Còn 6 ngày nữa là đến ngày Vía Thần tài, giá vàng thế giới đang tăng giảm khó lường. Thị trường trong nước đóng cửa nghỉ Tết ở mức 57,35 triệu đồng/lượng, đắt hơn giá thế giới trên 6 triệu đồng/lượng.
Trên thế giới, lúc 9h sáng nay 15/2 (giờ Việt Nam), giá vàng giao ngay tại châu Á có biên độ tăng nhẹ lên mức 1.826 USD/ounce.
Giá vàng giao ngay chốt phiên hôm qua tại Mỹ giảm 19 USD xuống 1.824,7 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 3 trên sàn Comex New York giảm 1,2 USD xuống 1.824,4 USD/ounce.
Đà giảm của giá vàng dừng lại trong bối cảnh USD tăng giá so với nhiều đồng tiền khác. Lãi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm của Mỹ ở mức khoảng 1,19%, gần mức cao kỷ lục kể từ tháng 3/2020. Lãi suất trái phiếu tăng có thể làm tăng chi phí nắm giữ vàng.
Dưới góc độ kỹ thuật, giới kinh doanh dự báo nếu trong vài ngày tới giá vàng không giữ được mức 1.800 USD/ounce, các nhà đầu tư tiếp tục bán ra, đẩy giá vàng xuống vùng 1.780 USD/ounce. Ngược lại, giá vàng sẽ bật lên vùng 1.850 USD/ounce.
Khảo sát về giá vàng tuần này của Kitco với 14 chuyên gia trên phố Wall, 10 người dự báo vàng sẽ tăng giá, 2 người cho rằng giá vàng giảm và có 2 dự báo giá vàng sẽ đi ngang.
Đối với khảo sát trực tuyến, với 1.257 người tham gia, 51% trong số đó tin rằng giá vàng sẽ tăng, 28% cho rằng giá vàng giảm và 21% có quan điểm giá vàng sẽ ít thay đổi.
Nicholas Frappell, Tổng Giám đốc toàn cầu tại ABC Bullion, cho biết trái phiếu "có lẽ là cơn gió ngược lớn nhất" đối với vàng và vàng vẫn dễ bị tổn thương bởi đồng USD vốn có nhiều dư địa để nới rộng mức tăng gần đây.
Bob Haberkorn, nhà môi giới hàng hóa cao cấp của RJO Futures lại lạc quan về vàng khi thấy giá vàng vẫn nằm trong phạm vi giao dịch kỹ thuật hiện tại và coi bất kỳ sự sụt giảm nào dưới 1.800 USD/ounce là một cơ hội mua.
Chuyên gia Lee của OCBC nhận định, giá vàng có thể tăng lên mức 1.900 USD/ounce vào cuối năm 2021 khi lợi suất trái phiếu tạm chững lại và sự chú ý hướng vào lạm phát.
Hiện các nhà đầu tư đang theo dõi chặt chẽ những diễn biến về gói cứu trợ kinh tế Mỹ trị giá 1.900 tỷ USD dự kiến sẽ được Quốc hội nước này thông qua trước ngày 15/3.
Trong 5 phiên giao dịch gần đây, giá vàng không vượt qua 1.850 USD/ounce, các quỹ đầu tư vàng liên tiếp bán ra. Riêng phiên giao dịch 12/2, một số quỹ đầu tư đã bán 4,52 tấn vàng.
Với thị trường trong nước, chốt phiên giao dịch cuối cùng của năm Canh Tý 2020 (tức ngày 9/2/2021), giá vàng SJC tại Hà Nội qua niêm yết của một số doanh nghiệp vàng lớn ở mức 56,6 triệu đồng/lượng (mua vào) - 57,35 triệu đồng/lượng (bán ra) đối với giao dịch bán lẻ và bán buôn.
Tại TPHCM, giá vàng SJC qua niêm yết của doanh nghiệp chốt ở mức 56,75 triệu đồng/lượng - 57,35 triệu đồng/lượng.
Sáng 9/2, giá vàng SJC tăng vọt lên sát mốc 58 triệu đồng/lượng, ngoài nguyên nhân ảnh hưởng bởi xu hướng chính trên thế giới còn do các nhà vàng điều chỉnh trước ngày Vía Thần tài.
Như vậy, với các mức giá trên, giá vàng SJC giao dịch trong nước hiện cao hơn giá vàng thế giới quy đổi hơn 6 triệu đồng mỗi lượng. Theo đánh giá của giới chuyên gia, sở dĩ giá vàng trong nước được các doanh nghiệp giữ ở mức cao và chênh so với giá vàng thế giới từ 6-7 triệu đồng/lượng (dù những giao dịch trên thị trường không nhiều) là do sắp đến ngày Vía Thần tài.
Ngày Vía Thần tài (ngày mùng 10 tháng Giêng âm lịch) hàng năm, nhiều người thường đi mua vàng để cầu may mắn, sung túc cho cả năm. Tại các cửa hàng vàng, lượng người đổ đến cửa hàng vàng đông nghịt, xếp hàng từ 4-5 giờ sáng cho tới 12 giờ đêm để mua vàng. Thậm chí, nhiều người còn đi mua, hoặc đặt mua trước từ ngày mùng 9 tháng Giêng để tránh cảnh đông đúc.
Do đó, vào ngày này, giá vàng thường được các doanh nghiệp kinh doanh vàng đẩy lên cao, ngày Vía Thần tài năm vừa qua còn cao hơn giá thế giới tới 8 triệu đồng/lượng. Và chính nhờ dòng người xếp hàng dài chờ mua vàng ngày Vía Thần tài đã giúp cho các nhà vàng "hốt bạc" vào dịp này.