Năm 2017 đi qua với nhiều bứt phá của nền kinh tế. Một trong những điểm ấn tượng nhất phải kể đến con số tăng trưởng xuất khẩu đáng nể (đạt 214 tỷ USD, tăng gần 22%, trong khi con số này của năm 2016 chỉ đạt mức tăng 8,6%). Nhân dịp Xuân Mậu Tuất 2018, Đại Đoàn Kết cùng một số chuyên gia kinh tế cùng nhìn nhận bức tranh kinh tế của năm 2017 và đưa ra những dự cảm cho năm 2018.
Những điểm sáng nổi bật
PV:Thưa các vị chuyên gia, có thể thấy nền kinh tế năm 2017 trôi qua với nhiều thăng trầm, vui có, buồn cũng có, nhưng nổi bật là những điểm sáng ấn tượng. Nếu có thể phác thảo lại bức tranh kinh tế của năm 2017, các vị sẽ phác thảo những điểm nổi bật nào?
Ông Cấn Văn Lực.
Ông Cấn Văn Lực - Kinh tế trưởng Ngân hàng Đầu tư và phát triển (BIDV):Đạt mục tiêu tăng trưởng một cách ấn tượng
Tôi cho rằng, điểm nổi bật của kinh tế Việt Nam năm vừa qua có thể khẳng định đó là chúng ta đã đạt được mục tiêu tăng trưởng một cách ấn tượng, trong bối cảnh nền kinh tế cả trong và ngoài nước còn nhiều khó khăn.
2 quý đầu của năm 2017, hàng loạt những bất trắc xảy ra khiến cho người ta đã nghĩ tới gam màu xám cho mục tiêu tăng trưởng.
Thời điểm đó, không ai nghĩ con số tăng trưởng 6,5%-6,7% mà Quốc hội đề ra cho năm 2017 sẽ có thể đạt được.
Tuy nhiên, thực tế, với những nỗ lực của Chính phủ trong việc thúc đẩy cải thiện môi trường kinh doanh, hỗ trợ tốt cho cộng đồng doanh nghiệp trong sản xuất, nền kinh tế đã dần hồi phục trong nửa năm sau và cuối cùng thì, con số tăng trưởng đã có thể đạt được như mục tiêu mà Quốc hội đã đề ra từ đầu năm.
Đó là điểm rất đáng ghi nhận và có thể coi là một trong những điểm nổi bật nhất của bức tranh kinh tế năm qua.
Điểm nổi bật thứ hai không thể không nhắc đến, chính là tăng trưởng xuất khẩu của năm 2017 đạt được một mức chưa từng thấy: 20% - một con số chưa năm nào đạt được.
Trong khi năm 2016, tăng trưởng xuất khẩu chỉ đạt 8,6%.
Như vậy, chỉ nhìn qua con số đã thấy tăng trưởng xuất khẩu đạt được con số ngoạn mục thế nào. Và nếu đi sâu vào từng lĩnh vực, có thể nhìn thấy ngay rằng, xuất khẩu nhóm hàng thủy sản và rau củ quả đang trở thành lĩnh vực dẫn dắt, đi đầu trong các nhóm hàng xuất khẩu tỷ đô của Việt Nam.
Các bạn thấy đó, chưa năm nào, chúng ta xuất khẩu nhóm ngành hàng rau củ quả nhiều như năm nay, con số trên 3 tỷ USD kim ngạch xuất khẩu nhóm ngành hàng này là điều chưa một lĩnh vực nông sản nào đạt được, kể cả đối với ngành gạo - một trong những lĩnh vực luôn được coi là thế mạnh của Việt Nam.
Tuy nhiên, năm 2017 còn một số vấn đề mà cá nhân tôi rất băn khoăn. Thứ nhất là các cấu phần trong tái cơ cấu nền kinh tế đều chậm.
Đơn cử doanh nghiệp nhà nước, bao gồm cả hệ thống tài chính ngân hàng, đầu tư công… đều đang diễn biến ì ạch, tái cơ cấu đơn vị chậm, tái cơ cấu ngành hầu như là chưa làm gì.
