Sau 8 năm kể từ khi Dự án thủy điện Hồi Xuân được khởi công, 53 hộ dân bản Sa Lắng, xã Thanh Xuân, huyện vùng cao Quan Hóa (Thanh Hóa) vẫn chưa được bố trí đất tái định cư. Toàn bộ mặt bằng tái định cư hiện chưa được xây dựng xong, trong khi đó trên công trường gần như không có bóng công nhân, thiết bị máy móc làm việc.
Theo dự kiến của chủ đầu tư, vào tháng 8/2018, Dự án thuỷ điện này sẽ ngăn đập tích nước. Như vậy, nếu việc triển khai di dân bản Sa Lắng không được quan tâm rốt ráo thì 53 hộ dân với 280 nhân khẩu tại địa phương nêu trên sẽ đứng trước nguy cơ vô gia cư.
Người dân bản Sa Lắng vẫn nơm nớp lo sợ về nơi ăn, chốn ở.
Khổ như chờ di dời
Dự án thủy điện Hồi Xuân được triển khai thi công từ năm 2010 với tổng mức đầu tư khoảng hơn 3.320 tỷ đồng, bao gồm 3 tổ máy có tổng công suất 102 MW sẽ sản xuất lượng điện trung bình 432,61 triệu kwh/năm khi đi vào hoạt động.
Để thực hiện Dự án này, hàng trăm hộ dân sinh sống tại huyện vùng cao Quan Hoá cần phải được di dời tới nơi ở mới, đảm bảo an toàn; trong đó có 53 hộ dân bản Sa Lắng.
Thế nhưng từ khi thủy điện Hồi Xuân bắt đầu xây dựng đến nay, 53 hộ dân với 280 nhân khẩu bản Sa Lắng, xã Thanh Xuân vẫn chưa được di dời.
Ông Hà Thanh Nghị, một người dân bản Sa Lắng kể: “Năm 2010, Dự án thuỷ điện Hồi Xuân được đi vào triển khai nhưng phải đến năm 2014, Hội đồng giải phóng mặt bằng (GPMB) mới đến tổ chức cho họp dân, thống nhất phương án và mức giá đền bù GPMB để bà con trong bản chuyển sang nơi ở mới.
“Theo như cam kết, chỉ một năm sau bà con sẽ được chuyển đến nơi ở mới. Nào ngờ đến bây giờ, chủ dự án vẫn chưa làm xong mặt bằng tái định cư cho dân. Nhà cửa càng ngày càng cũ nát, trong khi mùa mưa bão nữa lại sắp về!”- ông Nghị lo lắng.
Không chỉ tình trạng nhà cửa xuống cấp không được sửa sang, xây mới; hàng chục ha ruộng vườn của 53 hộ dân cũng bị bỏ hoang do bà con lúc nào cũng nơm nớp trong tư thế chuẩn bị di dời nên không dám tổ chức sản xuất.
Điều này khiến đời sống kinh tế của người dân Sa Lắng trở nên khó khăn gấp bội. Chị Hà Thị Thanh nói: “Tiền được đền bù tiêu cũng đã gần cạn. Nếu chủ đầu tư Dự án không nhanh chóng bố trí nơi ở mới để ổn định cuộc sống thì chúng tôi chẳng biết bấu víu vào đâu nữa. Chỉ mong sao họ sớm làm xong mặt bằng để dân chuyển lên chỗ ở mới, ổn định để làm ăn. Chứ cả ngày không làm gì, chỉ nhìn vào mấy đồng đền bù để làm nhà, tiêu mãi cũng hết”.
Ông Cao Thanh Bình - Bí thư Chi bộ kiêm trưởng bản Sa Lắng cho biết: “Cả bản có 53 hộ nằm trong diện di dời, trong đó có 5 nhà phải di dời khẩn cấp nên hiện đang phải thuê nhà để ở. Đa số những ngôi nhà trong bản đều xuống cấp, cần phải sửa chữa. Tuy nhiên do nhà thuộc diện di dời nên không ai dám bỏ tiền ra sửa”.
Được biết, dân cư bản Sa Lắng sinh sống chủ yếu dựa vào việc trồng, khai thác cây luồng, những nương hoa màu và đánh cá ở sông Mã. Từ khi chủ đầu tư tiến hành đắp đập, xây dựng thủy điện đến nay, nước dâng lên cao ngập hết ruộng vườn nên dân không canh tác được và chẳng ai dám xuống sông đánh cá.
