Dự án xây trường mầm non có dấu hiệu tiêu cực?

Tuấn Mã - Trần Minh 21/09/2015 23:00

Trong quá trình xây dựng trường mầm non, người dân đã phát giác ra nhiều dấu hiệu gian lận ảnh hưởng tới chất lượng công trình. Lo cho tính mạng của con, cháu sau này, họ đã phản đối và yêu cầu dừng thi công công trình để cơ quan chức năng làm rõ…

Người dân trình bày bức xúc với PV.

Đó là vụ việc bức xúc đang diễn ra tại công trình xây dựng trường mầm non thôn 7 và 8 (còn gọi là thôn Quắn), xã Hưng Công, huyện Bình Lục, tỉnh Hà Nam. Ngay khi thi công phần móng của công trình vào trước Tết Nguyên đán 2015, người dân đã phát hiện ra hàng loạt sai phạm của dự án này.

Công trình Trường mầm non khu vực thôn 7 và 8, xã Hưng Công gồm 2 tầng, mỗi tầng có 4 phòng học với tổng diện tích sàn là 570 m2, với tổng kinh phí đầu tư xây dựng hơn 4 tỷ đồng. Chủ đầu tư là UBND xã Hưng Công, đơn vị thi công là công ty TNHH Minh Luật. Dự kiến, sau khi đưa vào hoạt động ngôi trường này sẽ là nơi học tập cho khoảng 300 cháu.

Một số người dân cho biết, theo thiết kế phần cọc đóng móng là phải bằng gốc tre già, nhưng thực tế toàn bộ cọc lại là phần ngọn tre non, kích thước nhỏ; phần móng lẽ ra được lót bằng bê tông đá 4x6, vữa mác 100, nhưng đơn vị thi công lại chỉ xếp đá lót phía đáy rồi phủ lên một lớp vữa mác thấp.

Nghiêm trọng hơn, trong thiết kế phần cốt thép chịu lực trong các cột, ở cổ cột phía đế thép phải được bẻ vuông 90 độ tiếp xúc với mặt dầm móng. Tuy nhiên, đơn vị thi công lại làm hời hợt, cẩu thả, phần cổ cột không được uốn vuông như quy định, mà uốn chéo, có cây thép cắm chếch xuống nền móng, có cây chiều dài bị hẫng hụt theo quy định nhằm tiết kiệm vật liệu.

Thêm nữa, chất lượng thép cũng có vấn đề khi máy xúc đất chạm vào, sắt thép không biến dạng như thông thường mà bị nứt gãy khiến đơn vị thi công không dám uốn lại sợ gãy rời. Khoảng cách hai đai sắt ở dầm và cột theo bản thiết kế ở vị trí gần cột là 15cm và 20cm. Song người dân cho biết khi nhìn bằng mắt thường và đo nhanh thì khoảng cách phải lên đến gần 35cm. Ngoài ra, theo thiết kế, nền nhà được đổ và nén bằng cát, nhưng trên thực tế, đơn vị thi công đã dùng đất để san nền. Khi người dân phát hiện, đơn vị thi công mới xúc đất ra và mang cát đến thay thế...

Ông Nguyễn Trí Lễ (76 tuổi), ở thôn 6, xã Hưng Công bức xúc: “Nếu xây dựng kiểu này tính mạng các con cháu chúng tôi liệu có được đảm bảo?”. Còn ông Trần Văn Tấn (75 tuổi), ở thôn 6 phản ánh: “…những lần người dân chúng tôi ra xem xây dựng công trình, mới phát hiện là đơn vị thi công lúc trộn bê tông làm móng, thì họ đổ 9 thúng đá, 7 thúng cát và 1 bao xi-măng. Nếu đúng tỷ lệ phải là 4 cát, 6 đá và 1 xi-măng, hơn nữa đá làm móng lại là loại đá nhỏ không phải đá 1.2. Chúng tôi đã yêu cầu đơn vị thi công dừng việc này để làm rõ”.

