Đây là chủ đề Tọa đàm trực tuyến do Báo Đại Đoàn Kết tổ chức vào 9h30 ngày hôm nay (16/8); được tường thuật trực tiếp trên Báo điện tử Đại Đoàn Kết (daidoanket.vn).
Từ ngày 3 đến 7/8, Báo Đại Đoàn Kết khởi đăng loạt bài phản ánh 5 kỳ với chủ đề: Đã đến lúc chấm dứt Dự án mỏ sắt lớn nhất Đông Nam Á? đi sâu tìm hiểu về Dự án khai thác và tuyển quặng sắt mỏ Thạch Khê (huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh) do Công ty CP Sắt Thạch Khê làm chủ đầu tư.
Dự án khai thác và tuyển quặng sắt mỏ sắt Thạch Khê (gọi tắt là Dự án) nằm trên địa bàn 5 xã: Thạch Khê, Thạch Lạc, Thạch Trị, Thạch Hải, Đỉnh Bàn (huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh) được quy hoạch trên diện tích hơn 4.800ha; trong đó gần 3.900ha đất liền và 923ha lấn biển với khoảng 6.000 hộ dân (27.000 nhân khẩu) bị ảnh hưởng. Khi mới triển khai, Dự án kỳ vọng sẽ biến Hà Tĩnh từ một tỉnh thuần nông thành một trong những trung tâm công nghiệp nặng của cả nước và là trung tâm khai thác luyện cán thép lớn nhất Việt Nam, nhưng thực tế không như mong đợi.
Dự án khai thác và tuyển quặng sắt mỏ sắt Thạch Khê được phê duyệt lần đầu ngày 24/11/2008. Công suất khai thác giai đoạn 1 là 5 triệu tấn/năm, giai đoạn 2 khoảng 10 triệu tấn/năm. Theo báo cáo của Công ty CP Sắt Thạch Khê (TIC), tổng mức đầu tư Dự án ban đầu hơn 9.932 tỷ đồng, sau đó điều chỉnh lên hơn 14.500 tỷ đồng (vốn góp cổ đông 30%, vốn vay và các nguồn vốn huy động hợp pháp khác 70%). Tuổi thọ mỏ 52 năm. Mỏ có trữ lượng lớn nhất khu vực Đông Nam Á với 544 triệu tấn. Khối lượng quặng khai thác trong biên giới khai trường được chủ đầu tư xác định là 396,6 triệu tấn, tương đương khối lượng đất đá cần bóc xúc 651 triệu mét khối. Tổng số tiền đã đầu tư theo báo cáo của TIC hơn 1.900 tỷ đồng.
Mục tiêu của TIC là đầu tư khai thác mỏ sắt Thạch Khê để cung cấp quặng sắt trước hết cho nhu cầu luyện thép trong nước và dành một phần xuất khẩu, sau đó sẽ đầu tư và vận hành nhà máy luyện phôi thép…
Từ năm 2009 - 2011, TIC triển khai thực hiện thử nghiệm công nghệ và bóc đất tầng phủ được khoảng 12,7 triệu m3, khai thác đến độ sâu -34m so với mực nước biển. Quá trình này chủ đầu tư thu về được 3.000 tấn quặng. Ngày 11/7/2011, Thủ tướng Chính phủ đã có Thông báo số 64/TB-VPCP, chỉ đạo Dự án tạm dừng hoạt động khai thác.
Thông báo số 64/TB-VPCP đánh giá, kết luận: “Quá trình triển khai còn nhiều bất cập, bộ máy tổ chức chưa hợp lý, triển khai Dự án chưa bài bản, trình tự về đầu tư xây dựng chưa triển khai đúng, để xảy ra tình trạng chậm, kéo dài, huy động vốn cho Dự án thấp… yêu cầu TIC dừng thực hiện bóc đất tầng phủ để hoàn thiện thủ tục pháp lý của Dự án, tái cơ cấu lại doanh nghiệp, thực hiện giải phóng mặt bằng và tái định cư”.
Từ năm 2011 đến nay, việc hoàn thiện Dự án luôn được Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ quan tâm, chỉ đạo tại nhiều văn bản, tuy nhiên Dự án còn nhiều tồn tại, chưa đảm bảo điều kiện để tiếp tục triển khai thực hiện, tiềm ẩn nhiều rủi ro, an toàn, đặc biệt là các vấn đề về môi trường trong bối cảnh chịu tác động của biến đổi khí hậu cực đoan và nước biển dâng. Vì thế, Dự án tưởng chừng sẽ làm thay đổi bộ mặt Hà Tĩnh đã “án binh bất động” hơn 1 thập kỷ qua.
