Mặc dù hàng loạt chính sách kích cầu du lịch đã được triển khai thực hiện trong thời gian gần đây, tuy nhiên, trái với sự kỳ vọng, hàng loạt khách sạn trong phố cổ Hà Nội vẫn “cửa đóng then cài”...
Nằm im bù lỗ
Nhằm thích ứng linh hoạt với những diễn biến mới của tình hình dịch bệnh Covid-19, mới đây, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch đã chính thức cho phép mở cửa lại hoạt động du lịch quốc tế và nội địa từ ngày 15/3/2022 trong điều kiện bình thường mới thông qua đường hàng không, đường bộ, đường sắt, đường biển đảm bảo an toàn, phù hợp với các quy định phòng, chống dịch Covid-19. Đây được coi là động thái đầu tiên nhằm kích cầu du lịch trong nước và quốc tế, nhận được sự đồng tình của người dân cũng như giới chuyên gia.
Cũng bắt đầu từ ngày 18/3, phố đi bộ xung quanh hồ Hoàn Kiếm chính thức mở cửa trở lại sau gần 1 năm dừng hoạt động bởi ảnh hưởng của dịch Covid-19. Tuy nhiên, trái với sự kỳ vọng, hàng loạt khách sạn trong quận trung tâm của Thủ đô vẫn trong trạng thái “ngủ đông”, cửa đóng then cài và hoạt động cầm chừng.
Theo ghi nhận của PV Đại Đoàn Kết, các phố cổ Hà Nội như Tạ Hiện, Mã Mây, Lương Ngọc Quyến… vẫn vắng khách. Các hàng quán đóng cửa còn các cơ sở lưu trú hầu như chưa hoạt động, nhiều khách sạn treo biển cho thuê nhà hoặc sang nhượng. Tại các con phố tập trung nhiều khách sạn từ 1 đến 3 sao như Hàng Bông, Mã Mây, Hàng Đào, Hàng Bè, Gia Ngư…, hàng loạt khách sạn đang trong trạng thái khoá kín cửa, ngừng hoạt động.
Anh Nguyễn Hoàng Quân - chủ một khách sạn 2 sao trên phố Hàng Bông (quận Hoàn Kiếm) cho biết: “Kể từ tháng 10 năm ngoái đến nay, dù khách sạn được hoạt động bình thường trở lại nhưng chúng tôi vẫn quyết định chưa mở cửa vì nhận định lượng khách du lịch còn ít, đặc biệt là khách quốc tế. Trong khi chi phí vận hành lại rất cao, không đủ bù lỗ nên phải đợi thêm một thời gian nữa khi lượng khách ổn định chúng tôi mới dám hoạt động trở lại”.
Cũng trong tình trạng đóng cửa khách sạn gần nửa năm nay, chị Trần Thu Hà, chủ một khách sạn ở TP Hà Nội cho biết: “Nếu như trước đây, khách du lịch nước ngoài luôn dập dìu, tấp nập thì nay ảm đạm, đìu hiu. Những chuỗi khách sạn lớn hoặc chủ đầu tư có nguồn vốn dồi dào mới chấp nhận mở cửa thời gian này. Còn đối với các khách sạn nhỏ như chúng tôi thì phải chờ một thời gian nữa khi lượng khách du lịch trở lại ít nhất bằng khoảng 50% so với trước đây thì mới dám hoạt động trở lại”.
Chị Hà cũng cho biết thêm, chỉ trong nửa năm ngừng hoạt động vì ảnh hưởng của Covid-19, chị đã phải bù lỗ khoảng 2 tỷ đồng chi phí thuê mặt bằng và sửa chữa khách sạn, chưa kể các chi phí liên quan.
Cũng theo ghi nhận của PV, một số khách sạn nằm trên những mặt tiền đắt đỏ của phố cổ cũng đang được rao bán với giá “mềm” để bù lỗ. Tuy nhiên đến nay vẫn tiếp tục “đắp chiếu” vì không ai hỏi mua.
Một số khách sạn đóng cửa từ lâu cũng được người dân tận dụng mặt bằng làm nơi bán hàng, trà đá, bán đồ ăn sáng… Nhiều khách sạn cũng liên tục treo biển cho thuê căn hộ, văn phòng hoặc sang nhượng.
Bên cạnh nỗi lo lượng khách ít, không đủ chi phí vận hành, một số khách sạn cũng chưa thể hoạt động trở lại vì thiếu nhân viên, đặc biệt là nhân viên chất lượng cao để phục vụ khách lưu trú.
Cần các chính sách mới
Trao đổi về vấn đề này, bà Lê Thị Thu Hà - Phó Chủ tịch Hiệp hội khách sạn Việt Nam cho biết, dịch Covid-19 đã ảnh hưởng rất nhiều đến hoạt động kinh doanh của các khách sạn trên địa bàn Hà Nội nói riêng và cả nước nói chung. Theo đó, hiện tại chỉ khoảng 5% các khách sạn tại Hà Nội đi vào hoạt động hết công suất trong thời điểm này.