Trước việc đơn vị thi công làm phần móng có nhiều khuất tất, người dân đã yêu cầu xã phải cung cấp hồ sơ thiết kế công trình để xem xét và báo cáo tổ chức tư vấn giám sát về chất lượng thi công công trình. Đến khi nhận được bản thiết kế và báo cáo họ mới “ngã ngửa” khi biết trong báo cáo có yêu cầu phải thành lập Ban giám sát nhân dân và Ban giám sát cộng đồng. Tuy nhiên, trên thực tế, không có một ban giám sát nào…

Kết cấu thép chịu lực làm không đúng thiết kế ở phần cổ cột (ảnh do người dân cung cấp).

Về vấn đề trên, ông Trần Đức Thành – Bí thư Đảng ủy xã Hưng Công (thời điểm xảy ra vụ việc trên, ông Thành đang là Chủ tịch UBND xã) cho biết: “…Việc thành lập ban giám sát nhân dân, xã đã làm đúng theo quy định. Ban giám sát gồm 9 người, 8 người trong đó là đại diện của các cơ quan, đoàn thể trong xã, thôn, người còn lại được xã đề nghị cán bộ thôn tiến cử từ dân. Nhưng do người dân không tham gia nên xã phải cử một công an viên trong thôn nhà gần địa điểm làm trường thay thế. Sau khi nhận được kiến nghị từ người dân, chúng tôi đã mời đơn vị thi công lên để chấn chỉnh. Chúng tôi đã yêu cầu đơn vị thi công, ban giám sát và ban quản lý dự án (là người được Nhà nước cho phép chúng tôi thuê – ông Thành) thực hiện một số báo cáo kết luận về chất lượng công trình. Đơn vị thi công đã cam kết với xã về việc đảm bảo chất lượng công trình”.

Ông Thành cũng cho biết: Theo thiết kế thì chưa gọi là chính xác, song về chất lượng công trình thì đều đảm bảo sai số trong khuôn khổ cho phép. Đơn vị thi công cam kết chịu trách nhiệm trước chủ đầu tư nếu như có vấn đề xảy ra. Đồng thời, chúng tôi đã thống nhất, thỏa thuận với người dân sẽ mời cơ quan có đủ điều kiện năng lực, để thẩm định chất lượng công trình trường mầm non xóm 7, 8 và trả lời với nhân dân. Hiện nay công trình này cũng đã tạm dừng thi công nhiều tháng.

Liên quan đến vụ việc, ngày 4/6/2015, đoàn kiểm tra Sở Xây dựng Hà Nam phối hợp với UBND huyện Bình Lục và các đơn vị liên quan tiến hành kiểm tra hiện trường thi công xây dựng công trình trên. Về việc này, ông Trần Văn Tấn (75 tuổi, ở xóm 6) cho biết: “Sau khi các cơ quan chức năng đến làm việc, có mời bà con chúng tôi đến dự. Phía chủ đầu tư, bên thi công, các cơ quan chức năng cũng nhận trách nhiệm và xin lỗi với người dân. Nhưng cho đến nay phương án giải quyết vẫn không có”.

Còn ông Trần Đức Thành - Bí thư Đảng ủy xã Hưng Công thì ý kiến: “Về vấn đề này, chúng tôi đã nhận thiếu sót trong quá trình xây dựng và đã công khai xin lỗi với người dân. Xã cũng đã làm phương án giải quyết và trình lên UBND huyện Bình Lục. Phương án này đã được UBND huyện và Phòng Công thương phê duyệt. Tới đây huyện sẽ tổ chức họp bàn về vấn đề này”. Cũng theo ông Thành, phía công ty Minh Luật đã nhận trách nhiệm vì không chỉ đạo sát sao, để công nhân làm ẩu. Trước mắt công trình trường mầm non xóm 7, 8 sẽ tiếp tục được xây dựng, phần móng nhà sẽ được bổ sung dầm để gia cố cho chắc chắn. Dự kiến số phần móng bổ sung khoảng 70 triệu, toàn bộ số tiền này đều do đơn vị thi công là công ty Minh Luật bỏ ra.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Dự án xây trường mầm non có dấu hiệu tiêu cực?