Du lịch vùng đồng bằng sông Cửu Long: Liên kết để khai thác tối đa thế mạnh

T.Kiên-H.Tuấn 05/07/2022 12:03

Với những tiềm năng và thế mạnh của mình, vùng Đồng bằng sông Cửu Long có nhiều cơ hội để bứt phá về kinh tế - xã hội, đặc biệt là ngành công nghiệp không khói. Tuy nhiên, theo các chuyên gia kinh tế, ngoài việc hình thành, xây dựng các thế mạnh về du lịch, các địa phương trong vùng cần đẩy mạnh liên kết giữa các sản phẩm của địa phương, liên kết giữa các tỉnh, thành để khai thác tối đa các sản phẩm đặc thù tạo ấn tượng riêng.

Trải nghiệm cáp treo của Sun Group ngắm thị trấn Địa Trung Hải ở Phú Quốc từ trên cao.

Tiềm năng lớn

Thời gian qua nhiều địa phương trong vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đã phát huy tối đa các thế mạnh du lịch, đầu tư các sản phẩm du lịch đặc thù để thu hút khách. Tuy nhiên, ngoài việc thu hút khách du lịch, các địa phương cần tính toán việc giữ chân được khách để không chỉ đến một lần mà phải quay lại nhiều lần nữa. Chính vì vậy việc liên kết các địa phương, các sản phẩm du lịch là vấn đề sống còn đối với du lịch vùng ĐBSCL.

Các địa phương ở vùng ĐBSCL đang sở hữu nhiều lợi thế về du lịch tạo sự đa dạng về các sản phẩm thu hút du khách khắp cả nước tìm về. Cụ thể như TP Cần Thơ có du lịch sông nước, với chợ nổi Cái Răng hay các tua tuyến tham quan miệt vườn trên ghe xuồng. An Giang phát triển lợi thế về du lịch tâm linh với khu du lịch bà Chúa Xứ. Kiên Giang phát huy sản phẩm du lịch nghỉ dưỡng biển đảo với mệnh danh “Vịnh Hạ Long phương Nam” hay Đảo ngọc Phú Quốc và hàng chục hòn đảo phù hợp với du lịch nghỉ dưỡng. Trong khi đó, du khách đến với Cà Mau sẽ được tham quan các tua tuyến du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng gắn với hệ sinh thái rừng ngập mặn rất phong phú và đa dạng. Bạc Liêu đang nổi lên với loại hình du lịch tham quan điện gió hay tâm linh với khu du lịch mẹ Nam Hải hay nhà thờ Tắc Sậy (còn gọi là nhà thờ Cha Bửu Diệp)…

Mới đây, UBND tỉnh Cà Mau đã phê duyệt đề án phát triển Làng văn hóa du lịch Đất Mũi đến năm 2025, định hướng đến 2030. Làng văn hóa du lịch Đất Mũi nằm ở ấp Cồn Mũi thuộc Khu du lịch Đất Mũi (xã Đất Mũi, huyện Ngọc Hiển). Làng văn hóa du lịch Đất Mũi được bao quanh bởi hệ sinh thái rừng ngập mặn đặc trưng của vùng đất cuối trời. Tại đây rất nhiều hộ dân đã thâm nhập vào môi trường du lịch, chuyển từ nghề nông sang làm du lịch sinh thái.

Đến với Làng văn hoá du lịch Đất Mũi, ngoài hệ sinh thái ngập mặn đặc trưng, du khách sẽ được thưởng thức tại chỗ những loại thủy sản tươi ngon nổi tiếng của tỉnh Cà Mau như tôm sú, cua, cá thòi lòi,...

Để thu hút du khách, các hộ dân trong Làng văn hoá du lịch không ngừng sáng tạo, phát triển nhiều hoạt động trải nghiệm như giăng cá, đặt lợp cua, soi ba khía, xổ vuông bắt tôm… Những hoạt động này sẽ mang lại cho du khách trải nghiệm thú vị về đời sống sản xuất của người dân địa phương. Đề án phát triển Làng văn hoá du lịch Đất Mũi giai đoạn 2021-2025 và định hướng đến 2030 sẽ tạo điều kiện thuận lợi để huyện Ngọc Hiển phát huy những giá trị truyền thống văn hoá, điều kiện tự nhiên, tạo ra những nét đặc sắc riêng.

Theo số liệu thống kê của Sở Du lịch tỉnh Kiên Giang, tháng 6/2022, Kiên Giang ước đón 640,841 ngàn lượt khách đến tham quan, du lịch (tăng 19,3% so với tháng trước), trong đó khách quốc tế ước đón 8,154 nghìn lượt khách (giảm 17,5% so với tháng trước), tổng thu ước đạt 744 tỷ đồng (tăng 16,1% so với tháng trước). Lũy kế 6 tháng, Kiên Giang ước đón 3,495 triệu lượt khách, tăng 65,7% so với cùng kỳ, đạt 51,4% kế hoạch.

Ông Bùi Quốc Thái - Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Kiên Giang, cho biết thời gian qua ngành du lịch Kiên Giang đã và đang phấn đấu đưa du lịch Phú Quốc, Kiên Giang lên một tầm cao mới, với điểm đến trọng tâm là Phú Quốc và Hà Tiên.

