Đề thi Ngữ văn được nhận định là một đề hay, đảm bảo đúng yêu cầu nội dung và hình thức của một đề thi tốt nghiệp, có tính bao quát, bám sát chương trình sách giáo khoa, có đầy đủ các mức độ nhận thức, có tính phân loại học sinh cao.
Theo nhận định của cô Hoàng Thị Tú Anh- giáo viên dạy Văn trường THPT Việt Nam- Ba Lan, quận Hoàng Mai, Hà Nội, dù thí sinh vui mừng vì ôn “trúng tủ”, nhưng đề thi Văn kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024 không dễ để các em đạt điểm giỏi nếu không thực sự nắm chắc kiến thức. Đề thi năm nay có tính phân loại học sinh học sinh nhưng không gây bất ngờ. Học sinh trung bình nắm chắc kiến thức cơ bản có thể đạt được điểm 6-7 điểm đủ đảm bảo để xét tốt nghiệp.
Cụ thể, ở phần I Đọc hiểu (3.0 điểm), với 04 câu hỏi được thiết lập theo ma trận ở ba mức độ nhận thức (Nhận biết – Thông hiểu – Vận dụng), có yêu cầu cụ thể, rõ ràng nên các thí sinh sẽ không gặp trở ngại nào trong quá trình làm bài.
Với 02 câu hỏi đầu tiên thí sinh dễ dàng nhận biết "điều gì tạo nên lịch sử nghệ thuật của nhân loại” ( câu 1) và vai trò của “thế hệ nghệ sĩ đi trước với các nghệ sĩ thế hệ tiếp theo”(câu 2) từ văn bản.
Câu 3 nêu tác dụng của việc liên tưởng dòng chảy của dòng sông với lịch sử sáng tạo nghệ thuật các thí sinh đều trả lời được. Câu hỏi số 04 ở mức độ vận dụng, yêu cầu thí sinh rút ra bài học về lối sống cho bản thân thông qua suy ngẫm của tác giả thí sinh cần cần lưu ý đưa ra câu trả lời ngắn gọn, chính xác và tập trung vào nội dung trả lời. Phổ điểm phần đọc hiểu là 2-2.5 điểm.
Ở phần II Làm văn (7.0 điểm) vẫn giữ nguyên cấu trúc quen thuộc, gồm 2 phần: Viết đoạn văn nghị luận xã hội (2,0 điểm) trình bày một vắn đề rút ra từ đoạn đọc hiểu và bài văn nghị luận văn học (5,0 điểm) trong chương trình Ngữ Văn 12.
Câu 1 (2,0 điểm): Câu lệnh đã cung cấp đầy đủ và chính xác các yêu cầu cụ thể để thí sinh có thể viết một đoạn văn với dung lượng khoảng 200 chữ về một khía cạnh của vấn đề rút ra từ đoạn trích của phần đọc hiểu, đó là yêu cầu: “Từ nội dung đoạn trích ở phần Đọc hiểu, hãy viết một đoạn văn (khoảng 200 chữ) trình bày suy nghĩ của anh/chị về “ ý nghĩa của việc tôn trọng cá tính”. Để hoàn thành tốt bài làm, thí sinh cần có sự liên hệ thực tế với nhận thức và hành động của bản thân trong việc tôn trọng cá tính người khác, suy nghĩ về sự thẳng thắn khi đối diện với một vấn đề, hay lựa chọn một hành động, lời lẽ hài hòa…
Tuy nhiên, tránh đưa ra những dẫn chứng chung chung, thiếu tính xác thực, sáo rỗng khiến bài làm trở nên rườm rà, thiếu nội dung trọng tâm. Phần bài học liên hệ bản thân gần gũi, không xa lạ với học sinh. Phổ điểm câu 1 là 1.5 điểm.
Ở câu 2 (5,0 điểm)nghị luận văn học vẫn sử dụng cấu trúc đề quen thuộc: phân tích 18 câu thơ đầu trong đoạn trích "Đất nước” của Nguyễn Khoa Điềm và là một câu lệnh có 2 vế tương ứng với 2 yêu cầu: phân tích đoạn trích và nhận xét “sự kết hợp giữa cảm xúc và suy tư của Nguyễn Khoa Điềm được thể hiện trong đoạn thơ”.
Đây là đoạn thơ thuộc phần đầu của đoạn trích Đất nước là cảm nhận cội nguồn Đất nước, lí giải sự hình thành Đất nước theo hai phương diện thời gian và không gian, thí sinh cần phân tích được những cảm nhận mới mẻ của Nguyễn Khoa điềm ở phương diện không – thời gian, cảm xúc của nhà thơ và từ đó có sự liên hệ tới câu lệnh nhận xét “sự kết hợp giữa cảm xúc và suy tư của Nguyễn Khoa Điềm” (yêu cầu số 2).
Theo cô Tú Anh, câu hỏi nghị luận văn học tuy trích dẫn từ tác phẩm được học trong chương trình nhưng để tổng hợp nội dung và trình bày được về sự kết hợp giữa cảm xúc và suy tư của Nguyễn Khoa Điềm thể hiện trong đoạn thơ chắc hẳn nhiều thí sinh sẽ cảm thấy khó, gặp lúng túng trong quá trình làm bài. Hơn nữa phân tích đoạn thơ 18 câu tương đối dài, thí sinh dễ mất điểm nếu không biết phân bố thời gian hợp lí và viết ngắn gọn lại theo các luận điểm chính.
Với đề thi năm nay, cô Tú Anh dự đoán, phổ điểm trung bình của thí sinh năm nay sẽ trong khoảng 6.5 – 7.5 điểm. Những học sinh nắm chắc kiến thức và thuần thục các kĩ năng làm các dạng bài mới có thể đạt được điểm khá, giỏi.