Cứ vào những dịp lễ tết, các khu du lịch, khu vui chơi giải trí lại quá tải. Những bãi tắm, những di tích lịch sử, kiến trúc… đông nghịt người, chen vai, thích cánh. Nhiều người phàn nàn, nhưng cũng có người cho rằng điều đó cho thấy du lịch Việt Nam đang đi lên.
Du khách đến Hội An. Ảnh: Mạnh Thắng.
Có người gọi tình trạng này là sự quá tải… đáng yêu! Bởi vì nó chứng tỏ người dân Việt Nam đã quen với tác phong công nghiệp. Ngày thường họ phải đi làm, chỉ ngày lễ, ngày tết họ mới được nghỉ và đi chơi, đi du lịch. Nó cũng chứng tỏ đời sống của nhân dân được nâng cao. Người ta không chỉ lo ăn, lo mặc, mà còn quan tâm đến việc đi chơi, đi du lịch.
Nhưng dựa vào sự “quá tải” này, người làm dịch vụ chặt chém, ép khách… thì lại là việc làm thiếu chuyên nghiệp của người “ăn xổi ở thì”, chỉ thấy cái lợi trước mắt mà không cảm nhận được cái hại lâu dài. Đó cũng là điều lý giải tại sao nhiều khách du lịch trong nước lẫn du khách nước ngoài không muốn quay trở lại nơi họ đã đi du lịch.
Khách du lịch trong nước có thể thông cảm với sự quá tải ở một mức độ nào đó, còn khách nước ngoài thì không. Bởi du lịch đối với họ là một cuộc đi chơi lịch sự, tiện nghi. Có thể nói sự quá tải của du lịch chủ yếu là do sự yếu kém, thiếu chuyên nghiệp của ngành du lịch, chứ không phải là sự tăng nhanh của số lượng du khách. Được biết, có những quốc gia mỗi năm đón khách quốc tế bằng 1,5 số dân của mình, mà du khách vẫn thoải mái, vẫn muốn quay trở lại. Khó khăn của ngành du lịch, như thiếu nhân lực, thiếu phương tiện vận chuyển, thiếu phòng ốc, khách sạn… đạt chuẩn là có, nhưng không phải là nguyên nhân cơ bản.
Nguyên nhân chính vẫn là tính chuyên nghiệp trong phục vụ. Nhiều địa phương, nhiều công ty lữ hành phục vụ một cách chụp giật không (hoặc chưa) nuôi dưỡng nguồn thu. Tâm lý ăn sẵn còn phổ biến, do vậy mới có chuyện người ta chỉ biết có bãi biển Sầm Sơn, Đồ Sơn, Đà Nẵng, Nha Trang… vào dịp hè, mà không biết hàng chục bãi biển khác cũng đẹp không kém ở Thái Bình, Nam Định, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Phú Yên, Bình Định…
Rồi nhiều di tích người đến chiêm bái, thưởng ngoạn đông như nêm, trong khi có nhiều di tích khác du khách không biết, không bao giờ được các công ty du lịch đưa đến. Điều này chứng tỏ công tác quảng bá du lịch quá kém, nhưng cũng chứng tỏ sự khô cứng, ăn sẵn của nhiều người làm du lịch. Người ta ngại quảng bá, ngại mở tour; mở tuyến mới, bất chấp nhu cầu, thị hiếu của du khách. Việc nở rộ số lượng du khách Tây ba lô, và lớp trẻ trong nước đi phượt, chính là do các tuyến của các công ty du lịch lữ hành không còn hấp dẫn, không còn đáp ứng được nhu cầu của du khách nữa.
Dẫn chứng điều này có thể thấy rất nhiều chẳng hạn du lịch làng nghề ở Hà Nội, người ta chỉ biết, chỉ dẫn khách đến làng gốm Bát Tràng, làng lụa Vạn Phúc… mà không biết Hà Nội nhiều làng nghề vào loại nhất nước. Cũng như vậy, đến Đường Lâm người ta chỉ biết, chỉ dẫn du khách vào các nhà cổ, mà không biết Đường Lâm còn là địa phương có nhiều nghề truyền thống. Do vậy thêm tour, tăng tuyến, mở rộng sản phẩm du lịch, là điều thiếu nhất của ngành du lịch hiện nay, dẫn đến quá tải cục bộ. Đất nước ta dài, rộng, có nhiều cảnh quan thiên nhiên kỳ thú, nhiều sắc thái sinh hoạt phong phú, đa dạng của dư dân bản địa, nếu được tham quan, trải nghiệm, nhất định du khách - đặc biệt là du khách nước ngoài sẽ thích thú.
Sự thiếu chuyên nghiệp, thiếu sáng tạo và kém thích ứng, đôi khi đã khiến cho sự quá tải, trở thành… không tải, như trường hợp của Quảng Ninh, Đà Nẵng, Khánh Hòa. Ở những địa phương này, sự tăng nhanh đột biến của du khách nước ngoài - chủ yếu là du khách Hàn Quốc, Trung Quốc… đã không mang lợi ích đáng kể cho địa phương, mà còn khiến cho hướng dẫn viên tiếng Hàn và chủ yếu là tiếng Trung Quốc bị thất nghiệp.
Khách đi vào Việt Nam với tour không đồng, chỉ mua bán trong những cửa hàng dành riêng cho họ, của họ… Khiến cho địa phương không có thêm doanh thu. Đã thế đội ngũ hướng dẫn viên của họ còn gây hại, bởi thuyết minh không đầy đủ, hoặc xuyên tạc lịch sử nước ta. Đây là vấn đề rất lớn, đã tồn tại lâu, nhưng chưa thấy ngành du lịch nói riêng và các cơ quan chức năng nói chung có những biện pháp hữu hiệu để ngăn chặn.
Với đất nước có trên 90 triệu dân, du lịch mỗi năm đón trên 60 triệu lượt người (trong đó có khoảng 15 triệu lượt người nước ngoài) mà đã kêu toáng lên “quá tải” là điều thật vô lý. Có sự thiếu hụt nhân tài vật lực ở một chừng mực nào đó, nhưng nguyên nhân cơ bản vẫn là thiếu tính chuyên nghiêp, thiếu năng động trong cơ chế thị trường của ngành du lịch. Công bằng mà nói, sự “quấy nhiễu” của khách nước ngoài không chỉ riêng chúng ta gánh chịu. Ngành du lịch Thái Lan cho biết họ đã từng chịu thiệt hại tới 9 tỷ đô la/năm vì những tour du lịch không đồng. Nhưng họ đã thích ứng rất nhanh và đưa ngành du lịch phát triển - trở thành một ngành kinh tế mũi nhọn ngày càng triển vọng của đất nước.
Ngành du lịch Việt Nam vốn có tài sản thiên nhiên phong phú, đa dạng, nếu biết năng động, biết dùng người tài, thì sự quá tải nếu có, sẽ là động lực cho sự phát triển của ngành.