Chiều 6/7, Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động TP HCM (FALMI) cho biết về dự báo nhu cầu nhân lực của thành phố đông dân nhất nước trong nửa cuối năm 2020, với 2 kịch bản về thị trường lao động.
Theo đó, FALMI dự báo các tác động của kinh tế thế giới biến động do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 sẽ làm gián đoạn các quan hệ hợp tác quốc tế, đã tác động sâu sắc đến kinh tế trong nước, trong đó không loại trừ nền kinh tế TP HCM.
Với tác động phức tạp trên, FALMI nêu ra kịch bản thứ nhất dự báo tình hình dịch bệnh diễn biến theo chiều hướng tiêu cực tác động đến tăng trưởng kinh tế - xã hội, các khu vực kinh tế chịu tác động lớn là khu vực dịch vụ (ngành lưu trú, ăn uống, du lịch, vận tải…); khu vực công nghiệp - xây dựng (ngành dệt may, giày da, gỗ nội thất, chế biến, xây dựng…). Cụ thể, FALMI dự báo nhu cầu nhân lực trong 06 tháng cuối năm 2020 của TP HCM sẽ duy trì ở nhu cầu khoảng 105.000 - 115.000 chỗ làm việc.
Đối với kịch bản thứ hai, FALMI dự báo tình hình dịch bệnh diễn biến theo chiều hướng tích cực tác động tốt đến tăng trưởng kinh tế - xã hội, với việc kiểm soát tốt dịch tễ, tình hình doanh nghiệp khởi sắc trong những tháng cuối năm 2020, đặc biệt là thời điểm gia tăng hoạt động sản xuất kinh doanh phục vụ lễ tết, cũng sẽ giúp hạn chế tình trạng lao động ngừng việc, mất việc.
Tuy nhiên, cũng theo dự báo của FALMI thì khu vực dịch vụ (ngành lưu trú, ăn uống, du lịch), khu vực công nghiệp (ngành dệt may, giày da, gỗ nội thất) vẫn tiếp tục bị ảnh hưởng bởi các hoạt động giao thương (xuất - nhập) sẽ còn bị gián đoạn. Với kịch bản này thì dự báo nhu cầu nhân lực 06 tháng cuối năm 2020 của TP HCM sẽ có tín hiệu khả quan hơn một chút, duy trì ở mức nhu cầu khoảng 115.000 - 135.000 chỗ làm việc.
Xu hướng việc làm trong những tháng cuối năm sẽ tập trung chủ yếu ở các nhóm nghề như: Kinh doanh - thương mại (22,7%); dịch vụ phục vụ (7,63%); dệt may - giày da (6,25%); chế biến lương thực - thực phẩm (6,02%); tư vấn chăm sóc khách hàng (5,91%); marketing (5,79%); xây dựng (4,62%); công nghệ thông tin (4,23%); hành chính văn phòng (4,2%); vận tải - kho bãi - dịch vụ cảng (3,62%); kinh doanh bất động sản (3,51%)…
Về chất lượng nguồn nhân lực, FALMI dự báo nhu cầu nhân lực ở lao động qua đào tạo vẫn chiếm 84,5%, trong đó trình độ Đại học chiếm 20%; Cao đẳng chiếm 21%; Trung cấp 30% và Sơ cấp là 13,5%. Bên cạnh những yêu cầu về trình độ chuyên môn, các DN cũng sẽ đòi hỏi người lao động phải đáp ứng được kỹ năng nghề nghiệp, kỷ luật lao động, khả năng ứng dụng CNTT và thông thạo ngoại ngữ. Theo dự báo của FALMI, đây sẽ là những kỹ năng mà người lao động phải thích ứng, thông qua tự trao dồi trong quá trình học tập và làm việc nhằm tạo lợi thế cạnh tranh trên thị trường lao động trong những tháng cuối năm.
Đối với công tác giáo dục hướng nghiệp trong xu hướng mới, ông Trần Anh Tuấn, Giám đốc Chương trình dự báo nhân lực, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu đào tạo kinh tế quốc tế đánh giá, trong tình hình mới thì giáo dục hướng nghiệp và tư vấn hướng nghiệp sẽ là các hoạt động chiếm ưu thế thời gian tới, dựa trên nền tảng khoa học, công nghệ và tri thức. Từ đó, người lao động có thể chọn nghề, chọn trường, chọn cấp bậc đào tạo phù hợp với bản thân mình, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường lao động thời đại công nghiệp 4.0.
Ông Trần Anh Tuấn cũng dự báo thị trường lao động sẽ tiếp tục đứng trước bối cảnh nhiều khó khăn. Trong đó, sức ép về vấn đề giải quyết việc làm với sự gia tăng tỷ lệ thất nghiệp hoặc thiếu việc làm.
Đồng thời, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 cũng sẽ tạo ra nhận thức mới, xu hướng chuyển dịch trong thị hiếu tiêu dùng, giao dịch thương mại mới trên nguyên tắc từ xa, hạn chế tiếp xúc; xuất hiện các ngành nghề kinh doanh trực tuyến mới dựa trên kinh tế số,... tạo ra thay đổi về cầu đối với một số sản phẩm, dịch vụ thiết yếu như chế biến thực phẩm; y tế, hoá dược phẩm, chuyển đổi số, e-logistics…
Đây cũng chính là cơ hội để đem lại thị trường mới cho các doanh nghiệp thành phố có thể tận dụng để tái cơ cấu sản xuất, hình thành các chuỗi giá trị mới và phát triển bứt phá.