Báo cáo mới đây của Bộ Xây dựng cho thấy, tiến độ triển khai dự án nhà ở xã hội vẫn chậm khi cả nước chỉ có duy nhất 1 dự án đã hoàn thành trong quý III/2024. Điều đó càng kéo dài nỗi lo toan của những đối tượng được thụ hưởng chính sách nhà ở xã hội, trong khi giá nhà đất ngày một lên cao.
Đặc biệt tại 2 thành phố lớn là Hà Nội và TPHCM, nhu cầu nhà ở nói chung và nhà ở xã hội (NOXH) nói riêng rất cao, thì việc chậm trễ tiến độ xây dựng NOXH càng làm cho tình hình thêm căng thẳng.
Theo Bộ Xây dựng, tiến độ triển khai dự án NOXH đang rất chậm. Tổng hợp báo cáo từ các địa phương, từ đầu năm 2024 đến quý 3/2024, cả nước chỉ có 8 dự án NOXH đang được triển khai với quy mô khoảng 4.960 căn hộ. Trong số này, chỉ có 1 dự án đã hoàn thành một phần với 200 căn hộ; 4 dự án khác đã tiến hành khởi công xây dựng. Như vậy là so với yêu cầu của Đề án 1 triệu căn hộ NOXH (giai đoạn 2021 - 2030) được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt thì đích đến còn quá xa vời. Vẫn theo Bộ Xây dựng, tính từ năm 2021 đến nay, cả nước mới có 42.414 căn NOXH được cung cấp ra thị trường.
Nguồn cung NOXH tại các thành phố lớn khan hiếm đã khiến giá tăng vọt. Theo tính toán của một số chuyên gia kinh tế thì nếu người lao động có thu nhập khoảng 15 triệu đồng/tháng, sẽ cần phải tích lũy 20 năm mới có thể mua và trả nợ xong 1 căn hộ NOXH diện tích khoảng 50m2. Còn với nhà ở thương mại, với giá phổ biến hiện nay tại Hà Nội và TPHCM thì phải cần tới 37 năm tích lũy mới có được căn hộ dưới 70m2, trong điều kiện thu nhập hàng tháng của người lao động không dưới 25 triệu đồng.
Trở lại vấn đề, được cho là đã có nhiều nỗ lực, nhưng vì sao tiến độ xây dựng NOXH vẫn rất chậm?
Theo đánh giá của Đoàn Giám sát Quốc hội, mục tiêu phát triển NOXH đặt ra cao nhưng nguồn lực để thực hiện mục tiêu chưa đáp ứng tính khả thi, hiệu lực, hiệu quả khi áp dụng trong thực tiễn. Ngoài ra, trình tự, thủ tục cho vay NOXH theo quy trình, hướng dẫn cho vay của Ngân hàng Chính sách xã hội còn có điểm chưa phù hợp, gây khó khăn cho người dân, doanh nghiệp. Cụ thể là việc thẩm định lại các điều kiện của đối tượng vay NOXH mặc dù các điều kiện này đã được các cơ quan có thẩm quyền xác minh, xét duyệt.
Trong điều kiện nguồn ngân sách nhà nước còn hạn chế, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Xây dựng phối hợp chặt chẽ với Ngân hàng Nhà nước triển khai thực hiện 7 gói tín dụng cho vay hỗ trợ nhà ở. Song một số gói giải ngân còn hạn chế, trong đó gói tín dụng 120.000 tỷ đồng đang triển khai giải ngân đạt kết quả thấp. Còn theo các chủ đầu tư, thủ tục UBND cấp tỉnh công bố danh mục dự án NOXH đủ điều kiện vay vốn theo Chương trình tín dụng 120.000 tỷ đồng theo Nghị quyết số 33 ngày 11/3/2023 của Chính phủ là không cần thiết, thêm tầng nấc, khiến việc triển khai dự án chậm trễ. Có trường hợp chủ đầu tư phải vay từ ngân hàng thương mại với lãi suất cao, dẫn đến giá bán NOXH cao.
Quỹ đất để phát triển NOXH cũng đang là nút thắt khi nhiều địa phương chưa bố trí quỹ đất độc lập để phát triển NOXH; việc phát triển NOXH chủ yếu phụ thuộc vào quỹ đất 20% trong dự án nhà ở thương mại, nhưng việc triển khai còn nhiều bất cập, vướng mắc. Giai đoạn 2015 - 2023 mới có 18/63 tỉnh, thành phố bố trí quỹ đất độc lập để phát triển NOXH; 35/63 tỉnh, thành phố bố trí quỹ đất 20% trong dự án nhà ở thương mại để phát triển NOXH. Việc các địa phương chưa bố trí thỏa đáng quỹ đất độc lập để phát triển NOXH cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến việc chậm trễ trong xây dựng NOXH.
Như vậy, có thể thấy 2 nút thắt chính trong lĩnh vực NOXH là thủ tục vốn vay ưu đãi từ ngân hàng và các địa phương cũng không bố trí quỹ đất hợp lý. Nút thắt đã được nhận diện nhưng đáng tiếc là nhiều năm qua vẫn không được tháo gỡ tích cực. Chính vì thế mà Đề án 1 triệu NOXH rất khó về đích vào năm 2030.