Du lịch cần thay đổi để phục hồi

Hoàng Minh-Phạm Sỹ 02/04/2022 06:30

Sau hai năm bị ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19, ngày 1/4 diễn ra Diễn đàn “Phục hồi Du lịch Việt Nam - Định hướng mới, hành động mới”, nhằm đưa ra những định hướng và các hành động mới để ngành du lịch sớm khôi phục trở lại.

Lượng khách quốc tế đến Việt Nam bắt đầu tăng dần Ảnh: Quang Vinh.

Phát biểu tại diễn đàn, Thứ trưởng Bộ VHTTDL Đoàn Văn Việt cho biết năm 2020 và năm 2021, đại dịch Covid-19 đã khiến du lịch bị tổn thất nặng nề. Để phục hồi đòi hỏi sự nỗ lực, thời gian cũng như sự đầu tư lớn, cùng đó là các giải pháp, định hướng mới.

Theo ông Việt, Tổ chức Du lịch thế giới (UNWTO) dự báo ngành du lịch toàn cầu sẽ cần từ 3-4 năm để có thể phục hồi như mốc năm 2019. Đây cũng là nhiệm vụ và thách thức đối với du lịch Việt Nam trong thời gian tới.

Trước bối cảnh và các xu hướng của du lịch thế giới, ông Nguyễn Trùng Khánh - Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch đã xác định một số yêu cầu như triển khai một cách quyết liệt, đồng bộ và nhanh chóng việc phục hồi và phát triển du lịch. Thích ứng với các nhu cầu và xu hướng du lịch mới trong khu vực và trên thế giới trong điều kiện bình thường mới. Tập trung vào việc nâng cao chất lượng sản phẩm dịch vụ, mang lại giá trị gia tăng cao hơn so với trước đại dịch. Cùng với đó là không ngừng đổi mới tư duy, sáng tạo, đổi mới cách làm trong việc tiếp cận thị trường và phát triển sản phẩm du lịch, đầu tư mạnh vào công nghệ trong phát triển du lịch.

Vẫn theo ông Khánh, để các định hướng có thể triển khai hiệu quả trong thực tế, bên cạnh các nguồn lực hỗ trợ từ Chính phủ từ Chương trình phục hồi kinh tế - xã hội, trong đó có du lịch đã được Quốc hội thông qua, cũng như việc đưa Quỹ hỗ trợ phát triển du lịch vào hoạt động chính thức, thì các địa phương, doanh nghiệp cần tiếp tục chủ động xây dựng kế hoạch phục hồi và phát triển du lịch phù hợp.

Thách thức nằm ở chính tư duy đổi mới, cần đổi mới những gì và phải thích ứng thế nào trong bối cảnh hiện nay.

Ở khía cạnh khác, theo ông Lê Tuấn Anh - Chủ tịch Quỹ Hỗ trợ phát triển du lịch, Quỹ này được thành lập nhằm hỗ trợ phát triển ngành du lịch, khắc phục một phần những khó khăn. Quỹ hoạt động theo cơ chế tài chính của công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ, không vì mục đích lợi nhuận.

Năm 2022, Quỹ hỗ trợ phát triển du lịch sẽ phối hợp với các cơ quan, doanh nghiệp, triển khai các nhiệm vụ theo định hướng của Chính phủ và Bộ VHTTDL, bao gồm xúc tiến, quảng bá du lịch Việt Nam hướng đến thị trường trong và ngoài nước nhằm khôi phục thị trường quốc tế và thúc đẩy du lịch nội địa. Nghiên cứu thị trường, đánh giá các xu hướng mới sau đại dịch Covid-19, phát triển sản phẩm du lịch phù hợp với nhu cầu, thị hiếu mới của khách du lịch. Hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng, phát triển nguồn nhân lực du lịch, khôi phục lại lực lượng lao động du lịch đã chuyển dịch sang các ngành nghề khác. Hỗ trợ phát triển các sản phẩm, loại hình du lịch trên cơ sở liên kết các ngành, lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật... Đẩy mạnh truyền thông du lịch trong cộng đồng, hỗ trợ các địa bàn khó khăn có tiềm năng, thế mạnh phát triển du lịch.

