Du lịch hội nhập AEC: Làm gì để cạnh tranh

Minh Phương 16/01/2016 11:45

Việt Nam tham gia vào Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) mở ra cơ hội cho nhiều ngành, lĩnh vực, trong đó có ngành du lịch. Tuy nhiên, giới chuyên gia bày tỏ quan ngại, du lịch Việt Nam đang bộc lộ khá nhiều điểm yếu về sản phẩm du lịch, nguồn nhân lực… dẫn đến làm giảm sức cạnh tranh khi tham gia AEC.

Du khách nước ngoài tham quan Văn Miếu - Quốc Tử Giám (Hà Nội).
Ảnh: Hoàng Long.

Điểm yếu nguồn nhân lực

Đánh giá về tác động và sự tham gia của ngành du lịch Việt Nam vào AEC, giới chuyên gia trong ngành cho rằng, với dân số 500 triệu dân, các thị trường nguồn du lịch thuộc khu vực ASEAN đã và đang đóng góp khoảng 20% tổng số khách du lịch quốc tế đến Việt Nam trong những năm qua. Một số nước ASEAN như Thái Lan, Singapore, Malaysia vừa là thị trường nguồn, vừa đóng vai trò là cửa ngõ quan trọng để khách du lịch quốc tế đến Việt Nam…

Ông Đinh Ngọc Đức, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế (Tổng cục Du lịch Việt Nam) khẳng định: Hợp tác du lịch với các nước ASEAN là quan hệ cùng có lợi khi các nước cùng hợp tác, bổ sung cho nhau trong kết nối sản phẩm, nâng cao chất lượng, quảng bá du lịch, hỗ trợ nhau đồng thời cũng là hỗ trợ chính mình. Tuy nhiên, đây là quá trình vừa hợp tác, vừa cạnh tranh, theo đó lợi ích đối với mỗi nước phụ thuộc vào nỗ lực và khả năng của từng nước.

Như vậy, có thể khẳng định, AEC mở ra nhiều cơ hội đối với Việt Nam để cùng hợp tác phát triển ngành du lịch với các nước trong khu vực. Tuy nhiên, một trong những điểm yếu nhất hiện nay của ngành này chính là vấn đề nguồn nhân lực.

Theo Tổng cục Du lịch, phát triển nguồn nhân lực thông qua việc triển khai MRA-TP (thỏa thuận thừa nhận lẫn nhau về nghề du lịch) là một trong những vấn đề quan trọng nhất trong hội nhập du lịch. Vì khi ký thỏa thuận này, các nước ASEAN sẽ tạo điều kiện để các lao động có thể di chuyển qua lại một cách dễ dàng trong khu vực. Điều này cũng có nghĩa, các lao động giỏi, trình độ cao sẽ có nhiều cơ hội có việc làm và được các nước dùng nhiều cách để “hút nhân tài”. Ngược lại, nhân lực, lao động tay nghề yếu sẽ bị bật khỏi “sân chơi AEC”.

Chia sẻ về cơ hội khi thực hiện triển khai MRA – TP, ông Đinh Ngọc Đức cho biết, đây là cơ hội tốt để du lịch Việt Nam có động lực nâng cao chất lượng nhân lực du lịch trong nước để có đủ điều kiện làm việc hiệu quả tại các nước khác trong khu vực đồng thời cũng góp phần giải quyết vấn đề thiếu hụt lao động trong bối cảnh phát triển nhanh trong nước, tranh thủ được nguồn lao động chất lượng cao trong khu vực.

Tuy nhiên, ở một số khía cạnh, nhân lực của Việt Nam chư đáp ứng được nhu cầu của hội nhập AEC. Lao động du lịch Việt Nam còn kém cạnh tranh so với các nước có ngành du lịch phát triển trong khu vực. Chất lượng nhân lực toàn ngành chưa cao.

Có một thực tế đáng quan ngại, đó là hiện nay Việt Nam vẫn đang thiếu các trung tâm đào tạo nhân lực du lịch chất lượng cao. Một con số thống kê cho biết, nguồn nhân lực cho ngành du lịch trình độ từ đại học trở lên chỉ chiếm 3,11% trong số hơn 1 triệu lao động của toàn ngành. Trong khi đó, trình độ nguồn nhân lực là yếu tố quyết định cho sự phát triển của tất cả mọi lĩnh vực, không riêng gì đối với lĩnh vực du lịch. Bởi vậy, đây chính là một điểm yếu nếu không được cải thiện sẽ làm giảm sức cạnh tranh của ngành du lịch Việt trước AEC.

Du khách quốc tế thích dạo phố Hà Nội bằng xích lô.

Lợi thế bản sắc

Mặc dù vậy, theo giới chuyên gia trong ngành, Việt Nam vẫn có nhiều cơ hội và tiềm năng phát triển du lịch trong thời gian tới.

Nhiều khách nước ngoài vẫn đang tìm đến Việt Nam để khám phá. Những nét đặc sắc riêng của Việt Nam như lễ hội ruộng bậc thang, lễ hội hoa tam giác mạch, du lịch làng nghề… từ lâu đã trở thành thương hiệu riêng của Việt Nam đã và đang thu hút bất cứ du khách nào muốn tò mò, khám phá. Việc luôn đưa ra những sản phẩm du lịch có dấu ấn riêng của Việt Nam sẽ là yếu tố quan trọng để các DN ngành du lịch lôi cuốn du khách cả trong và ngoài nước.

Bên cạnh đó, Việt Nam có nhiều lễ hội truyền thống đặc sắc, mỗi địa phương lại có một lễ hội cũng là một yếu tố rất riêng để có thể níu chân du khách. Đơn cử như lễ hội Chùa Hương, lễ chọi trâu, hội chợ Viềng… mỗi năm lại thu hút hàng ngàn lượt du khách thăm và tham gia lễ hội.

“Các DN ngành du lịch nếu như biết kế thừa, gìn giữ và phát huy những phong cách, bản sắc riêng của văn hóa Việt Nam trong sản phẩm du lịch mới có thể giữ được sản phẩm bền vững lâu dài, cạnh tranh được với tất cả các điểm đến khác trong khu vực cũng như trên thế giới khi hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng” – ông Nguyễn Đạt Trường, giám đốc một công ty lữ hành chia sẻ.

Bên cạnh đó, theo ông Đinh Ngọc Đức, việc Việt Nam chính thức gia nhập AEC sẽ có những tác động trực tiếp và giá tiếp đến tất cả các đối tượng trong ngành du lịch, từ cơ quan quản lý nhà nước đến DN kinh doanh du lịch, cơ sở đào tạo, người lao động và cả du khách… Vấn đề đặt ra là phải tận dụng được các cơ hội đồng thời vượt qua những khó khăn, thách thức để phát triển với tốc độ cao và tránh được nguy cơ tụt hậu, nhất là so với các nước có ngành du lịch phát triển trong khu vực.

“Trong đó, việc quan trọng và trước mắt chính là chuẩn bị, triển khai tốt Thỏa thuận thừa nhận lẫn nhau về nghề du lịch ASEAN (MRA - TP)” -ông Đức nhận định.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Du lịch hội nhập AEC: Làm gì để cạnh tranh

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO