Văn hóa

Du lịch từ di tích lịch sử cách mạng

Minh Quân - Phạm Sỹ 02/09/2024 07:15

Cùng các di sản được UNESCO vinh danh, trong những năm qua các địa danh lịch sử cách mạng đang trở thành những “địa chỉ đỏ” thu hút du khách trong và ngoài nước. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, vẫn còn nhiều dư địa bởi các địa phương chưa khai thác hết tiềm năng, chưa tạo cho du khách những trải nghiệm chân thực và ấn tượng tại các điểm đến...

anh-5.jpg
Du khách tham quan Khu di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Tân Trào (Tuyên Quang). Ảnh: Quang Cường.

“Làm mới” các địa chỉ đỏ

Nếu như những năm trước đây, khi nhắc đến các địa danh lịch sử cách mạng, người dân thường mặc định đây là những điểm đến nặng về tính giáo dục, thì nay, với sự “bắt tay” cùng ngành du lịch, nhiều “địa chỉ đỏ” đã trở thành điểm đến, thu hút đông đảo du khách trong nước và quốc tế, nhất là trong những ngày lễ kỷ niệm trọng đại của đất nước.

Tại TP Hà Nội, những ngày này, không khó để bắt gặp nhiều đoàn khách đến tham quan các địa danh gắn liền với sự kiện Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2/9. Đơn cử như Di tích nhà số 48 Hàng Ngang - nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết bản Tuyên ngôn Độc lập vào ngày 28/8/1945. Hay Cột cờ Hà Nội - “chứng nhân lịch sử” của Thủ đô về sự kiên cường, bất khuất của nhân dân Thủ đô trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp oanh liệt. Ngoài ra còn các điểm đến như Khu di tích Phủ Chủ tịch, Bảo tàng Hồ Chí Minh, Nhà hát Lớn Hà Nội, cầu Long Biên, di tích Nhà tù Hỏa Lò...

Một di tích quan trọng trong chuỗi di tích Cách mạng ở Hà Nội, không thể không kể đến ngôi nhà số 101 Trần Hưng Đạo. Trong Cách mạng Tháng Tám năm 1945, ngôi nhà này chính là trụ sở Ủy ban Quân sự Cách mạng Hà Nội.

Sáng 18/8/1945, Ủy ban Quân sự Cách mạng Hà Nội đã họp phiên đầu tiên tại đây và đưa ra quyết định phải khẩn trương chớp thời cơ, khởi nghĩa giành chính quyền và đối phó với quân Nhật. Ngôi nhà số 101 Trần Hưng Đạo đã đi vào lịch sử vẻ vang của Thủ đô Hà Nội như một mốc son, đánh dấu sự thắng lợi của cuộc Cách mạng Tháng Tám ở Hà Nội.

Không chỉ Hà Nội, nhiều địa danh lịch sử cách mạng đã được các địa phương xây dựng thành các tour du lịch về nguồn. Như Khu di tích lịch sử Tân Trào - nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng các cán bộ cơ quan Trung ương ở và làm việc trong thời kỳ tiền khởi nghĩa và thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp. Trong đó có di tích cây đa Tân Trào, nơi mà đồng chí Võ Nguyên Giáp đã thay mặt Ủy ban Khởi nghĩa Toàn quốc đọc Bản Quân lệnh số 1 và hạ lệnh xuất quân tiến về Hà Nội. Còn di tích đình Tân Trào là nơi tổ chức họp Quốc dân Đại hội (ngày 16 và 17/8/1945) - được ví như Hội nghị Diên Hồng thứ hai trong lịch sử nước ta…

Được coi là cội nguồn của Cách mạng Việt Nam, Quần thể di tích cách mạng Pác Bó (Hà Quảng, Cao Bằng) là địa danh gắn với một giai đoạn lịch sử đặc biệt quan trọng trong cuộc đời hoạt động của Chủ tịch Hồ Chí Minh và cách mạng Việt Nam những năm 1941 - 1945.

Những ngày tháng Tám lịch sử, các khu di tích này đón rất nhiều đoàn du khách trên cả nước về tham quan, tìm hiểu lịch sử. Theo Ban Quản lý Khu Di tích Lịch sử Quốc gia Đặc biệt Tân Trào, chỉ tính riêng trong tháng 8/2023, Khu Di tích đã đón hơn 90.000 lượt khách trong và ngoài nước đến tham quan.

