Dự ánh Vành Đai 3: Nhiều người dân chưa thống nhất giá đền bù đất nông nghiệp

Trung Kiên 27/09/2023 10:59

Dự án Vành Đai 3 đoạn qua địa bàn TP HCM được đánh giá một trong những dự án được đồng thuận cao trong nhân dân. Tuy nhiên hiện vẫn còn hộ dân cho rằng mức giá đền bù đối với đất nông nghiệp chưa thoả đáng.

Chệnh lệch quá cao giữa 2 đơn vị thẩm định giá độc lập

Trao đổi với phóng viên một số hộ dân ở phường Trường Thạnh, TP Thủ Đức cho biết trước đó chính quyền địa phương có họp với bà con nói về những mặt tích cực mà dự án tuyến đường Vành Đai 3 đi qua đem lại, bà con rất đồng tình ủng hộ. Tuy nhiên sau này khi triển khai giá bồi thường cho những hộ dân bị ảnh hưởng bởi dự án có nhiều vấn đề phát sinh xảy ra hàng chục hộ dân vẫn chưa thống nhất với giá đền bù đất nông nghiệp. Cụ thể về giá bồi thường đất ở (thổ cư - PV) thì người dân rất đồng tình (giá thổ cư bồi thường trên dưới 60 triệu đồng/m2), trong khi đó giá bồi thường đối với đất nông nghiệp lại quá thấp chỉ từ 5,8 đến 7,6 triệu đồng/m2 đã khiến nhiều hộ dân bị thiệt hại.

Trong đơn gửi đến báo Đại Đoàn Kết, ông Lê Minh Thắng và các hộ dân ông Bùi Thanh Tuấn (phường Trường Thạnh), Phan Văn Hiếu (phường 26)…cho rằng về giá đền bù đối với đất ở (thổ cư) người dân không có ý kiến gì, nhưng với giá đất nông nghiệp quá thấp so với thực tế chuyển nhượng thị trường. Theo một số hộ dân ở khu vực này cho biết họ đã thuê đơn vị thẩm định giá độc lập Cty TNHH Tư vấn và Thẩm định giá Phương Nam, hiện giá đất ở khu vực này đơn vị thẩm định trên 33 triệu đồng/m2. Trong khi đó theo thông tin từ các hộ dân ở phường Trường Thạnh họ chỉ nhận được từ chính quyền địa phương từ 5,8 đến 7,6 triệu đồng/m2, thấp hơn rất nhiều.

Toàn bộ diện tích đất trên 3.300m2 của gia đình ông Thắng nằm trên đường Nguyễn Xiển bị thu hồi làm đường Vành đai 3.

Cụ thể ông Bùi Thanh Tuấn cho biết, tuyến đường Nguyễn Duy Trinh, nhà nước chỉ đền bù với giá rẻ mạt 7,6 triệu đồng/m2, chỉ bằng gần 1/10 giá trị thị trường chuyển nhượng lâu nay trên 65 triệu/m2.

Ông Tuấn còn tìm hiểu, tham khảo thêm giá đền bù của địa phương cận kề có chung dự án Vành đai 3 đi qua là tỉnh Bình Dương lại có mức giá khác hoàn toàn, cao hơn nhiều so với mức đền bù của TP HCM. Theo ông Tuấn “Đất nông nghiệp ở Bình Dương được đền bù bằng 50% giá đất thổ cư, đất phi nông nghiệp là 60% và đất thương mại là 80% của đất thổ cư. Như vậy, cùng dự án đường Vành đai 3 mà giá đất bồi thường của tỉnh còn cao hơn với giá bồi thường của thành phố là bất hợp lý…”.

Trường hợp của ông Phan Văn Hiếu ở phường 26 cũng với bức xúc về việc bồi thường giá đất nông nghiệp quá thấp khiến gia đình ông thiệt hại hàng tỉ đồng. Ông Hiếu nói: Gia đình ông có có 465m2 đất mặt tiền, vị trí số 1, đường Nguyễn Duy Trinh bị thu hồi để thực hiện dự án đường Vành đai 3 với mức bồi thường qúa thấp chỉ 7,6 triệu đồng/m2, tổng số tiền được bồi thường là trên 3,5 tỉ đồng được tính theo đơn giá đền bù Quyết định số 02/2020/QĐ-UBND ngày 16/1/2020 của UBND TP HCM và căn cứ hệ số giá đất quá thấp. Trong khi đó giá thị trường ở khu vực này đối với đất nông nghiệp hiện đang giao dịch trên 60 triệu đồng/m2.

Ông Lê Minh Thắng cho rằng giá đền bù thổ cư ông không kiến nghị, nhưng với giá đất nông nghiệp ông không đồng tình, quá thấp so với giá thị trường, với tổng diện tích bị thu hồi trên 3.300m2 hiện gia đình ông bị thiệt hại hàng chục tỉ đồng…

Một số hộ dân còn phân trần, căn cứ theo văn bản số 314/CSBT-HĐBT ngày 26/4/2023 của UBND Thành phố Thủ Đức, việc áp dụng hệ số K (hệ số điều chỉnh giá đất – PV) mà TP Thủ Đức dựa vào một đơn vị thẩm định giá độc lập cho thấy đối với từng loại đất, từng khu vực đất chưa phù hợp với tình hình thực tế, đang có sự chênh lệch quá lớn giữa 2 đơn vị thẩm định độc lập.

Đất gia đình ông Bùi Thanh Tuấn nằm mặt tiền đường Nguyễn Duy Trinh, nhưng giá bồi thường đất nông nghiệp quá thấp.