Một điểm đáng buồn nữa của bức tranh kinh tế đó là khủng hoảng niềm tin liên quan đến các dự án BOT, sự kiện gian lận thương mại Khaisilk, dược phẩm trà trộn, không rõ xuất xứ… Gây ra những bất ổn, đánh mất niềm tin người tiêu dùng.
TS Võ Trí Thành.
TS Võ Trí Thành - nguyên Viện phó Viện Nghiên cứu và Quản lý kinh tế Trung ương: Nổi bật nhất là xuất khẩu
Điểm sáng của kinh tế 2017, tôi cho nổi bật nhất là xuất khẩu.
Không chỉ vượt xa mục tiêu kỳ vọng, đằng sau con số kim ngạch xuất khẩu của năm qua còn bộc lộ 3 điều: Đó là môi trường kinh doanh đã sáng lên, thúc đẩy năng lực cạnh tranh của cộng đồng doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, bức tranh xuất khẩu sáng cho thấy sự tăng cường liên kết nội - ngoại đã có điểm cải thiện, chặt chẽ hơn, tạo động lực nâng sức cạnh tranh cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Đằng sau cái vượt xa là tăng cường liên kết nội ngoại và tạo năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Và con số xuất khẩu của chúng ta trong năm 2017 sẽ tạo tiền đề cho năm 2018. Nếu chúng ta làm ăn bài bản, tận dụng tốt những gì đã và đang có, chúng ta sẽ có sức bật rất lớn.
Bên cạnh đó, việc tái cấu trúc nền kinh tế có một vài điểm nhấn, việc xử lý 12 dự án yếu kém của ngành công thương đã có một số kết quả bước đầu, một số doanh nghiệp lớn cổ phần hóa, tái cấu trúc hệ thống ngân hàng đã có nghị quyết của Quốc hội.
Việt Nam được nhiều tổ chức quốc tế uy tín đánh giá cao về năng lực cạnh tranh, môi trường đầu tư kinh doanh đang ngày càng được cải thiện.
Đặc biệt, năm 2017 là năm đầu tiên sau nhiều năm, toàn bộ 13 chỉ tiêu kinh tế do Trung ương, Quốc hội giao đã được hoàn thành và hoàn thành vượt mức.
Một điểm sáng nữa liên quan đến cải cách điều hành là việc Việt Nam đăng cai tổ chức thành công APEC 2017.
Thành công này được thể hiện trên ba điểm:
Thứ nhất, Việt Nam chứng tỏ với thế giới năng lực của mình khi ứng xử rất tốt với các va đập trong vấn đề toàn cầu hoá, tự do hoá thương mại, để cuối cùng đề ra được một tuyên bố cấp cao, đảm bảo được cái cốt lõi của APEC là thúc đẩy hội nhập, thúc đẩy tự do hoá thương mại.
Thứ hai, gần như tất cả những sáng kiến trong các tuyên bố cấp cao, các hội nghị đều có dấu ấn rất rõ của Việt Nam.
Điều đó chứng tỏ Việt Nam không chỉ tham gia APEC với vai trò là người tổ chức, lắng nghe, mà Việt Nam đã thực sự tham gia vào sự kiện này.
Thứ ba là cơ hội rất tốt để kinh doanh. Hội nghị cấp cao APEC với sự đồng hành mạnh mẽ của các doanh nghiệp.
Kết quả là có trên 120 hợp tác kinh doanh, hơn 20 tỷ USD được ký kết trong tuần lễ cấp cao APEC, đây là một thành công rất lớn của Việt Nam.
TS Lưu Bích Hồ.
TS Lưu Bích Hồ - Chuyên gia kinh tế độc lập: Tinh thần khởi nghiệp đã được “thắp lửa”
Tôi muốn bổ sung thêm, ngoài những điểm nổi bật về con số tăng trưởng GDP đạt mục tiêu như Quốc hội đề ra, cũng như những điểm sáng về tăng trưởng xuất khẩu mà các vị chuyên gia nêu lên, tôi muốn nhấn mạnh đến môi trường kinh doanh của năm qua đã thực sự có nhiều cải thiện.
