Trở lại cuộc sống thích ứng an toàn với dịch bệnh, nhiều công ty du lịch, lữ hành và các cơ sở du lịch trên toàn quốc đang hy vọng sẽ khởi sắc trong kỳ nghỉ Tết Nhâm Dần sắp tới.
Du lịch Tết góp phần “phá băng”
Năm nay, người lao động nghỉ Tết Nguyên đán 5 ngày liên tục từ thứ hai (ngày 31/1/2022 Dương lịch) đến hết thứ sáu (ngày 4/2/2022 Dương lịch), tức là ngày 29 tháng Chạp năm Tân Sửu đến hết ngày mùng 4 tháng Giêng năm Nhâm Dần. Kết hợp cùng ngày nghỉ cuối tuần của 2 tuần trước và sau đó, công chức và viên chức sẽ có 9 ngày nghỉ trong dịp nghỉ Tết Nguyên đán.
Thời điểm này, khi Tết Nguyên đán Nhâm Dần đã cận kề, bên cạnh sắm Tết nhiều người đã hoàn tất kế hoạch đi du lịch trong kỳ nghỉ Tết. Anh Hồ Huy Phương (Thành Công, Hà Nội) cho biết, gia đình anh vừa đặt vé đi Phú Quốc (Kiên Giang). Chuyến đi bắt đầu từ sáng mùng 3 Tết, và chiều mùng sẽ quay về Hà Nội.
“Trải qua hơn một năm dịch bệnh, chỉ loanh quanh ở nhà, vợ chồng tôi muốn cho các con đi du lịch một chuyến để giảm áp lực cũng như xóa đi những áp lực tâm lý”, anh Phương chia sẻ. Theo anh Phương, để có chuyến du lịch Tết, vợ chồng anh sẽ chuẩn bị đón Tết truyền thống gọn nhẹ nhưng đầy đủ. Từ nay đến 30 Tết, chuẩn bị Tết ở gia đình. Mùng 1 và mùng 2 Tết đi chúc Tết nội ngoại và họ hàng, anh em thân cận.
Tương tự, gia đình chị Hà Thị Mai (Hai Bà Trưng, Hà Nội) cũng đã lên kế hoạch đi Mộc Châu từ chiều mùng 2 Tết để mùng 4 quay trở về Hà Nội mừng thọ bà ngoại. Theo chị Mai, trong khi dịch bệnh Covid-19 vẫn có những diễn biến cần phải cảnh giác thì lựa chọn những địa điểm để du xuân an toàn là vô cùng cần thiết.
“Mộc Châu - Sơn La có thiên nhiên trong lành, lại không quá xa Hà Nội nên được vợ chồng chúng tôi lựa chọn để cùng hai con đi du lịch đầu năm. Sau một năm phải ở nhà nhiều, tôi nghĩ cũng nên tranh thủ kỳ nghỉ Tết để cho con đi chơi”, chị Mai bày tỏ.
Xu hướng đi du lịch trong dịp Tết đã dần trở nên quen thuộc với nhiều người. Trong những năm trước, số người đi du lịch dịp Tết khá đông. Nhưng hai năm nay, do dịch bệnh nên xu hướng này không thể thực hiện được. Trước thềm xuân Nhâm Dần, với chủ trương thích ứng an toàn với dịch bệnh, nhiều người đang hy vọng du lịch Tết sẽ làm ấm thị trường du lịch, lữ hành vốn đang bị “đóng băng”
“Du lịch an toàn - Trải nghiệm trọn vẹn”
Để thúc đẩy du lịch nội địa, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ban hành Chương trình số 4698/BVHTTDL-TCDL về phát động du lịch nội địa thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19. Hoạt động được triển khai đồng loạt trên cả nước với chủ đề “Du lịch an toàn - Trải nghiệm trọn vẹn” để giới thiệu, quảng bá các điểm đến, trải nghiệm đa dạng. Các địa phương sẽ thực hiện và Tổng cục Du lịch đồng hành, làm theo từng cụm điểm đến, thí dụ như cụm Tây Bắc, Bắc Trung Bộ, Đồng bằng sông Cửu Long…
Ngay sau đó, nhiều địa phương đã có ngay các hoạt động để tìm giải pháp thu hút du khách. Đơn cử như UBND tỉnh Sơn La đã phối hợp với Tổng cục Du lịch tổ chức Hội nghị bàn giải pháp thích ứng, linh hoạt an toàn với dịch Covid-19. Tổng cục Du lịch đề nghị tỉnh Sơn La và các doanh nghiệp tập trung xây dựng, triển khai kế hoạch, tiêu chí mở lại du lịch nội địa với tinh thần thích ứng an toàn, linh hoạt theo chỉ đạo của Chính phủ; tập trung các biện pháp thúc đẩy du lịch nội địa gắn với an toàn dịch bệnh, nhất là dịp năm mới 2022 và Tết Nguyên đán Nhâm Dần sắp tới; kết nối với các địa phương lân cận và các địa phương khác trong nước để phát triển tuyến, điểm an toàn liên vùng. Xây dựng các chương trình, gói kích cầu du lịch, đa dạng hóa dịch vụ, nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ; tích cực xây dựng các sản phẩm, dịch vụ du lịch mới và nâng cao tính chuyên nghiệp trong phục vụ khách du lịch...