Người dân mong muốn đền bù phù hợp, tránh bị thiệt hại

Nhìn chung các hộ dân nằm trên dự án đường Vành đai 3 của TP HCM nói chung và TP Thủ Đức nói riêng rất đồng tình ủng hộ khi dự án đi qua, góp phần phát triển cơ sở hạ tầng, giao thông, kinh tế, xã hội, từng bước nâng cao chất lượng đời sống của nhân dân, thay đổi bộ mặt của thành phố. Tuy nhiên vẫn còn nhiều hộ mong muốn chính quyền cần có cách tính đền bù giá đất nông nghiệp phù hợp, tránh người dân bị thiệt hại.

Trao đổi với báo chí về những khiếu nại của người dân về giá bồi thường đất nông nghiệp ở khu vực dự án Vành đai 3 đi qua TP Thủ Đức, ông Trần Đình Na, Phó trưởng Phòng nghiệp vụ 3, Ban bồi thường TP Thủ Đức cho biết, việc ý kiến của người dân về giá đền bù đất giữa hai địa phương tỉnh Bình Dương và Thành phố Thủ Đức có sự khác nhau là theo quy định của pháp luật. Bởi, theo quy định của Luật Đất đai, UBND cấp tỉnh quyết định và chịu trách nhiệm về giá đền bù, bồi thường hỗ trợ tái định cư trên địa phương mình quản lý nên việc so sánh giá đền bù giữa hai địa phương là khập khiễng…

Tuy nhiên, ông Na cũng khẳng định đối với giá đền bù đất thổ cư của TP Thủ Đức cao hơn nhiều so với tỉnh Bình Dương. Cụ thể giá đền bù đất thổ cư trên trục đường Nguyễn Xiển đoạn thuộc Bình Dương giá chỉ có 30 triệu đồng/m2, trong khi đoạn tại Thành phố Thủ Đức giá đền bù lên đến hơn 60 triệu đồng/m2. Nói về cách tính hệ số K, ông Na cho biết thêm: UBND Thành phố Thủ Đức đã giao cho đơn vị thẩm định giá độc lập (Công ty Thẩm định giá Đông Dương) thẩm định theo giá thị trường, tiến hành từ cuối năm 2022. Sau đó đưa ra được mức giá từng vị trí và được hội đồng thẩm định duyệt giá. Mức giá được duyệt sẽ nhân với Đơn giá đất theo Quyết định số 02/2020/QĐ-UBND ngày 16/1/2020 của UBND TP HCM sẽ ra hệ số K. Căn cứ theo Quyết định số 28/2022/QĐ-UBND, ngày 15/8/2022 của UBND TP HCM thì hệ số K đất nông nghiệp của Thành phố Thủ Đức từ 15 - 25 lần.

Trao đổi với Đại Đoàn Kết xung quanh về những phản ánh của người dân về mức giá bồi thường đất bị dự án Vành đai 3 đi qua, ông Nguyễn Văn Phương, Phó Chủ tịch UBMTTQ Việt Nam TP Thủ Đức cho biết: Ngay khi có dự án Mặt trận đã tổ chức mời bà con 4 phường nơi có dự án đi qua để thông tin cũng như chia sẻ với bà con về những mặt tích cực mà dự án mang lại, bà con rất phấn khởi đồng tình ủng hộ. Đến thời điểm này nhìn chung người dân ở khu vực bị ảnh hưởng cơ bản đồng thuận với chính sách bồi thường (với giá đất thổ cư – PV).

Tuy nhiên vẫn còn một số hộ dân chưa đồng tình với giá bồi thường đất nông nghiệp. Khó nhất là số hộ đang có ý kiến đề xuất theo hướng tăng lên đối với đất nông nghiệp và xác định vị trí đất... Tuy nhiên việc xác định vị trí, giá đất được TP Thủ Đức dựa trên cơ sở của các quy định pháp luật và kết quả từ đơn vị thẩm định độc lập, còn một số yêu cầu vị trí đất của người dân, địa phương đã xem xét và vận dụng mọi cách, giá đất cũng đã tăng lên, nhưng dù sao cũng vẫn phải đảm bảo đúng quy định của pháp luật.

Phó Chủ tịch UBMTTQ Việt Nam TP Thủ Đức Nguyễn Văn Phương cho biết thêm: Đến thời điểm này Mặt trận vẫn chưa nhận được đơn khiếu nại của các hộ dân liên quan đến dự án Vành đai 3. Tuy nhiên Mặt trận cũng cử cán bộ thường xuyên xuống địa bàn phối hợp với cán bộ cơ sở, nắm bắt tâm tư nguyện vọng của các hộ dân bị ảnh hưởng bởi dự án. Thời gian qua Mặt trận và các đoàn thể ngoài việc phối hợp tuyên truyền vận động, vẫn đang tiếp tục thực hiện nhiệm vụ giám sát.

"Hiện chúng tôi đang tập trung vào công tác chăm lo, hỗ trợ cho các gia đình gặp khó khăn, hỗ trợ cho các hộ khó khăn khi dự án ảnh hưởng, sắp xếp việc bố trí tái định cư cho bà con, tới đây sẽ giám sát, theo dõi việc tiến hành bốc thăm bố trí nền và đất cho bà con. Mục đích cuối cùng là giúp người dân ổn định nơi ăn chốn ở", ông Phương nói.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Dự ánh Vành Đai 3: Nhiều người dân chưa thống nhất giá đền bù đất nông nghiệp

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO