Ngày 15/6, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm 2021 và giải pháp chủ yếu những tháng cuối năm.
Nhiều đại biểu bày tỏ băn khoăn về việc thực hiện những chính sách hỗ trợ người lao động, doanh nghiệp và các đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 đang triển khai chậm.
Dự báo về tình hình thực hiện một số chỉ tiêu 6 tháng đầu năm 2021, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết: Kinh tế vĩ mô và các cân đối lớn của nền kinh tế tiếp tục được duy trì ổn định; lạm phát được kiểm soát; thị trường tiền tệ, ngoại hối ổn định, cơ cấu tín dụng chuyển dịch theo hướng tích cực.
Ông Dũng liệt kê một loạt những kết quả đạt được như: Quy mô tổng sản phẩm trong nước (GDP) 6 tháng dự báo đạt gần 4 triệu tỷ đồng; tốc độ tăng GDP dự báo đạt khoảng 5,8%. Thu ngân sách Nhà nước ước đạt 55,5% dự toán, tăng 10,9% so với cùng kỳ năm 2020, xấp xỉ so với mức thực hiện cùng kỳ năm 2019. “Trong bối cảnh đại dịch Covid-19, Việt Nam là quốc gia duy nhất trên thế giới được cả 3 tổ chức xếp hạng tín nhiệm quốc tế như: Moody’s; S&P; và Fitch đồng loạt nâng điểm triển vọng lên “Tích cực”’’ - ông Dũng cho hay.
Theo bà Nguyễn Thị Thanh - Trưởng Ban Công tác đại biểu, dù trong điều kiện khó khăn do dịch Covid-19 nhưng tăng trưởng vẫn đạt được những kết quả khá quan trọng. Chỉ số tăng trưởng 5,8% trong 6 tháng là nỗ lực lớn của cả hệ thống chính trị, trong đó có vai trò đóng góp rất lớn của người dân và cộng đồng doanh nghiệp. Bà Thanh nhìn nhận: Dịch Covid-19 bùng phát lần thứ 4 lây lan ở 40 địa phương song các tổ chức quốc tế đều đánh giá cao sự phát triển của Việt Nam. Đó là sự nỗ lực cố gắng của Trung ương, và Chính phủ”.
Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường cho rằng, Covid-19 là thách thức lớn chưa từng có, nhưng nước ta đã kiềm chế sự lây lan và giữ vững tăng trưởng kinh tế, là số ít trong các quốc gia có được tăng trưởng dương. Quan trọng phải đảm bảo được giữ ổn định kinh tế vĩ mô, do đó môi trường đầu tư kinh doanh cần được giám sát tốt. Bởi có như vậy sau dịch bệnh qua đi thì phát triển kinh tế mới duy trì và phát triển, nếu không sẽ trì trệ. Do đó Chính phủ cần giữ vững nguyên tắc này.
Song điều nhiều đại biểu băn khoăn chính là chính sách hỗ trợ người lao động, doanh nghiệp và các đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 đang triển khai rất chậm. Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho rằng, việc thực hiện các gói hỗ trợ đã góp phần khắc phục những khó khăn trong đời sống của nhân dân, người lao động và hoạt động của doanh nghiệp bị ảnh hưởng, tuy nhiên, việc triển khai còn chậm, chưa đạt hiệu quả mong muốn, chưa tiếp cận được nhiều nhóm đối tượng dễ bị tổn thương và khó khăn.
Cùng chung quan điểm, Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ cho rằng, gói hỗ trợ 62 nghìn tỷ đồng là quan trọng, nguồn lực lớn tuy nhiên việc thực hiện chưa đạt mục tiêu, có cái chỉ đạt 0,26% quy mô hỗ trợ. “Đây là cái cần đánh giá rõ thêm nguyên nhân khác quan, chủ quan và hướng tới sẽ xử lý như thế nào?”-ông Tỵ nêu rõ.
Ông Bùi Văn Cường cho rằng, tình hình dịch bệnh còn diễn biến phức tạp. Cho nên để vừa thực hiện “mục tiêu kép” cần đánh giá các gói hỗ trợ trong năm qua để tiếp tục thực hiện trong thời gian tới. Chúng ta phải đánh giá đối với việc thực hiện chính sách gói 62 nghìn tỷ đồng, cùng các gói về giảm thuế. “Theo thống kê có 98% doanh nghiệp bị ảnh hưởng nhưng chỉ có 2% doanh nghiệp được tiếp cận hưởng gói hỗ trợ. Đó là cái cần phải xem xét đánh giá”- ông Cường nói.
Thay mặt Chính phủ, giải trình thêm, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái cho biết, những hạn chế luôn được Chính phủ quan tâm.
Về chính sách hỗ trợ cho người dân và doanh nghiệp, lao động phi chính thức bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, theo ông Khái có nhiều chính sách và liên quan nhiều bộ ngành nên chưa có sự tập trung. Đơn cử như chính sách về tiền tệ là do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam; chính sách về miễn thuế do Bộ Tài chính; chính sách về lao đông do Bộ Lao động, thương binh và xã hội. Do đó sắp tới Chính phủ sẽ tổng kết về việc thực hiện các chính sách để rút kinh nghiệm.