, chính quyền các cấp rất lớn với kết quả có nhiều chuyển biến, nhưng vẫn còn nhiều hạn chế, tồn tại.
Bà Khánh đưa ra dẫn chứng: Báo cáo sơ kết công tác cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2011-2015 và phương hướng, nhiệm vụ cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2016-2020 của Chính phủ chỉ rõ bất cập: Số lượng thủ tục hành chính thực hiện theo cơ chế một cửa liên thông còn ít; số lượng dịch vụ công cung cấp trực tuyến mức độ 3, 4 còn hạn chế; sự phối hợp giữa các cơ quan ngành dọc và tại địa phương trong ứng dụng công nghệ thông tin chưa hiệu quả và toàn diện; thủ tục hành chính luôn thay đổi và quy trình ISO còn rườm rà, chưa thống nhất dẫn đến việc khó khăn trong triển khai các phần mềm dùng chung, chia sẻ thông tin và liên thông dữ liệu; hạ tầng công nghệ thông tin tại các phường, xã chưa được quan tâm đúng mức, trình độ cán bộ phường xã trong việc ứng dụng công nghệ thông tin gặp nhiều khó khăn; hoạt động của bộ máy hành chính nhà nước từ trung ương đến địa phương vẫn chưa thật thống nhất, thông suốt; kỷ luật, kỷ cương hành chính vẫn lỏng lẻo; thiếu quy định rõ ràng về quy trình giải quyết công việc ở các cơ quan hành chính.
“Vì vậy việc xây dựng Dự án Luật Hành chính công sẽ góp phần khắc phục những bất cập trên đây trong xây dựng, thực thi pháp luật hiện nay”- bà Khánh cho hay.
Thẩm tra của thường trực Ủy ban Pháp luật về Dự án luật trên, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho rằng, các ý kiến tham gia đều cho rằng, tờ trình chưa xác định được những tồn tại, bất cập cụ thể trong các quy định của pháp luật hiện hành, chưa lý giải, làm rõ được với những nội dung điều chỉnh trong dự thảo Luật thì sẽ giải quyết được những thiếu sót, bất cập, cụ thể nào của nền hành chính nước ta hiện nay. Do đó, chưa làm nổi bật được sự khác biệt giữa việc có Luật Hành chính công với việc không có Luật này.
Ông Định nói: “Vì vậy nhiều ý kiến đề nghị cân nhắc về sự cần thiết ban hành Dự án Luật Hành chính công để tránh chồng chéo, trùng lặp về nội dung và phạm vi điều chỉnh với các văn bản luật hiện hành. Có ý kiến cho rằng, sẽ thực tế và khả thi hơn nếu nghiên cứu thu hẹp phạm vi điều chỉnh của Dự thảo luật theo hướng tập trung điều chỉnh đối với một hoặc một số vấn đề của nền hành chính mà chưa được quy định trong các Luật khác, nhưng phải bảo đảm xây dựng các quy phạm thực chất, cụ thể, chi tiết để có thể áp dụng được trên thực tế, còn nếu chỉ chung chung như Dự luật này thì không khả thi”.
Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho rằng, việc đổi mới cải cách hoạt động hành chính của Nhà nước ta là một sự cần thiết. Nhưng rõ ràng hoạt động hành chính của Nhà nước ta đã được quy định ở rất nhiều văn bản pháp luật. Vậy luật này có thể bao trùm tất cả vấn đề mà luật khác đã quy định hay không? Từ đó cho thấy phạm vi mà Ban soạn thảo đưa ra là quá rộng, quá sức. Thứ hai là tính thống nhất của luật này với các luật khác còn có những chồng chéo, tính cụ thể chưa đảm bảo. Nếu đưa ra thế này thì rõ ràng là tính khả thi là không thực hiện được. Nếu có có thể chỉ là luật về thủ tục hành chính.
Theo Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ, cần làm rõ Dự án luật này là luật khung chính sách ban hành nhiều luật khác và mối quan hệ với các luật khác nhau thế nào? Cho nên cần nghiên cứu thu hẹp phạm vi và đi sâu vào nội dung để đảm bảo tính khả thi.
Còn Trưởng ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải cho rằng, phạm vi điều chỉnh của luật quá rộng. Qua giám sát vừa qua của Quốc hội về bộ máy hành chính nhà nước đã cho thấy những bất cập xung quanh cải cách thủ tục hành chính. Do đó Luật cần tập trung về vấn đề này, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động của bộ máy nhà nước sao cho thủ tục hành chính được đơn giản, gọn nhẹ.
Theo Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Luật cần bám sát vào phạm vi nghiên cứu của nền hành chính quốc gia, nội dung nào đã được quy định về hành chính cơ quan nhà nước, công vụ, nền hành chính, nội dung nào chưa được quy định thì phải làm rõ các lý do thì mới thực sự thuyết phục. Bởi Luật chưa xác định rõ ràng cụ thể về khái niệm hành chính công, còn lúng túng trong xác định phạm vi và đối tượng điều chỉnh. Vì vậy cần tiếp tục xem xét tính lý luận và thực tiễn của Dự án Luật.
“Do đó trong Tờ trình cần phân tích rõ cơ sở nào xác định? Những nội dung cơ bản nào là Luật Hành chính công? Làm rõ phạm vi các vấn đề cần quy định trong mỗi chương, và có thể dẫn chiếu các vấn đề quy định ở các luật khác. Các quy định ở mỗi chương, mỗi điều cần phải bao quát làm rõ nội dung cụ thể, sự gắn kết. Các nội dung cơ bản cần thiết đưa vào Dự luật không được trùng lặp với các Luật về tổ chức và hoạt động của bộ máy nhà nước. Phải thể hiện được hết các nội dung của hành chính nhà nước và cụ thể hóa các nội dung của hành chính nhà nước. Đồng thời xác định vị trí của Luật nếu ban hành là luật khung hay là luật chuyên ngành”- Chủ tịch Quốc hội nêu rõ.