Bao giờ mới an cư?
Nhiều người dân cho biết: Đơn vị thi công khu tái định cư triển khai làm rất chậm chạp, làm được một thời gian ngắn lại nghỉ. Mọi hệ thống cơ sở hạ tầng của khu tái định cư đều đang nằm ở con số không tròn trĩnh.
Ông Cao Văn Định, cán bộ địa chính xã Thanh Xuân cho biết: Trong toàn xã có 141 hộ phải di dời. Bản Sa Lắng có 53 hộ di dời theo diện tái định cư, còn các bản khác, ít hơn nên di dời tự do.
Nguyên nhân tái định cư ở Sa Lắng chậm là do việc san lấp để chia mặt bằng cho dân chậm nên chưa thể di dời được.
Những hộ dân nằm trong diện di dời chỉ được nhận tiền đền bù giá trị tài sản trên đất và tiền hỗ trợ di dời tài sản. Số diện tích đất ở mới sẽ được cấp mỗi một hộ là 400 m2.
Ông Cao Thanh Bình – Bí thư Chi bộ, kiêm Trưởng bản Sa Lắng cho biết thêm: “Trước khi Dự án được triển khai, đời sống bà con nơi đây cũng rất vất vả. Tuy nhiên, sau khi nghe giới thiệu về khu tái định cư mới, với nhiều tiện ích cho cuộc sống, đặc biệt là trong phát triển kinh tế, bà con đều rất vui mừng. Thế nhưng từ khi nhận tiền đền bù, đời sống ngày càng rơi vào khó khăn. “An cư” mới “lạc “nghiệp”, cứ tình trạng này, chưa biết bao giờ người dân mới ổn định tư tưởng để phát triển kinh tế, chăm lo cho cuộc sống của mình”.
Trước sự việc trên, ông Phạm Bá Diệm - Bí thư Huyện uỷ Quan Hoá khẳng định: “Những vấn đề người dân bản Sa Lắng phản ánh là đúng sự thật” và cho biết: Lãnh đạo huyện Quan Hoá đã nhiều lần cùng các ban, ngành liên quan lên thực địa, kiểm tra đời sống của người dân ở bản Sa Lắng và đề nghị phía thủy điện Hồi Xuân đẩy nhanh tiến độ xây dựng khu tái định cư (TĐC) tập trung để giúp người dân ổn định cuộc sống.
Chủ đầu tư cam kết, vào tháng 8/2018, thủy điện sẽ tiến hành chặn dòng và tích nước lòng hồ. Như vậy, tới khi đó nếu khu TĐC tập trung vẫn chưa được xây dựng xong thì hàng trăm người dân bản Sa Lắng sẽ chính thức rơi vào tình cảnh vô gia cư.
Được biết, đến thời điểm hiện tại, chủ đầu tư thủy điện Hồi Xuân vẫn chưa thực hiện nghĩa vụ đóng thuế vãng lai đầy đủ cho địa phương theo quy định của pháp luật.
Ông Hà Văn Ca - Phó Chủ tịch UBND huyện Quan Hóa cho biết thêm: Thủy điện Hồi Xuân khởi động lại từ năm 2014 đến nay không chỉ khiến cuộc sống người dân bản Sa Lắng gặp khó khăn mà còn đẩy một số hộ dân ở bản Đỏ, xã Phú Thanh cũng đang sinh sống trong sự bất an.
Chưa dừng lại, còn có khoảng 10 công trình công cộng của các xã thuộc diện vùng ngập lòng hồ của thủy điện và một số tuyến đường dân sinh ngập nước lòng hồ, hiện nay chủ đầu tư dự án vẫn chưa làm cho người dân.
Vào tháng 10/2014, Dự án nói trên được chuyển giao từ Cty Thủy điện Hồi Xuân - Vneco thuộc TCty CP Xây dựng Điện Việt Nam (Bộ Công thương) cho Cty TNHH Dịch vụ Thương mại và Sản xuất xây dựng Đông Mê Kông, đơn vị tham gia với tư cách cổ đông nắm giữ 90% cổ phần để cùng đầu tư hoàn thiện dự án nhưng đến nay mới chỉ xây dựng được khoảng hơn 60% kế hoạch.
Nguyễn Chung