Với hàng loạt các động thái của Chính phủ trong việc cải thiện môi trường kinh doanh như Nghị quyết 19 và Nghị quyết 35 của Chính phủ, trong năm 2016 và đặc biệt là năm 2017, các rào cản, những sợi dây trói mang tên “thủ tục hành chính” đã dần được gỡ bỏ.
Bằng chứng của sự “cởi trói” đó là hai năm liên tiếp, 2016 và 2017, con số doanh nghiệp thành lập mới tăng kỷ lục (trên 100 ngàn doanh nghiệp thành lập mới), đó là những con số ấn tượng và chắc chắn, phải có sự cải thiện từ môi trường kinh doanh thì chúng ta mới đạt được những con số “đáng nể” đó.
Bên cạnh đó, cũng nhờ môi trường kinh doanh tốt lên, tinh thần khởi nghiệp đã được thắp lửa. Đó cũng là điểm đáng ghi nhận của nền kinh tế năm qua.
“Gam màu tối”?
PV: Như TS Cấn Văn Lực đã nói, trong bức tranh kinh tế, điểm tối mà chúng ta không thể không nhắc đến trong năm qua đó là BOT và những vụ việc gian lận thương mại “khủng” gây suy giảm niềm tin của người tiêu dùng. Ý kiến của các vị về vấn đề này?
TS Lưu Bích Hồ: Điểm đen là BOT và gian lận thương mại
Quả thực, trong bức tranh kinh tế năm qua, “điểm đen” cần phải nhắc đến đó là các dự án trạm thu phí BOT và một loạt những vụ gian lận thương mại mà chúng ta đã chứng kiến, như vụ Khaisilk, mỹ phẩm giả, nhái…
Mặc dù trong toàn bộ bức tranh kinh tế, nhiều điểm sáng nổi bật lên, thế nhưng chỉ một chấm đen thôi cũng sẽ làm cho bức tranh đó phủ một gam màu trầm. Sự cố xảy ra như trạm thu phí BOT Cai Lậy, hay Khaisilk đều đã khiến cho niềm tin của chúng ta bị suy giảm.
Như đối với các dự án trạm thu phí BOT chẳng hạn, quả thực giờ đây nhắc đến BOT là người dân “rùng mình”, như vậy là họ đã bị khủng hoảng niềm tin.
Chính phủ đã phải liên tiếp vào cuộc để chấn chỉnh lại các dự án BOT. Mới đây nhất, ngày 30/12/2017, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng đã giao Bộ Giao thông Vận tải chủ trì, phối hợp với các bộ và địa phương liên quan tiếp tục rà soát tất cả các dự án BOT giao thông đường bộ, có biện pháp giải quyết tối ưu, chặt chẽ, không để lặp lại tình trạng như trạm thu phí Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang.
Tôi cho đây là những động thái hết sức đúng đắn của Chính phủ. Vấn đề quan trọng hiện nay là làm sao để tạo được niềm tin trong xã hội, người dân, khi đó sẽ tạo được sự đồng thuận, lúc đó, nền kinh tế mới có thể phát triển ổn định.
TS Võ Trí Thành: Lấy lại niềm tin trong nhân dân
Tôi muốn nhấn mạnh thêm rằng, ngoài BOT, hay hành vi gian lận thương mại, hàng giả, hàng nhái của Khaisilk, thì vụ án thuốc ung thư giả của VN Pharma cũng là một khoảng tối đáng buồn của kinh tế 2017.
Chính những hiện tượng tiêu cực này đang tạo sự bất ổn cho nền kinh tế khi làm suy giảm lòng tin của người dân.
Điều này hết sức nguy hiểm vì niềm tin là rất quan trọng trong quá trình cải cách và phát triển của đất nước, nhất là trong giai đoạn hiện nay.
Bởi vậy, nhất định trong năm 2018, cần phải loại bỏ khỏi nền kinh tế những sự vụ tương tự, nếu không, còn rất lâu chúng ta mới lấy lại được niềm tin nơi người dân, mà nếu như vậy thì, rất khó để ổn định.