Còn tính cả năm 2022, khu di tích đón hơn 750 nghìn lượt khách du lịch, chiếm gần 90% tổng lượng du khách đến Tuyên Quang. Tại khu di tích Quốc gia đặc biệt Pác Bó, lượng khách tham quan trong dịp nghỉ lễ 2/9 năm 2023 cũng đạt trung bình khoảng 2.500 lượt khách/ngày... góp phần cho sự phát triển của các ngành dịch vụ lưu trú, ẩm thực cũng như nâng cao đời sống cho người dân địa phương.

Trao đổi với phóng viên Báo Đại Đoàn Kết, PGS.TS Phạm Trung Lương - nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu du lịch, cho rằng Việt Nam có nhiều di tích lịch sử cách mạng đã thu hút được sự quan tâm của du khách trong và ngoài nước. Đây cũng chính là nguồn tài nguyên đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển du lịch Việt Nam. Hiện nhiều địa phương đã khai thác có hiệu quả những di tích lịch sử cách mạng để thu hút du khách như Tuyên Quang, Thái Nguyên, Hà Giang, TPHCM, Quảng Trị… Việc phát triển du lịch gắn với các địa danh cách mạng trải dài trên đất nước là một hướng phát triển cần được chú trọng, không chỉ gắn với phát triển kinh tế mà quan trọng hơn là giáo dục cho thế hệ sau không bao giờ quên lớp cha anh đi trước đã ngã xuống để bảo vệ đất nước.

Di tích nhà số 48 Hàng Ngang (Hà Nội). Ảnh: Sơn Quách.
Di tích nhà số 48 Hàng Ngang (Hà Nội). Ảnh: Sơn Quách.

Chưa tương xứng với tiềm năng

Ngành công nghiệp không khói nói chung và du lịch gắn với những địa danh lịch sử nói riêng thời gian qua rất khởi sắc với những con số tăng trưởng ấn tượng. Rất nhiều tổ chức, cá nhân khi lên kế hoạch cho các dịp nghỉ lễ, cuối tuần đã chọn các địa phương có di tích lịch sử để vừa tham quan, nghỉ dưỡng và cho con trẻ có thêm trải nghiệm, tìm hiểu về lịch sử của đất nước… Tuy nhiên, theo đánh giá của giới chuyên gia thì sự phát triển này vẫn chưa tương xứng tiềm năng.

TP Hà Nội hiện có 5.922 di tích lịch sử văn hoá, trong đó có những di tích nghìn năm tuổi. Thời gian qua, bên cạnh những kết quả đã đạt được, theo đại diện Sở Du lịch Hà Nội việc phát huy giá trị di sản văn hoá trong phát triển du lịch còn một số hạn chế, chưa thật sự tương xứng với tiềm năng, thế mạnh của Hà Nội.

Hơn nữa, cơ sở, hạ tầng giao thông kết nối, hạ tầng vật chất kỹ thuật phụ trợ, dịch vụ du lịch tại nhiều điểm di tích đầu tư còn thiếu đồng bộ. Chất lượng một số điểm đến du lịch còn có nhiều hạn chế về tổ chức dịch vụ, hướng dẫn viên... Do đó, chưa đáp ứng được nhu cầu ngày càng cao của du khách.

Đó có lẽ cũng là lý do, mặc dù là di tích Cách mạng rất nổi tiếng của Thủ đô và của cả nước, nhưng hàng năm lượng du khách đến với ngôi nhà số 48 phố Hàng Ngang, quận Hoàn Kiếm còn khá khiêm tốn. Nằm ở vị trí thuận tiện trong tour phố cổ nhưng điểm đến này lại chưa được khai thác và phát huy hết những giá trị về lịch sử, văn hóa, kinh tế, du lịch…

Còn tại một số địa phương, nơi có những địa danh lịch sử thì việc đầu tư phát triển du lịch vẫn còn khá khiêm tốn, chủ yếu phục vụ mục đích tham quan, học tập, giáo dục truyền thống cách mạng, thiếu những không gian ấn tượng, mang tính dẫn dắt để di tích, di sản có thể kể chuyện một cách chân thực, cuốn hút. Cơ sở hạ tầng cũng như dịch vụ du lịch còn nghèo nàn, thiếu điểm nhấn, nhân lực phục vụ chưa chuyên nghiệp.