Trong khi đó, Hải Phòng - nơi được ví như một viên ngọc ẩn mình trên bản đồ du lịch Việt Nam, cũng đang triển khai nhiều kế hoạch thích ứng. Ông Vũ Huy Thưởng, Phó Giám đốc Sở Du lịch Hải Phòng cho biết, theo kế hoạch về phục hồi và phát triển du lịch Hải Phòng thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát dịch Covid-19 vừa UBND thành phố thông qua, Hải Phòng định hướng khai thác sản phẩm du lịch thành phố tập trung vào 5 nhóm gồm: du lịch thể thao (golf, đua xe đạp, chạy marathon), kết nối với sản phẩm du lịch du thuyền nhằm thu hút khách có khả năng chi trả cao.
Du lịch trải nghiệm ở các vùng nông thôn, thưởng thức ẩm thực, chăm sóc sức khỏe (khu vực suối khoáng nóng), khám chữa bệnh sẽ là nhóm sản phẩm thu hút nhóm khách gia đình, học sinh, sinh viên và người lớn tuổi. Giới trẻ, khách đi theo đoàn của công ty sẽ theo nhóm du lịch nghỉ dưỡng biển, đảo. Du lịch MICE (du lịch hội thảo, hội nghị) để thu hút các doanh nhân, chính trị gia và văn nghệ sĩ. Du lịch văn hóa tâm linh thu hút đối tượng khách là phụ nữ và người lớn tuổi.
Về thị trường du lịch, thành phố Hải Phòng sẽ tập trung phát triển thị trường khách du lịch nội địa, lấy thị trường khách du lịch nội địa làm động lực để phục hồi. Trong giai đoạn đầu, thành phố tập trung thu hút khách du lịch là những người đang sinh sống, làm việc trên địa bàn thành phố, thủ đô Hà Nội và các tỉnh, thành phố; liên kết phát triển du lịch với Hà Nội và các tỉnh trong chương trình hợp tác, thiết lập hành lang du lịch an toàn của 12 tỉnh, thành phố phía Bắc. Tiếp đó, thành phố sẽ thu hút nhóm du khách đến từ các trọng điểm du lịch miền Đông Nam Bộ và TP HCM.
Xu hướng du lịch thay đổi
Theo ông Hà Văn Siêu, Phó Tổng cục trưởng Du lịch, trong bối cảnh hiện nay, xu hướng du lịch đã thay đổi. Khách không đi đông người mà đi những nhóm nhỏ, không đi nhiều điểm mà đi ít điểm hơn nhưng ở lâu hơn, trải nghiệm dịch vụ sâu hơn. Do đó, cách làm du lịch cũng cần thay đổi, phải có những yếu tố mới. Sản phẩm du lịch phải sạch, khỏe, bảo đảm có lợi cho sức khỏe và các chuyến đi bảo đảm an toàn.
