Hiện cả nước có khoảng 25 triệu người dân có cuộc sống liên quan đến rừng. Để giúp người dân bảo vệ rừng, nâng cao thu nhập, từ nhiều năm qua địa phương đã xây dựng nhiều mô hình trồng các loài cây dược liệu mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân.
Mô hình trồng dược liệu dưới tán rừng hiện giúp bảo vệ tài nguyên rừng hiệu quả, tồn cây thuốc quý, mở ra hướng phát triển sinh kế mới cho người dân xã Đồng Phúc (Ba Bể- Bắc Kạn).
Hiện trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn có hơn 1.000 loại cây dược liệu, trong đó có nhiều cây thuốc quý. Tuy nhiên, nguồn tài nguyên này đang bị cạn kiệt, nhiều loại cây không còn khả năng tái sinh, thậm chí có nguy cơ tuyệt chủng... Vì vậy, việc trồng và phát triển cây dược liệu dưới tán rừng không chỉ mang lại lợi ích kinh tế mà còn góp phần bảo tồn nguồn gen quý, bảo vệ đa dạng sinh học của rừng tự nhiên tại xã Đồng Phúc (Ba Bể - Bắc Kạn).
Với quy mô thực hiện 3ha có 10 hộ tham gia tại thôn Bản Chán và Nà Khâu, xã Đồng Phúc (Ba Bể - Bắc Kạn). Các cây trồng được đưa vào thực hiện gồm: Trám đen ghép, dẻ ván ghép và trà hoa vàng là những cây trồng đa mục đích, có hiệu quả kinh tế cao và phù hợp với điều kiện đất đai, khí hậu, thổ nhưỡng của địa phương.
Tham gia mô hình các hộ được nhà nước hỗ trợ 100% chi phí giống, vật tư phân bón và hướng dẫn kỹ thuật trồng và chăm sóc rừng trong 3 năm thực hiện mô hình. Mô hình đã thực hiện trồng được 660 cây trám đen ghép, 660 cây dẻ ván ghép và hơn 4.800 cây trà hoa vàng. Hiện một số cây dẻ ván và trám đen đã cho thu hoạch, trà hoa vàng đang sinh trưởng, phát triển tốt...
Có thể thấy, mô hình trồng rừng kết hợp cây dược liệu có vai trò quan trọng trong việc giảm thiểu xói mòn, bồi lấp lòng hồ, lưu vực hồ Ba Bể, giúp nâng cao ý thức bảo vệ và khai thác hiệu quả, bền vững nguồn lợi từ rừng của bà con khu vực lân cận hồ.
Từ khi thực hiện chính sách tín dụng ưu đãi theo Nghị định 28/2022/NĐ-CP của Chính phủ, UBND huyện Ba Bể đã chỉ đạo các phòng chuyên môn triển khai các nội dung đầu tư, hỗ trợ. Dự án hỗ trợ 70% giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, hướng dẫn khoa học – kỹ thuật cho các hộ thực hiện.
Theo đó, tại xã Đồng Phúc thực hiện 6ha, cho thu hoạch khoảng 4,4ha tại các thôn Bản Chán, Tẩn Lùng, Nà Khâu, do Trung tâm Khuyến nông tỉnh hỗ trợ. Tại xã Thượng Giáo thực hiện 3,5ha tại thôn Phịa Khao từ nguồn kinh phí nông thôn mới hỗ trợ.
Loại cây này có đặc điểm ưa độ ẩm cao, thường mọc dưới tán rừng và là cây dược liệu quý, dùng để bào chế thuốc chữa các bệnh về dạ dày, tá tràng. Theo tính toán, với mật độ từ 6.000 – 10.000 cây/ha, khôi nhung sau 1 – 2 năm có thể cho thu hoạch từ 3 – 5 tạ lá khô mỗi năm, thu về lợi nhuận từ 50 – 80 triệu đồng.
Anh Hoàng Văn Tâm, ở thôn Bản Chán, xã Đồng Phúc tham gia thực hiện 2 mô hình trên chia sẻ: Cây khôi nhung tía trồng khoảng 4 - 5 tháng là cho thu hoạch lá lứa đầu, mỗi năm thu từ 3 - 4 đợt, với giá bán dao động từ 150.000 – 180.000 đồng/kg lá khô. Còn đối với cây trà hoa vàng trồng được 3 năm có thể thu hoạch lá, sau 4 – 5 năm sẽ cho thu hoạch hoa. Với giá bán hiện là 400.000 – 600.000 đồng/kg hoa tươi, lá có thể bán khoảng 25.000 đồng/kg, tính ra mỗi cây trà hoa vàng cho thu khoảng 1 triệu đồng. Kỳ vọng của tôi trong vài năm nữa sẽ có thu nhập cao từ các loại dược liệu này.
Như vậy, có thể nói, trồng và phát triển cây dược liệu dưới tán rừng không chỉ mang lại lợi ích kinh tế mà còn góp phần bảo tồn nguồn gen quý, bảo vệ đa dạng sinh học của rừng tự nhiên tại xã Đồng Phúc.
Ông Hoàng Văn Quỳnh, Phó Chủ tịch UBND xã Đồng Phúc cho biết: Hiện xã có khoảng 5,6ha khôi nhung tía và 3ha trà hoa vàng trồng dưới tán rừng, được trồng tập trung ở các thôn Bản Chán, Nà Khâu, Tẩn Lùng. Thời gian tới, bằng nguồn vốn của Chương trình MTQG, xã tiếp tục vận động người dân nhân rộng mô hình, tiến tới thành lập hợp tác xã về trồng và sản xuất chế biến cây dược liệu, nhằm tạo sinh kế, hướng đến phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp bền vững tại địa phương.
Điều này khẳng định phát triển dược liệu là một trong hướng đi để khai thác bền vững tài nguyên rừng, vừa góp phần nâng cao thu nhập cho người dân vừa là giải pháp thích ứng hiệu quả với biến đổi khí hậu.