Bên cạnh đó, việc phân loại thị trường du lịch, liên kết, xây dựng chương trình tour... để tạo ra những sản phẩm du lịch đặc thù còn rời rạc, thiếu sự hoàn thiện trong kết nối tour, tuyến.

Phó Chủ tịch Hiệp hội du lịch Tuyên Quang Nguyễn Thị Thu Hiền cho biết, hiện tại cơ sở hạ tầng và nguồn nhân lực phục vụ cho du lịch của tỉnh còn chưa đáp ứng được. Tuyên Quang cần có biện pháp phát triển nguồn nhân lực du lịch văn hóa cả về số lượng và trình độ chuyên môn, ngoại ngữ. Dành nguồn tài chính thỏa đáng cho phát triển nguồn nhân lực du lịch và đầu tư cơ sở hạ tầng. Có như vậy mới thu hút được nhiều hơn du khách đến với di tích lịch sử cách mạng.

Tại khu du lịch Pác Bó (Cao Bằng), mặc dù thu hút khá đông du khách, tuy nhiên, thực tế cho thấy hạ tầng phục vụ vẫn còn nhiều điểm chưa hoàn thiện. Dịch vụ du lịch còn nghèo nàn. Nơi đây có nhiều đặc sản, ẩm thực cũng khá phong phú, tuy nhiên địa phương lại chưa khai thác mạnh những tiềm năng, lợi thế này.

Du khách đến với các di tích cách mạng ở tỉnh Điện Biên ngày càng đông.
Du khách đến với các di tích cách mạng ở tỉnh Điện Biên ngày càng đông.

Địa phương hiến kế

Theo bà Phạm Diễm Hảo - Phó Trưởng phòng Quy hoạch, Phát triển Tài nguyên Du lịch (Sở Du lịch Hà Nội), thành phố Hà Nội cần chú trọng đầu tư, xúc tiến sản phẩm du lịch văn hóa, thúc đẩy thu hút các nguồn lực xã hội hóa trong đầu tư, phát triển cơ sở hạ tầng, dịch vụ du lịch tại các điểm đến di tích, di sản.

Từ đó, phát huy hơn nữa tiềm năng, thế mạnh sẵn có, góp phần phát triển du lịch gắn với bảo tồn, phát huy các giá trị di sản văn hóa, hướng tới xây dựng thương hiệu du lịch Thủ đô có chất lượng cao, đạt tiêu chuẩn quốc tế.

Bà Hảo cũng đề xuất các biện pháp như, tập trung công tác quy hoạch, đầu tư, bảo tồn, trùng tu di tích, gắn với phát huy giá trị di sản, kiến tạo các điểm du lịch văn hóa có chất lượng, đẳng cấp cao. Đồng thời, thành phố cần chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực; khai thác các yếu tố đặc trưng của văn hóa Hà Nội để phát triển các sản phẩm du lịch đặc thù, hấp dẫn.

Cũng từ góc nhìn của địa phương, Phó Chủ tịch thứ nhất Hiệp hội Du lịch Thái Nguyên Trần Nữ Ngọc Anh bày tỏ, những điểm di tích lịch sử cách mạng trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên từ lâu đã để lại ấn tượng trong lòng người dân, du khách.

Tuy nhiên việc tổ chức đón tiếp du khách tại các địa điểm đó cần phải phát triển nhiều hơn, tránh sự đơn điệu, một chiều. Đặc biệt, rất cần các hoạt động tăng sức hấp dẫn để nơi đây trở thành một điểm đến du lịch chứ không đơn thuần là một điểm di tích lịch sử.

“Ngoài ra, chúng tôi cũng phải tính đến việc đẩy mạnh công tác truyền thông và xúc tiến du lịch; kết nối các tour với các tỉnh lân cận như Tuyên Quang, Cao Bằng… những địa phương có nhiều di tích cách mạng. Từ đó tạo ra sự liên kết tuyến”- bà Ngọc Anh chia sẻ.

Đồng quan điểm, Tổng Giám đốc Công ty Du lịch Wonder tour Lê Công Năng bày tỏ, để thu hút du khách đến với những địa danh lịch sử cách mạng, chúng ta cần nâng cấp và bảo tồn các cơ sở hạ tầng tại các địa danh lịch sử. Cải thiện hệ thống giao thông, biển chỉ dẫn và các dịch vụ phụ trợ như quán ăn, nhà nghỉ.