Nhóm phóng viên Báo Đại Đoàn Kết đã đi sâu tìm hiểu những hệ lụy do Dự án “treo” để lại cho người dân vùng Dự án. Đó là vùng bãi ngang thuộc ở 5 xã, gồm: Thạch Khê, Thạch Lạc, Thạch Trị, Thạch Hải, Đỉnh Bàn của huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh. Đây vốn là nơi thơ mộng, trữ tình với nhiều lợi thế phát triển nông - lâm - ngư, du lịch, kinh doanh - thương mại, dịch vụ. Thế nhưng, kể từ khi Dự án và khai thác tuyển quặng sắt mỏ sắt Thạch Khê triển khai và tạm dừng đến nay, vùng đất với nhiều tiềm năng này thay đổi hoàn toàn theo hướng… thụt lùi.
Mùa mưa, hàng nghìn héc ta đất sản xuất ngập trong nước lũ, đồng ruộng sình lầy, xói lở. Mùa nắng, đồng khô, cỏ cháy, cát bụi mù mịt. Nguồn nước nhiễm phèn, tụt nước ngầm. Đất ở không được cấp; tài sản đã kiểm đếm nhưng không được đền bù; lao động không có việc làm; hạ tầng không được đầu tư xây dựng…. Hàng loạt hệ lụy từ Dự án khai thác và tuyển quặng sắt mỏ Thạch Khê đeo đẳng người dân của 5 xã bãi ngang huyện Thạch Hà (Hà Tĩnh) nhiều năm qua.
Tuyến bài “Đã đến lúc chấm dứt Dự án mỏ sắt lớn nhất Đông Nam Á?” cũng chuyển tải ý kiến phản biện của các nhà khoa học, các bộ, ngành, đơn vị, địa phương về “lỗ hổng” trong quá trình khảo sát, nghiên cứu, lập báo cáo tiền khả thi, báo cáo kinh tế kỹ thuật và quá trình khai thác, thực hiện bóc đất tầng phủ, thử nghiệm công nghệ (2009-2011) của Chủ đầu tư TIC.
Thông qua loạt bài đã phản ánh những tác động của Dự án đến người dân, nguyện vọng của Đảng bộ, chính quyền, nhân dân Hà Tĩnh về việc đề nghị cơ quan có thẩm quyền sớm có quyết định chấm dứt Dự án. Loạt bài còn đề cập, gợi mở định hướng phát triển của vùng mỏ, huyện Thạch Hà và tỉnh Hà Tĩnh nếu nhà chức trách quyết định chấm dứt Dự án.
Sau khi loạt bài đăng tải được dư luận đặc biệt quan tâm. Xuất phát từ nguyện vọng của người dân vùng Dự án “treo” và tiếp nối mạch thông tin loạt bài 5 kỳ “Đã đến lúc chấm dứt Dự án mỏ sắt lớn nhất Đông Nam Á?”, Báo Đại Đoàn Kết tổ chức Tọa đàm trực tuyến “Dự án mỏ sắt lớn nhất Đông Nam Á: Dừng lại hay tiếp tục?” nhằm tìm ra lối đi đúng đắn, hợp lòng dân cho Dự án khai thác và tuyển quặng sắt mỏ Thạch Khê.
Tọa đàm trực tuyến “Dự án mỏ sắt lớn nhất Đông Nam Á: Dừng lại hay tiếp tục?” được tổ chức vào 9h30 ngày 16/8/2023; tường thuật trực tiếp trên Báo điện tử Đại Đoàn Kết (daidoanket.vn).
Quyền Tổng Biên tập Báo Đại Đoàn Kết Lê Anh Đạt chủ trì buổi tọa đàm. Với sự tham gia của các khách mời: PGS.TS Lưu Đức Hải - Chủ tịch Hội Kinh tế môi trường Việt Nam; PGS.TS Trần Bỉnh Chư - Tổng hội Địa chất Việt Nam; ông Trần Thanh Bình - Chủ nhiệm Hội đồng Tư vấn phản biện Kinh tế - Xã hội, Ủy ban MTTQ tỉnh Hà Tĩnh; ông Nguyễn Văn Khoa - Chủ tịch UBND huyện Thạch Hà (tỉnh Hà Tĩnh); ông Nguyễn Hải Lý - Bí thư Đảng ủy xã Thạch Hải (huyện Thạch Hà, Hà Tĩnh); ông Nguyễn Quang Luân - người dân thôn Bắc Hải, xã Thạch Hải, huyện Thạch Hà, Hà Tĩnh và TS Phạm Lê Hùng - Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Đầu tư thương mại và Khai thác khoáng sản Thăng Long (đại diện chủ đầu tư Dự án khai thác và tuyển quặng sắt mỏ Thạch Khê).