Lý giải về nguyên nhân, bà Hà cho hay, dù đã mở cửa du lịch nhưng lượng khách vẫn còn hạn chế, theo tính toán vẫn chưa thể bù được chi phí vận hành của các khách sạn. Ngoài ra một số nơi thiếu nhân viên trầm trọng do dịch bệnh. Một số khác đang trong trạng thái sửa chữa, tân trang lại sau thời gian dài nghỉ dịch nên hoạt động khách sạn thời điểm này vẫn còn ảm đạm.
Trả lời PV Báo Đại Đoàn Kết, chuyên gia du lịch Lưu Đức Kế phân tích, mặc dù đã có nhiều chính sách kích cầu hoạt động du lịch, tuy nhiên hoạt động đặc trưng của khách sạn là theo dòng khách. Trong khi các khách sạn trong khu vực phố cổ chủ yếu phục vụ khách vãng lai, ít theo hệ thống tour, đoàn. Với khách nội địa, đây cũng chưa phải thời điểm thu hút du lịch cho Hà Nội. Cho nên dòng khách du lịch còn ít, cần có thời gian để hoạt động du lịch được trở lại bình thường.
Theo ông Kế, việc kết nối giữa du lịch và y tế trong thời điểm này vô cùng quan trọng để kích cầu khách du lịch quốc tế khi an toàn là mục tiêu hàng đầu của du lịch. “Ngày nào chúng ta cũng công bố hàng trăm nghìn ca mắc cũng là một cản trở đối với khách du lịch quốc tế. Nếu số ca mắc không còn quan trọng, chúng ta nên dừng công bố. Thay vào đó, đẩy mạnh các thông tin về việc phủ vaccine để trấn an khách du lịch quốc tế. Ngoài ra, đã chọn địa phương nào ưu tiên đón khách du lịch quốc tế thì phải có những chính sách phù hợp, vừa mềm mại vừa kiên quyết trong phòng chống dịch để đảm bảo an toàn lên hàng đầu”, ông Kế nhấn mạnh.
Bàn về các giải pháp kích cầu hoạt động kinh doanh của khách sạn, chuyên gia du lịch Lưu Đức Kế cũng đề xuất, ngoài các biện pháp mang tính tạm thời như chờ đợi lượng khách tăng lên trong thời gian sắp tới hay giảm giá thuê phòng, áp dụng các chương trình khuyến mại,… thì các khách sạn cũng cần được sự quan tâm hơn nữa trong các chính sách của Nhà nước.
“Thời gian qua, Chính phủ đã có rất nhiều chính sách nhằm bù đắp cho các lĩnh vực bị thiệt hại vì dịch bệnh Covid-19 trong đó có ngành Du lịch, khách sạn…Tuy nhiên các giải pháp đưa ra vẫn chưa kịp thời và chưa “đủ liều”.
Đối với hoạt động khách sạn, suốt một thời gian dài không hoạt động, các cơ sở vật chất…hư hại, xuống cấp nên việc tân trang, sửa chữa cũng rất tốn kém. Các khách sạn 2 sao, 3 sao sau một vài tháng đóng cửa có thể không đảm bảo tiêu chuẩn của 1 sao.
Bởi vậy, theo ông Kế, với các khách sạn đã đóng thuế tốt, kinh doanh ổn định, ngân hàng và Nhà nước nên có các chính sách cụ thể nhằm mở rộng, khuyến khích cho vay vốn để họ tiếp tục đầu tư hạ tầng phục vụ, phục hồi và phát triển trong thời gian tới.
Hiện tại hệ thống khách sạn từ 4 sao đến 6 sao thì lượng khách du lịch vẫn đạt khoảng 40%. Còn nhiều khách sạn nhỏ, tư nhân do không chịu được chi phí duy trì hoạt động nên đã tạm dừng, đóng cửa.
Việt Nam đang là điểm đến hấp dẫn
Trong nỗ lực khôi phục hoạt động du lịch trong điều kiện bình thường mới, Việt Nam đã mở cửa trở lại hoạt động du lịch quốc tế và nội địa thông qua đường hàng không, đường bộ, đường sắt, đường biển đảm bảo an toàn, phù hợp với các quy định phòng, chống dịch dành cho khách du lịch quốc tế đến Việt Nam, khách du lịch ra nước ngoài và khách du lịch nội địa.
Trang web du lịch Travel Off Path của Mỹ nhận định rằng Việt Nam đang trở thành điểm đến thu hút khách du lịch quốc tế với chính sách nhập cảnh thông thoáng, trong khi trang mạng thenationalnews.com nêu bật 5 lý do thuyết phục để du khách tìm đến với Việt Nam.