Kỳ tích xuất khẩu
PV: Nói về những điểm nổi trội của kinh tế năm qua, có thể dùng hai từ “kỳ tích” đối với xuất khẩu của nước nhà, mà ở trên TS Võ Trí Thành đã đề cập. Đơn cử, xuất khẩu rau củ quả lần đầu tiên dẫn đầu top các mặt hàng chủ lực khi đưa về kim ngạch hơn 3 tỷ USD. Tuy nhiên, điều mà dư luận vẫn còn trăn trở và lo lắng là liệu chúng ta có duy trì được những thành quả xuất khẩu một cách bền vững, thưa các vị?
TS Cấn Văn Lực: Cải thiện năng lực cạnh tranh trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế ngày một sâu rộng
Có thể nói là sau một khoảng thời gian khá dài chúng ta tập trung vào đầu tư, hoàn thiện hệ thống hạ tầng cơ sở (cả về phần cứng và phần mềm) tạo đà cho phát triển kinh tế - xã hội, do vậy kết quả của tăng trưởng kinh tế và xuất nhập khẩu của chúng ta đạt được năm qua là một tất yếu khách quan.
Những kết quả đạt được này bắt nguồn từ những nỗ lực của Đảng và Nhà nước trong công cuộc hội nhập kinh tế quốc tế, cũng như việc chúng ta tham gia ký kết các hiệp định thương mại tự do song phương và đa phương, tất cả những yếu tố đó đã và đang mở ra nhiều cơ hội lớn cho các doanh nghiệp kinh doanh xuất nhập khẩu.
Song, bên cạnh những cơ hội, sẽ còn cả những thách thức mà nếu các doanh nghiệp của chúng ta không thay đổi, không cải thiện năng lực cạnh tranh thì sẽ khó có thể đứng vững được trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế ngày một sâu rộng.
Tôi đơn cử, xuất khẩu của chúng ta đạt những con số ấn tượng, song chủ yếu vẫn phụ thuộc vào khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.
Bởi vậy, điều chúng ta cần lưu ý, và tôi vẫn luôn nhấn mạnh lâu nay, đó là làm sao có thể tăng cường sự kết nối giữa hai khu vực doanh nghiệp trong và ngoài nước để có thể giúp các doanh nghiệp nội địa tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu, nâng cao hàm lượng giá trị xuất khẩu, như vậy mới duy trì được tính ổn định và bền vững.
TS Lê Đăng Doanh.
TS Lê Đăng Doanh: Nếu đầu tư đúng và chuẩn sẽ phát huy được thế mạnh
Cái đáng mừng của chúng ta là bắt đầu chuyển đổi cơ cấu, đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao để cho ra những sản phẩm đạt chất lượng quốc tế.
Tôi nghĩ, việc Chính phủ ngày càng chú trọng đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao là hoàn toàn hợp lý, đi đúng xu hướng, bởi, với những thế mạnh về nông nghiệp của ta hiện nay, chúng ta hoàn toàn có thể đưa ra thế giới những sản phẩm nông sản “made in Việt Nam” chất lượng cao, tạo thương hiệu riêng cho mình. Tôi đơn cử, Việt Nam đã xuất được xoài, chôm chôm, nhãn, vải, thanh long sang các nước Mỹ, Nhật, Úc, EU…
Và tiềm năng còn xuất khẩu cả hoa tươi sang Nhật. Điều đó cho thấy, những thế mạnh của chúng ta nếu đầu tư đúng và chuẩn sẽ phát huy được thế mạnh. Nông dân Việt Nam hoàn toàn có thể tự hào với các sản phẩm nông sản Việt khi đưa ra thị trường thế giới. Và có thể khẳng định, kinh tế nông nghiệp vẫn luôn có tiềm năng và nếu đáp ứng và đầu tư tốt sẽ trở thành điểm nhấn của xuất khẩu.
