Tại TPHCM, ngày càng có nhiều kiều bào, khách quốc tế tìm kiếm các dịch vụ y tế, chăm sóc sức khỏe, trị liệu thẩm mỹ. Đà Lạt (Lâm Đồng), Tam Đảo (Vĩnh Phúc), Sa Pa (Lào Cai) hay Mẫu Sơn (Lạng Sơn)… cũng đã rất chủ động trong việc khai thác tiềm năng y học cổ truyền. Du lịch chăm sóc sức khỏe đang trở thành xu hướng và hứa hẹn sẽ rất sôi động với tiềm năng “tỷ đô”.
Có khoảng 300.000 khách nước ngoài đến khám chữa bệnh tại Việt Nam mỗi năm, trong đó có tới 40% lượng khách tập trung tại TPHCM.
“Mỏ vàng” chờ khai thác
Quận 10 là địa phương đầu tiên của TPHCM và trên cả nước thí điểm triển khai “Phố sức khỏe” và cung cấp sản phẩm dịch vụ du lịch y tế, từ tháng 7/2023. Hiện địa bàn quận có 18 bệnh viện (BV), 23 phòng khám đa khoa, 562 phòng khám chuyên khoa, 396 cơ sở dịch vụ làm đẹp - thẩm mỹ... Sau thời gian hoạt động, “Phố sức khỏe” đã cho thấy những kết quả rất tốt, bắt đầu có sự liên kết giữa các cơ sở ngành y tế và du lịch.
Không nằm trong “Phố sức khỏe”, tuy nhiên BV Da liễu TPHCM cũng nắm bắt được cơ hội này từ rất sớm. Từ năm 2020, BV đã triển khai gói du lịch y tế với 2 dịch vụ thẩm mỹ, gồm: Chăm sóc da thư giãn và chăm sóc da điều trị thẩm mỹ. Sau khi sử dụng dịch vụ, khách hàng tiếp tục cuộc hành trình du lịch mà không cần nghĩ dưỡng, được khách hàng rất ưa chuộng.
Không chỉ riêng TPHCM, tiềm năng phát triển loại hình du lịch nghỉ dưỡng, chăm sóc sức khỏe ở Việt Nam đã được khai thác đạt kết quả tại một số nơi như: Đà Lạt (Lâm Đồng), Tam Đảo (Vĩnh Phúc), Sa Pa (Lào Cai), Mẫu Sơn (Lạng Sơn)… Ngay ở Hà Nội, mới đây, huyện Ba Vì đã cho ra mắt khu du lịch cộng đồng Bản Miền. Hoạt động du lịch ở đây chủ yếu dựa vào lợi thế địa phương, khi có trên 90% người dân là người Dao Quần chẹt với nhiều bài thuốc chăm sóc sức khỏe truyền thống, giúp du khách trải nghiệm và thư giãn.
Bà Nguyễn Thị Hương Liên - Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị, Phó tổng Giám đốc Công ty cổ phần Sao Thái Dương cho biết: Hiện tại khách du lịch quốc tế và cả trong nước đang có nhu cầu lớn về du lịch kết hợp với chăm sóc sức khỏe. Về dịch vụ chăm sóc sức khỏe, nhiều địa phương có tiềm năng. Tuy nhiên, từ kinh nghiệm của công ty, tôi cho rằng cần có sự kết hợp, chuẩn hóa các quy trình chăm sóc sức khỏe cổ truyền kết hợp với du lịch.
TS.BS Nguyễn Hải Công - Chủ nhiệm Khoa Lao và Bệnh phổi thuộc Bệnh viện Quân y 175 cũng cho rằng, Việt Nam có nhiều rừng và các địa điểm thắng cảnh thiên nhiên đẹp, phù hợp để triển khai mô hình du lịch sức khỏe. Cùng với đó, là nguồn khách hàng có nhu cầu rất lớn. Vấn đề còn lại là các đơn vị như du lịch, y tế… thực hiện như nào để có thể kết nối được nhu cầu trị liệu của người dân một cách hiệu quả nhất.
Dược liệu đang đóng vai trò quan trọng trong hệ thống chăm sóc sức khỏe toàn cầu. Trong khi đó, Việt Nam là đất nước có nền y học cổ truyền lâu đời, hiệu quả với nhiều loại thảo dược bản địa quý. Vì vậy hoàn toàn có đủ lợi thế để phát triển du lịch chăm sóc sức khỏe, đặc biệt là các sản phẩm du lịch y dược cổ truyền.
Cần những cái bắt tay
Mặc dù có nhiều tiềm năng, tuy nhiên, tại Việt Nam, sản phẩm này còn ít, chưa đa dạng, ít cơ sở dịch vụ chăm sóc sức khỏe đạt quy mô, chất lượng để đón khách có khả năng chi trả cao. Số cơ sở được công nhận cơ sở kinh doanh dịch vụ chăm sóc sức khỏe đạt tiêu chuẩn phục vụ khách du lịch và được cấp biển hiệu còn hạn chế.
Thực tế cho thấy, du lịch chăm sóc sức khỏe ở Việt Nam mới chỉ dừng ở các hoạt động như: Nghỉ dưỡng, thư giãn, làm đẹp… và được thực hiện chủ yếu ở các resort. Chưa có các tour du lịch và khách du lịch được trực tiếp trải nghiệm quy trình sản xuất các sản phẩm y học cổ truyền, được nghe các chuyên gia giới thiệu về quy trình, ý nghĩa, tác dụng các sản phẩm y học cổ truyền Việt Nam, được mua trực tiếp các sản phẩm y học cổ truyền ngay tại nơi sản xuất.