Theo bà Phạm Thị Nguyệt - Quyền Trưởng ban Tiếp thị bán sản phẩm Vietnam Airline, để phục hồi thị trường hàng không, du lịch nhanh chóng hơn nữa, cũng như nắm bắt cơ hội cạnh tranh điểm đến, ngành hàng không, du lịch cần tiếp tục cùng nhau phối hợp khẩn trương và chặt chẽ. Các doanh nghiệp trong ngành du lịch cần xây dựng sẵn sàng các chương trình tour kích cầu để khởi động bán khách hàng du lịch quốc tế. Vietnam Airlines sẵn sàng hợp tác với các công ty du lịch và đối tác trong nước để cùng tổ chức sự kiện, chào bán các gói sản phẩm tour tại các thị trường nước ngoài. Ngoài ra, để tạo thuận lợi cho du khách quốc tế đến Việt Nam, các cơ quan chức năng cần ban hành những quy định, thủ tục hướng dẫn cụ thể cho khách du lịch quốc tế đến, cũng như duy trì cập nhật liên tục trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Về điều này, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Trùng Khánh cho biết phía ngành du lịch luôn sẵn sàng với hàng loạt chương trình kích cầu đã và đang tiếp tục được triển khai.

TS Cao Trí Dũng - Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng:

Chuyển đổi số, phát triển du lịch một cách thông minh

Công nghệ số sẽ xây dựng và chào bán sản phẩm, tiếp cận nhanh chóng đến khách hàng các thông tin sản phẩm, cung cấp dịch vụ thuận tiện nhất cho khách du lịch với chính sách giá hợp lý nhất, quản lý chất lượng dịch vụ và làm du khách hài lòng, mang lại hiệu quả cao hơn cho doanh nghiệp.

Trong công tác truyền thông, quảng bá trên môi trường số, yếu tố nội dung đóng vai trò cực kỳ quan trọng trong việc thu hút sự chú ý và truyền tải thông điệp từ các doanh nghiệp. Ngoài những tiêu chí về một nội dung chất lượng các công ty cần tìm hiểu xu hướng hình thức được ưa chuộng để có giải pháp mang lại hiệu quả cao nhất.

Đối với doanh nghiệp trong nước, các doanh nghiệp cần có các chiến dịch truyền thông về sản phẩm phù hợp với đối tượng khách của mình. Sản phẩm phải có các điểm nhấn thu hút khách, kênh truyền thông quảng bá sử dụng hình ảnh, thông tin chất lượng, lôi cuốn. Tận dụng các kênh truyền thông trên mạng xã hội để có mức độ lan truyền thông tin nhanh.


Bà Nguyễn Thị Cúc - Chủ tịch Hội Tư vấn thuế Việt Nam:
Tạo cơ chế chính sách ưu đãi khích lệ doanh nghiệp du lịch phục hồi
Do hoạt động kinh doanh của ngành du lịch bị tác động nặng nề của đại dịch Covid-19 nên các doanh nghiệp, cá nhân kinh doanh trong ngành đủ điều kiện để được hưởng việc gia hạn nộp thuế, tiền thuê đất… nhưng trong thực tế ngành du lịch vẫn còn gặp rất nhiều khó khăn. Vì vậy bên cạnh các giải pháp về mở rộng thị trường, đa dạng hóa kinh doanh du lịch thu hút khách lưu trú thêm ngày, kích cầu du lịch với khách nội địa, cắt giảm các thủ tục hành chính liên quan đến xuất nhập cảnh với du khách quốc tế... thì cần có giải pháp đột phá mới về cơ chế, chính sách ưu đãi tài chính, thuế để góp phần kịp thời tháo gỡ khó khăn, giúp ngành du lịch phục hồi và phát triển du lịch trong điều kiện bình thường mới.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Du lịch cần thay đổi để phục hồi