Dự cảm 2018
PV: Vâng, thưa các vị, trên cơ sở những gì đã đạt được và tồn tại của năm 2017, dự cảm của các vị cho nền kinh tế Việt Nam trong năm 2018 này ra sao, về mục tiêu tăng trưởng cũng như tiếp nối những thành quả của năm 2017 về xuất khẩu, về môi trường kinh doanh… Liệu chúng ta có thể lạc quan cho năm tới, thưa các vị?
TS Lưu Bích Hồ: Tiếp tục được đà tăng trưởng và ổn định kinh tế vĩ mô
Dự báo cho năm 2018, theo quan điểm của cá nhân tôi, tổng thể nền kinh tế sẽ tiếp tục được đà tăng trưởng và những ổn định của kinh tế vĩ mô mà chúng ta đã được khởi động từ năm 2017.
Thứ hai là năm 2018 sẽ là một năm được thực hiện mạnh mẽ hơn việc tái cơ cấu nền kinh tế theo tinh thần Chính phủ kiến tạo và hành động.
Khu vực kinh tế tư nhân chắc chắn sẽ có nhiều động lực để phục hồi và phát triển từ các động thái cải thiện môi trường kinh doanh của Chính phủ.
Từ đó, khu vực này sẽ trở thành động lực quan trọng cho tăng trưởng.
Bên cạnh đó, tiếp nhận cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, đây sẽ là “bước đệm” để hơn 100 ngàn doanh nghiệp nhỏ và vừa của Việt Nam nâng cao năng lực cạnh tranh, hội nhập kinh tế quốc tế.
Tôi cho rằng, bức tranh kinh tế 2018 có nhiều lạc quan và chắc chắn sẽ sáng hơn 2017. Tuy nhiên (chắc chắn vẫn phải có tuy nhiên), quan trọng vẫn là làm sao để vực dậy niềm tin của người dân.
Và muốn như vậy, những điểm đen đã và đang tồn tại cần phải được sớm loại bỏ.
TS Cấn Văn Lực: Tiếp tục cải cách môi trường kinh doanh, gỡ bỏ các rào cản thuế phí
Tôi cho rằng, năm 2018, kinh tế thế giới sẽ ở mức khá hơn một chút so với năm 2017.
Song, vẫn có những điểm nghẽn chưa thể được giải tỏa, do đó, Việt Nam cố gắng duy trì đà tăng trưởng của năm 2017 đã là rất ấn tượng.
Đồng quan điểm với TS Lưu Bích Hồ, tôi nghĩ, năm nay, chúng ta phải tập trung mạnh mẽ hơn nữa vấn đề tái cơ cấu nền kinh tế, và quan trọng hơn, phải giải quyết triệt để, mạnh mẽ đối với những sự cố gây suy giảm niềm tin trong thời gian vừa qua.
Cuối cùng, tôi muốn nhấn mạnh lại rằng, để đạt được mục tiêu tăng trưởng, Việt Nam vẫn cần tiếp tục cải cách môi trường kinh doanh, gỡ bỏ các rào cản thuế phí - những “rào chắn” kinh doanh cho doanh nghiệp.
Bởi, chỉ khi cộng đồng doanh nghiệp “nhẹ gánh thuế phí”, họ mới có niềm hứng khởi để hồi phục kinh doanh, sản xuất, họ mới có động lực để khởi nghiệp.
Đồng thời, đẩy mạnh quá trình hội nhập kinh tế thế giới.
Có như vậy mới có thể thu hút được nguồn lực từ khu vực kinh tế tư nhân và khu vực đầu tư nước ngoài, tạo cơ hội cho tăng trưởng kinh tế một cách bền vững.
Và khi những điểm nghẽn trong môi trường kinh doanh được tháo gỡ hoàn toàn, đó sẽ là động lực để khu vực kinh tế tư nhân phát triển, mà như chúng ta đã thấy, khi khu vực kinh tế tư nhân mạnh, nền kinh tế mới có thể ổn định, lúc đó mục tiêu tăng trưởng hoàn toàn trong tầm tay.
Trân trọng cảm ơn quý vị về cuộc trao đổi này. Chúc quý vị năm mới sức khỏe, hạnh phúc!