Hơn 250km đường cao tốc đã giúp các tỉnh Bình Thuận, Ninh Thuận, Khánh Hòa… có được cú hích lớn khi thời gian di chuyển từ TP HCM tới các địa phương trên rút ngắn hơn rất nhiều so với trước đây. Thậm chí, thời gian di chuyển từ TP HCM tới Nha Trang bằng đường bộ không chênh lệch nhiều so với hàng không, nếu tính cả thời gian làm thủ tục.
Anh Nguyễn Văn Lượng, 41 tuổi ngụ tại quận Gò Vấp (TP HCM) cho biết, anh và gia đình đã lên kế hoạch du lịch Nha Trang vào cuối tuần tới bằng xe ô tô riêng. “Từ TP HCM đi Nha Trang khoảng 400km nhưng từ khi có cao tốc, thì chỉ mất khoảng gần 5 giờ đồng hồ di chuyển. So với năm trước đi máy bay, phải chờ làm thủ tục mất 2 giờ, rồi di chuyển từ sân bay Cam Ranh về Nha Trang gần 40km nữa thì thời gian cũng không chênh lệch nhiều. Nếu máy bay mà trễ chuyến thì đi xe ô tô có khi còn nhanh hơn” - anh Lượng nói.
Tuyến cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết đưa vào hoạt động đã mang tới niềm vui cho hàng ngàn cư dân khu vực TP HCM có nhu cầu di chuyển ra các tỉnh miền Trung. Ghi nhận thực tế những ngày đầu cho thấy lượng khách du lịch tới Phan Thiết và các khu vực lân cận đã tăng đột biến, gấp 2 lần cùng thời gian những năm trước.
Tuy nhiên, vào ngày 19/5 này, 2 tuyến cao tốc gồm Phan Thiết - Vĩnh Hảo (101km) và Nha Trang - Cam Lâm (50km) sẽ khiến niềm vui nhân lên nhiều lần. Đặc biệt các địa điểm du lịch nằm dọc trục cao tốc này sẽ được kỳ vọng “cất cánh” vì đường đi thuận lợi. Trong đó điển hình là khu vực Mũi Né (Bình Thuận) Vĩnh Hy, Cà Ná, Phan Rang (Ninh Thuận) hay Cam Ranh, Nha Trang (Khánh Hòa).
Thậm chí một số địa điểm khác như Đà Lạt, Buôn Mê Thuột ở khu vực Tây Nguyên cũng có thể hưởng lợi vì quãng đường di chuyển nhanh hơn. Theo tính toán, di chuyển đường bộ cao tốc thời gian chỉ bằng 1/2 so với đường quốc lộ 1A. Ngoài vận tốc cao, tiêu chuẩn đường an toàn thì việc không có đèn tín hiệu, giao cắt và chung làn với phương tiện khác giúp cho đường cao tốc mang tới nhiều lợi ích.
Nắm bắt được nhu cầu du lịch và sự thuận tiện đường đi, nhiều địa điểm du lịch ở Bình Thuận, Ninh Thuận đã bắt đầu lên kế hoạch khai thác, cung cấp các dịch vụ cần thiết. Chị Vũ Hà - chủ một khách sạn ở Vĩnh Hy (huyện Ninh Hải, tỉnh Ninh Thuận) cho biết, chị đã kinh doanh khách sạn khoảng 5 năm nay. “Khách sạn của tôi có 24 phòng, chỉ dịp lễ tết mới kín phòng. Dù biển Vĩnh Hy đẹp, có nhiều dịch vụ nhưng do nằm biệt lập nên không nhiều khách tới. Trước đi ô tô từ TPHCM ra phải mất hơn nửa ngày. Đi máy bay thì chỉ đến được Cam Ranh, đi taxi về đây thêm 70km nữa nên người ta ít ghé. Nhưng tuần tới thấy khách đặt phòng qua mạng nhiều lắm, có lẽ vì đường bộ cao tốc từ TPHCM kéo ra tận đây rồi” - chị Hà nói.
Thực tế, không chỉ thời gian đầu mới đưa vào hoạt động, việc kết nối thêm các tuyến đường bộ cao tốc cùng với việc xe ô tô ngày càng phổ biến, những địa điểm du lịch chưa có nhiều người tiếp cận dự báo sẽ tăng mạnh lượng khách. Trong đó, phần lớn khách xuất phát từ khu vực TPHCM (người dân, khách qua sân bay Tân Sơn Nhất) sẽ dễ dàng tiếp cận các khu vực có khoảng cách từ 300 tới 500km.
TS Nguyễn Hữu Nguyên (Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam) cho rằng, để phát triển kinh tế, đầu tiên phải chú trọng cơ sở hạ tầng mà quan trọng nhất chính là giao thông. Địa phương muốn đón khách du lịch tới thì phải làm đường cho người ta tới. Trong nhiều loại hình giao thông, đường bộ vẫn là mạng lưới giao thông chủ đạo, cơ động, thiết thực và nhanh nhất, không phải qua trung chuyển như hàng không, đường thủy hay đường sắt. Với địa hình trải dài như hiện nay, tuyến đường bộ Bắc - Nam chính là động mạch của nền kinh tế, giúp nhiều địa phương đột phá về kinh tế du lịch, dịch vụ.