Cần xây dựng các câu chuyện hấp dẫn, video tài liệu và các chiến dịch truyền thông trực tuyến để thu hút sự quan tâm của du khách. Ngoài ra rất cần việc ứng dụng các không gian trải nghiệm ảo để du khách được tiếp cận gần gũi và sống động hơn với bối cảnh lịch sử.

Với những giải pháp đồng bộ cùng sự quan tâm đầu tư của các cấp từ trung ương đến địa phương, sự chung tay ủng hộ đầu tư của các doanh nghiệp, các đơn vị, các tổ chức, cá nhân hy vọng trong thời gian tới, ngành du lịch nói chung và du lịch gắn với các di tích lịch sử cách mạng nói riêng sẽ tiếp tục có những sáng tạo, đột phá để có thể hấp dẫn, thu hút sự quan tâm của đông đảo du khách trong nước cũng như bạn bè quốc tế, đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương.

Viện trưởng Viện phát triển du lịch châu Á Phạm Hải Quỳnh:

Chú trọng làm mới các sản phẩm

anh-1(1).jpg

Mặc dù thời gian gần đây, việc khai thác và phát triển du lịch tại những địa danh có di tích cách mạng đã có những cải thiện đáng kể, tuy nhiên, vẫn cần phải tiếp tục đầu tư, nâng cấp cơ sở hạ tầng du lịch, bổ sung các dịch vụ bổ trợ như lưu trú, trải nghiệm, ẩm thực… Và đặc biệt cần chú trọng hơn việc số hóa trong cách trình diễn và giới thiệu di tích.

Ngoài ra, các địa phương có thể tham khảo thêm các cách làm giúp du khách có thể trải nghiệm cuộc sống ở thời chiến tranh như ngủ hầm, ăn cơm nắm, chở xe thồ…để tăng thêm sức hấp dẫn cho điểm đến. Đồng thời, cần quảng bá mạnh mẽ hơn về giá trị lịch sử, văn hóa của những địa danh này thông qua các kênh truyền thông hiện đại. Đào tạo đội ngũ hướng dẫn viên chuyên nghiệp và năng động cũng đóng vai trò quan trọng trong việc thu hút du khách và tạo ra trải nghiệm du lịch đáng nhớ. Nhìn chung, các điểm đến vẫn chỉ được chuyển tải đến du khách qua tiếp cận hình ảnh, tư liệu, lời giới thiệu của hướng dẫn viên trong quá trình tham quan nên còn khá đơn điệu.

Muốn điểm đến ấn tượng thì việc tìm kiếm và định hình điểm đến với giá trị riêng biệt cùng với những dịch vụ phụ trợ có sức hút, phù hợp với không gian cũng như cảnh quan gắn liền với văn hóa, chắc chắn sẽ thu hút du khách tốt hơn.

PGS.TS Dương Văn Sáu - nguyên Trưởng Khoa Du lịch (Trường Đại học Văn hóa Hà Nội):

Đầu tư, khai thác giá trị các di tích cách mạng

anh-2.jpg

Cùng với sự quan tâm của các cấp, các ngành từ trung ương đến địa phương, có thể nói đến nay các hệ thống di tích lịch sử trên cả nước đã được đầu tư, tôn tạo. Tuy nhiên, cùng với bảo tồn, gìn giữ và phát huy giá trị của các di tích lịch sử Cách mạng, các địa phương cũng phải quan tâm đầu tư, khai thác và phát huy giá trị của nó trong phát triển du lịch. Có nghĩa là biến những giá trị cốt lõi thành giá trị gia tăng thông qua phát triển các dịch vụ thích hợp.

Một điểm đến là di tích lịch sử Cách mạng, có giá trị cốt lõi về lịch sử, văn hóa… thì những giá trị cốt lõi đó cần được phát triển thành những giá trị khác thông qua việc phát triển những dịch vụ du lịch phù hợp.

Chỉ khi các điểm đến đáp ứng được nhu cầu tốt nhất thì mới mong thu hút được đông đảo du khách, từ đó tạo ra những sản phẩm du lịch độc đáo, đặc sắc riêng của địa phương, góp phần tạo việc làm, nâng cao đời sống cư dân bản địa.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Du lịch từ di tích lịch sử cách mạng