Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk hôm 13/7 cho biết, Liên minh châu Âu (EU) hoàn toàn tin tưởng vào phán quyết của Tòa Trọng tài thành lập theo Phụ lục VII Công ước của LHQ về Luật Biển 1982 trong vụ kiện giữa Philippines và Trung Quốc.
Phát biểu bên lề Hội nghị Thượng đỉnh EU-Trung Quốc diễn ra tại Bắc Kinh ngày 13/7, ông Tusk khẳng định, EU luôn đứng về phía luật pháp quốc tế. “EU sẽ tiếp tục lên tiếng ủng hộ việc tuân thủ luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước của LHQ về Luật Biển”- ông Tusk nói- “Chúng tôi ghi nhận phán quyết được Tòa Trọng tài Thường trực công bố ngày hôm qua. Tôi hy vọng phán quyết này sẽ được sử dụng để tạo ra xung lực tích cực giúp tìm kiếm giải pháp ngoại giao cho tranh chấp ở Biển Đông”.
Sau khi Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) công bố phán quyết cuối cùng về vụ Philippines kiện Trung Quốc, Ngoại trưởng Nhật Bản Fumio Kishida đã lên tiếng thúc giục các bên liên quan hãy tuân theo phán quyết của PCA. Chính phủ Nhật ủng hộ mạnh mẽ tầm quan trọng của luật pháp và việc sử dụng các biện pháp hòa bình, không sử dụng vũ lực hay cưỡng chế, trong việc tìm kiếm giải quyết tranh chấp hàng hải.
Phán quyết của PCA là cuối cùng và ràng buộc đối với các bên tranh chấp theo quy định của UNCLOS, các bên trong vụ trọng tài này phải tuân theo phán quyết. Nhật Bản hy vọng rằng, việc tuân thủ của các bên với phán quyết này cuối cùng sẽ dẫn đến việc giải quyết hòa bình các tranh chấp ở Biển Đông.
Còn Malaysia đã kêu gọi các bên liên quan tự kiềm chế nhằm tránh làm leo thang căng thẳng sau phán quyết của PCA. Trong một tuyên bố, Bộ Ngoại giao Malaysia cho rằng điều quan trọng là phải duy trì hòa bình, an ninh và ổn định bằng cách tự kiềm chế những hành động có thể làm phức tạp thêm tranh chấp hay làm leo thang căng thẳng và tránh đe dọa hoặc sử dụng vũ lực ở Biển Đông”. “Trung Quốc và tất cả các bên liên quan có thể tìm ra những cách thức mang tính xây dựng để phát triển các cuộc đối thoại, đàm phán và tham vấn một cách lành mạnh, trong khi duy trì tính thượng tôn pháp luật vì hòa bình, an toàn và an ninh của khu vực”.
Trong khi đó, tuyên bố của Bộ Ngoại giao Indonesia nêu rõ: “Indonesia kêu gọi tất cả các bên tuân thủ cam kết chung trong việc giữ gìn hòa bình, và thể hiện tình bằng hữu và quan hệ hợp tác. Indonesia sẽ tiếp tục khuyến khích việc thiết lập một khu vực hòa bình, tự do và trung lập trong khu vực”.
Ngoại trưởng Australia Julie Bishop cho rằng, “Chính phủ Australia kêu gọi Trung Quốc và Philippines tuân thủ phán quyết, hiện là phán quyết cuối cùng và có tính ràng buộc đối với cả hai bên. Đây là một cơ hội để các nước đến gần nhau hơn, và để tất cả các bên tuyên bố chủ quyền hướng tới đối thoại dựa trên cơ sở quyền hàng hải rõ ràng”.
Tương tự, Bộ Ngoại giao Ấn Độ tuyên bố: “Các tuyến đường biển thông qua Biển Đông đóng vai trò hết sức quan trọng đối với hòa bình, ổn định, thịnh vượng và phát triển. Là một nhà nước đã ký kết UNCLOS, Ấn Độ kêu gọi tất cả các bên tôn trọng UNCLOS, công ước vốn tạo ra trật tự pháp lý trên các vùng biển và đại dương”.