Để phát triển các sản phẩm du lịch sức khỏe tại Việt Nam, PGS.TS Phạm Hồng Long (Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn Hà Nội) cho rằng, tính kết nối đóng vai trò rất quan trọng, nhất là giữa các đơn vị cung ứng dịch vụ với công ty lữ hành. Du lịch sức khỏe đã có ở Việt Nam, nhưng thực tế còn ít các tour chuyên biệt, mà mới chỉ dừng ở trải nghiệm đơn lẻ như tắm khoáng, suối nước nóng...
“Du khách có các nhu cầu khác nhau về dịch vụ chăm sóc sức khỏe, không chỉ về thể chất mà còn là tinh thần. Vì vậy các bên liên quan cần kết nối với nhau để xây dựng sản phẩm, đáp ứng nhu cầu chữa lành, chăm sóc sức khỏe cả về thể chất và tinh thần của người dân và du khách” - ông Long chia sẻ.
Còn theo ông Bùi Văn Dũng - Phó Chủ tịch thường trực Hội Hướng dẫn viên Du lịch Việt Nam, du lịch sức khỏe đang trở thành xu hướng mới tại Việt Nam, mang đến những trải nghiệm tuyệt vời kết hợp giữa nghỉ dưỡng và chăm sóc sức khỏe. So với các nước trong khu vực, Việt Nam có nhiều lợi thế cạnh tranh về sản phẩm du lịch y tế, du lịch chăm sóc sức khỏe. Tuy nhiên các sản phẩm du lịch sức khỏe tại Việt Nam đang thiếu tính kết nối, vì vậy rất cần một giải pháp kết nối, như nền tảng trực tuyến để gắn kết đơn vị cung ứng dịch vụ với các công ty lữ hành, hướng dẫn viên du lịch.
Về phía doanh nghiệp, ông Lê Công Năng - Tổng Giám đốc Công ty Du lịch Wondertour cũng đưa ra những lưu ý, Việt Nam cần khai thác du lịch chăm sóc sức khỏe bằng những cách riêng để tạo thành dòng sản phẩm thế mạnh, mang thương hiệu quốc gia. Chúng ta có nhiều tiềm năng, nhưng do nhiều nước trên thế giới đã làm, vì vậy để cạnh tranh cần phải tạo ra sự khác biệt mới có thể hút du khách. Trong đó, điều tôi muốn nhấn mạnh ở đây chính là y học cổ truyền kết hợp với nghỉ dưỡng, thư giãn, tắm khoáng…
Theo số liệu của Cục Du lịch quốc gia Việt Nam, trước đại dịch, năm 2018 có 350.000 người nước ngoài đến Việt Nam khám chữa bệnh kết hợp nghỉ dưỡng và chi tiêu 2 tỷ USD. Trong khi đó, hàng năm cũng có khoảng 40.000 người Việt Nam ra nước ngoài chữa bệnh kết hợp du lịch và chi tiêu tới hàng tỷ USD. Điều đó cho thấy, tiềm năng không chỉ là khách du lịch quốc tế mà khách nội địa chúng ta cũng chưa khai thác hết.
Hiện Bộ Y tế đã phê duyệt đề án 2951 phát triển các loại hình sản phẩm y dược cổ truyền phục vụ khách du lịch đến năm 2030, nhằm phát huy giá trị của y học cổ truyền trong việc cung ứng các loại hình dịch vụ phục vụ du khách quốc tế và nội địa. Mục tiêu cụ thể của chiến lược phát triển du lịch quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 là phát triển các mô hình nghỉ dưỡng kết hợp sử dụng các dịch vụ chăm sóc sức khỏe nhằm bảo tồn và nâng cao chất lượng dịch vụ cho du lịch Việt Nam.
Ông Phạm Hải Quỳnh - Chủ tịch Hội Du lịch cộng đồng Việt Nam (VCTC):
Khuyến khích sự tham gia của cá nhân, doanh nghiệp
Việt Nam cần xây dựng chính sách phát triển tổng thể về du lịch chăm sóc sức khỏe cùng với chiến lược phát triển du lịch chung của quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Tạo cơ chế, chính sách thu hút đầu tư, khuyến khích sự tham gia của các cá nhân, doanh nghiệp trong phát triển du lịch chăm sóc sức khỏe. Cùng với đó, phát triển hài hoà, liên kết chặt chẽ giữa các địa phương, các điểm đến trong nước và quốc tế. Mỗi địa phương cũng cần chủ động khai thác, xây dựng nhiều trải nghiệm du lịch chăm sóc sức khỏe độc đáo dựa trên tài nguyên thiên nhiên và văn hóa bản địa.
Bà Trương Thị Bích Ngọc - Giảng viên Khoa Thương mại du lịch, Trường Đại học Công nghiệp TPHCM:
Tiềm năng phát triển du lịch sức khỏe là rất lớn
Việt Nam có nền y học cổ truyền lâu đời cùng với đội ngũ bác sỹ Đông y, Tây y tay nghề cao, chi phí điều trị hợp lý so với những quốc gia lân cận. Du khách đến với Việt Nam hoàn toàn có thể nhận được sự chăm sóc toàn diện, giá cả dịch vụ hợp lí. Tiềm năng để phát triển du lịch sức khỏe ở Việt Nam là rất lớn, quan trọng là chúng ta sẽ khai thác thế nào để đạt hiệu quả nhất. Chúng ta nên kết hợp sản phẩm du lịch chăm sóc sức khỏe gắn với suối khoáng nóng, như xông hơi thảo dược, xoa bóp, bấm huyệt… Đây chính là một sự khác biệt, cạnh tranh với các nước đã làm du lịch sức khỏe.