Để có những thành công về du lịch, ngành du lịch tỉnh Kiên Giang phối hợp triển khai chương trình liên kết, hợp tác phát triển du lịch TP Hồ Chí Minh và 13 tỉnh ĐBSCL đến năm 2025. Tham gia tổ chức lễ đón nhận bằng di sản văn hóa phi vật thể quốc gia: Nghề thủ công truyền thống, tri thức dân gian, nghề nước mắm Phú Quốc. Đồng thời, nghiên cứu kế hoạch tổ chức sự kiện ngày hội du lịch và văn hóa ẩm thực Kiên Giang năm 2022. Bên cạnh đó phối hợp với các tỉnh, thành trong cả nước để phát triển du lịch mang tính chiến lược lâu dài.

Du khách đến tham quan khu Vinpearl Safari Phú Quốc.

Liên kết để giữ chân du khách

Nói về du lịch TP Cần Thơ PGS.TS Đào Ngọc Cảnh (Trường Đại học Cần Thơ) nhận định: Thực tế cho thấy sản phẩm du lịch Cần Thơ chưa được đầu tư để tạo ra các giá trị độc nhất. Vì vậy Cần Thơ chỉ là nơi trung chuyển để khách đến các điểm du lịch khác trong khu vực…

Đi sâu về giải pháp phát triển bền vững du lịch nông nghiệp ở Cần Thơ, ông Cảnh nêu ý kiến: Cần Thơ nên chú trọng những giá trị đặc trưng tiêu biểu để tạo điểm nhấn thu hút khách du lịch kết hợp xây dựng hình ảnh và thương hiệu điểm đến cho du lịch nông nghiệp. Cùng đó là đẩy mạnh thông tin, quảng bá du lịch nông nghiệp một cách bài bản, đồng bộ và hiệu quả, tránh tình trạng để nông dân tự tổ chức hoạt động này một cách riêng lẻ, rời rạc.

Cần nâng cao nhận thức của người dân và khách du lịch về phát triển du lịch theo hướng du lịch xanh, bền vững; đẩy mạnh khuyến khích người dân cải tạo cảnh quan môi trường xanh - sạch - đẹp như xây dựng hàng rào xanh, trồng hoa kiểng trang trí để tạo tiểu cảnh cho khách chụp hình lưu niệm, thiết kế cổng vào các điểm vườn độc đáo, “bắt mắt” hơn...

Cuối tháng 4 vừa qua, tỉnh Cà Mau đã ký kết chương trình hợp tác phát triển du lịch giữa 3 tỉnh Cà Mau - Bạc Liêu - Ninh Bình giai đoạn 2022-2025, trong đó xác định nhiều nội dung hợp tác cùng phát triển du lịch, góp phần triển khai thực hiện mở cửa lại hoạt động du lịch trên địa bàn tỉnh theo hướng kết nối, phát triển cùng với các tỉnh, thành trong cả nước để thu hút khách du lịch.

Theo Sở VHTTDL tỉnh Cà Mau, trong 6 tháng đầu năm, địa phương đón hơn 800 ngàn lượt khách trong và ngoài nước đến tham quan, nghỉ dưỡng tại các cơ sở lưu trú trên địa bàn tỉnh. Với kết quả khả quan, ngành du lịch Cà Mau phấn đấu đến cuối năm đạt 1,2 triệu lượt khách (tăng 78% so với cùng kỳ năm 2021), trong đó khách quốc tế 2.000 lượt, tổng doanh thu đạt 1.500 tỷ đồng; công suất sử dụng phòng đạt 60%. Trong lộ trình phục hồi du lịch, Cà Mau sẽ tổ chức nhiều hoạt động kích cầu thu hút khách du lịch trong các dịp Lễ 2/9, Tết Nguyên đán Quý Mão 2023 và nhân các sự kiện trong "Chương trình sự kiện Cà Mau - Điểm đến 2022" như: Ngày hội cua Cà Mau; Ngày Hội ẩm thực Đất Mũi; Chương trình cầu truyền hình Lễ Thượng cờ Độc lập; Giải Đất Mũi Marathon "Kết nối đường Hồ Chí Minh huyền thoại"...

Theo Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Du lịch ĐBSCL Lê Thanh Phong, các địa phương cần đẩy mạnh hơn nữa đa dạng hóa, nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch, trong đó tập trung khôi phục sản phẩm du lịch đường sông, du lịch gắn với khai thác hoạt động nông nghiệp, sinh thái; du lịch văn hóa miệt vườn; các sản phẩm du lịch nghỉ dưỡng và giải trí ven sông, nghỉ dưỡng biển đảo… Bên cạnh đó cũng cần có hình thức hỗ trợ kết nối các công ty lữ hành khai thác tối đa các điểm tham quan đơn lẻ trong khu vực thành những chương trình, tua tuyến tổng thể khám phá cả vùng nhằm đáp ứng tối đa nhu cầu du lịch, mang đến những trải nghiệm dài ngày, đa dạng hơn cho du khách.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Du lịch vùng đồng bằng sông Cửu Long: Liên kết để khai thác tối đa thế mạnh

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO