Theo các công ty du lịch, thời điểm này đang vào mùa du lịch Noel và Tết Dương lịch, Tết Bính Thân nên du lịch miền Tây Bắc đang là lựa chọn của nhiều du khách trong và ngoài nước.
Du khách đến Sơn La thường ghé thăm di tích Nhà tù Sơn La
Liên kết lỏng lẻo
Với tiềm năng và thế mạnh, lẽ ra du lịch Tây Bắc đã có thể phát triển tốt hơn thế. Nhưng mới đây, tại hội nghị xúc tiến quảng bá du lịch TP.HCM, đa số các ý kiến cho rằng, đó vẫn là vùng tài nguyên nguyên sơ, chưa được “đánh thức”. Từ năm 2008, các tỉnh Tây Bắc đã có kế hoạch liên kết phát triển du lịch vùng giữa 8 địa phương Lào Cai, Yên Bái, Phú Thọ, Hà Giang, Lai Châu, Điện Biên, Sơn La và Hòa Bình. Theo đó, một quan điểm đã được thống nhất là sẽ lấy Sa Pa làm trung tâm, vì Sa Pa là một trong 4 trọng điểm du lịch của miền Bắc. Đồng thời, người Sa Pa cũng đã có kinh nghiệm làm du lịch lâu hơn. Kế hoạch kết nối ấy yêu cầu các tỉnh phải xây dựng và phát triển các tua, tuyến du lịch đặc trưng của mỗi địa phương để kết nối vào chương trình du lịch khung. Và có một thỏa thuận chung cũng đã được đưa ra khi ấy là 8 tỉnh cần thống nhất các quy định sao cho đồng bộ về cách quản lý dân cư, quản lý đi lại, các loại phí; thống nhất chính sách kêu gọi đầu tư, đặc biệt là đầu tư cơ sở hạ tầng…
Gần 8 năm trôi qua, cho đến nay sự liên kết được đánh giá là chưa có chiều sâu và thiếu chiến lược. Các địa phương vẫn làm du lịch kiểu “mạnh ai nấy lo”. Một số địa phương đã tạo được những sản phẩm hoặc đặc trưng du lịch riêng như Lào Cai, Yên Bái có ruộng bậc thang, Hà Giang có hoa tam giác mạch, Hòa Bình, Sơn La có du lịch sinh thái, trải nghiệm… Nhưng cũng có những địa phương chưa tạo được dấu ấn hấp dẫn du khách như Tuyên Quang, Lai Châu...
Sau năm du lịch quốc gia 2016 tổ chức tại tỉnh Kiên Giang, thì năm du lịch quốc gia 2017 sẽ được tổ chức tại khu vực Tây Bắc trong đó Lào Cai là đơn vị chủ trì. Đây là cơ hội lớn để Lào Cai và các tỉnh Tây Bắc giới thiệu với đại biểu và bạn bè quốc tế về sự hùng vĩ của thiên nhiên; sự hào hùng của những chứng tích lịch sử và nét đẹp văn hoá, sự hồn hậu, hiếu khách của các dân tộc sinh sống trong khu vực Tây Bắc. Hiện tỉnh Lào Cai đang ráo riết phối hợp với 7 tỉnh thành viên khác trong nhóm hợp tác phát triển du lịch khu vực Tây Bắc xây dựng đề án Năm du lịch quốc gia 2017, với kỳ vọng Lào Cai nói nói chung và Sa Pa nói riêng tiếp tục trở thành đầu tàu đưa du lịch Tây Bắc phát triển hơn nữa trong thời gian tới.
Văn hóa bản địa lẽ ra là thế mạnh
Thế mạnh đã nhìn thấy, cách thức liên kết phát triển du lịch đã được đặt ra, nhưng tại sao người dân Tây Bắc vẫn sống nghèo khó giữa kho tài nguyên giàu có được thiên nhiên ưu ái ban tặng? Đó là câu hỏi được đặt ra từ lâu. Theo thống kê của Tổng cục Du lịch, năm 2014 toàn vùng chỉ đón 8,7 triệu lượt khách, trong đó khách quốc tế chỉ 1,5 triệu lượt (chưa bằng 10% lượng khách quốc tế của cả nước).
Cơ chế liên kết gần 8 năm qua cũng được đánh giá là quá lỏng lẻo. Những điều tra xã hội học cũng chỉ ra năm 2014, 300 du khách quốc tế đến SaPa của Dự án EU cho thấy có tới 259 khách lên Sa pa lại trở về Hà Nội, chỉ có 29 người đi tiếp sang Hà Giang và 10 người sang Lai Châu, Điện Biên.
Chính vì vậy tại hội nghị xúc tiến quảng bá du lịch Tây Bắc, những giải pháp nhằm “đánh thức” tiềm năng của vùng này đã được Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đưa ra. Bao gồm tạo điều kiện cho doanh nghiệp vay vốn đầu tư phát triển du lịch; Về giao thông, tiến tới sẽ đa dạng hóa phương tiện (đường bộ, đường cao tốc, đường sắt, đường hàng không) phục vụ du khách; Thời gian tới sẽ tập trung phát triển nguồn nhân lực. Tuy nhiên, theo quan điểm của nhiều chuyên gia, để phát triển du lịch, từng địa phương phải chủ động, dựa vào khả năng, thế mạnh của mình, để từ đó tạo ra sản phẩm du lịch đặc trưng.
Theo TS Phạm Trung Lương - nguyên Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu và phát triển du lịch, trong quá trình làm du lịch, mỗi địa phương nên chọn một thế mạnh về bản sắc văn hóa để tập trung khai thác. Đơn cử như Yên Bái có múa Xòe (Thái Mường Lò), Hà Giang có chợ tình Khau Vai, Sơn La có ẩm thực đặc sắc của dân tộc Thái…