Khảo sát tại một số công ty du lịch, lữ hành cho thấy những tín hiệu khởi sắc trong kỳ nghỉ Tết sắp tới. Theo đó, lượng khách mua tour khá đông. Ông Phạm Hà, Chủ tịch Lux Group, một công ty lữ hành cho biết, từ cuối tháng 12 đến nay, nhu cầu đi du lịch gần gũi thiên nhiên tăng lên khi các công ty, đơn vị lên kế hoạch cho các buổi tiệc cuối năm và dịp nghỉ Tết Nguyên đán cũng ghi nhận rõ xu hướng đi du lịch nhóm, du lịch gia đình.
Ông Hà cũng thừa nhận, cách thức đi du lịch của người dân có đổi khác. Khách đặt tour kỹ tính hơn đồng thời có những yêu cầu để phòng tránh dịch bệnh. Từ những yêu cầu này, các tour du lịch khép kín tại các khu du lịch sinh thái nằm sâu trong núi, hay ở những vùng “biển xanh, cát trắng”, nơi hạn chế tập trung đông người đều ghi nhận lượng khách du lịch đặt phòng gần như đã kín từ ngày 31/1 cho tới khoảng một tuần sau đó.
Còn tại các tỉnh phía Nam, lượng khách đặt tour, đặt phòng cũng tăng từng ngày. Theo ông Nguyễn Viết Vân, Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Lâm Đồng, những ngày đầu tháng 1, TP Đà Lạt luôn đông nghịt du khách. So với các địa phương phát triển du lịch trong vùng, TP Đà Lạt sớm thu hút được du khách trở lại tham quan ngay khi dịch bệnh được kiểm soát. Đến thời điểm này, nhiều cơ sở lưu trú nhà nghỉ, nhà ở có phòng cho thuê ở Đà Lạt đạt công suất phòng khoảng 70%; khách sạn 2 sao, biệt thự du lịch, nhà ở nguyên căn đạt công suất 90%; khách sạn từ 3-5 sao đạt hơn 90%.
Bên cạnh Đà Lạt, theo các công ty du lịch, hiện khách tập trung nhiều vào các tuyến khởi hành từ TP HCM đi Phú Quốc, Nha Trang, Vũng Tàu, Quy Nhơn, Đà Nẵng - Huế - Hội An, nội - ngoại thành TP HCM và miền Tây. Đặc biệt, Phú Quốc được nhiều du khách chọn lựa. Hiện các điểm vui chơi giải trí ở Phú Quốc như: Cáp treo Hòn Thơm, Vinwonder Phú Quốc, thành phố không ngủ Grand World, Vinpear Safari và các bãi tắm, nhà hàng, khách sạn đã được trang trí để đón khách du lịch trong dịp Tết Nguyên đán.
Miền Bắc đón Tết trong giá rét, mưa phùn
Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thuỷ văn quốc gia, trong những ngày cận Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022, không khí lạnh liên tục tăng cường. Vì thế dự báo thời tiết Tết năm nay miền Bắc chìm trong giá rét, mưa phùn, vùng núi cao khả năng xuất hiện băng giá, sương muối.
Ông Hoàng Phúc Lâm, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thuỷ văn quốc gia cho biết: Khoảng thời gian từ ngày 24-27/1 (22-25 tháng Chạp), cả nước ít mưa, trời nắng ấm. Khoảng 28/1 (26 tháng Chạp), miền Bắc chịu ảnh hưởng của 1 đợt gió mùa đông bắc cường độ mạnh gây mưa rét. Ngày 31/1 (29 tháng Chạp), không khí lạnh được bổ sung khiến miền Bắc chìm trong giá rét, mưa phùn. Khu vực núi cao có thể xuất hiện băng giá, sương muối.
Đến ngày mùng 2 Tết (tức ngày 2/2 dương lịch), không khí lạnh tiếp tục được tăng cường khiến trạng thái mưa rét ở miền Bắc kéo dài. Bắc Bộ sẽ trải qua những ngày Tết trong mưa phùn, sương mù và giá rét. Tại Hà Nội và đồng bằng Bắc Bộ, nhiệt độ dao động 13 - 18 độ C, vùng núi 8-16 độ C. Khu vực Thanh Hóa đến Quảng Ngãi có mưa, khu vực từ Thanh Hóa-Thừa Thiên Huế trời rét; phía nam trời lạnh.