Sau hơn 10 năm thực hiện, Luật Du lịch 2005 đã nảy sinh nhiều bất cập do một số quy định không phù hợp với thực tiễn trong quá trình hội nhập quốc tế. Mới đây, Bộ VH-TT&DL đã chính thức hoàn thành Dự thảo Luật Du lịch sửa đổi, đăng tải trên trang thông tin của Tổng cục Du lịch để lấy ý kiến từ các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước. Tuy nhiên, dự thảo đang còn nhiều lỗ hổng.
Dự thảo Luật Du lịch sửa đổi còn quá nhiều lỗ hổng khi áp dụng vào thực tế.
Đại diện các công ty du lịch băn khoăn với dự thảo Luật Du lịch sửa đổi ở nội dung xếp hạng cơ sở lưu trú du lịch. Theo ông Nguyễn Quốc Thành - Phó Chủ tịch Hiệp Hội du lịch Việt Nam: tại Điều 71 về xếp hạng cơ sở lưu trú du lịch, thì ngoài Tổng cục Du lịch chủ trì, phối hợp với Sở Du lịch hoặc Sở VH-TT&DL thẩm định, nên có thêm thành viên của hiệp hội du lịch sở tại. Bởi các thành viên của hiệp hội chính là các doanh nghiệp cùng kinh doanh loại hình du lịch nên họ sẽ có những nhìn nhận và đánh giá phù hợp, góp phần xếp hạng các cơ sở lưu trú du lịch xác đáng hơn. Thời gian thẩm định cơ sở lưu trú cần được thực hiện 2 năm một lần để đảm bảo chất lượng dịch vụ.
Đồng quan điểm, ông Đinh Mạnh Thắng - Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Thừa Thiên – Huế cũng góp ý về nội dung đăng ký hạng, thời hạn công nhận hạng cơ sở lưu trú du lịch. Cụ thể với các cơ sở lưu trú từ 4 sao trở lên sẽ được công nhận hạng trong thời hạn 5 năm, đề nghị tăng thời gian tái thẩm định thành 5 năm.
Còn ông Nguyễn Tiến Đạt- Phó Giám đốc Công ty Du lịch Transviet lại băn khoăn việc đánh giá liệu có khó khăn giữa các loại hình khu du lịch khác nhau (thiên nhiên, văn hóa, vui chơi, giải trí…); giữa những khu du lịch của cộng đồng và của tư nhân; giữa khu du lịch có tính lịch sử và mới xây dựng; giữa khu du lịch có ý nghĩa nhưng không hấp dẫn du khách? Theo ông Đạt, việc xếp hạng khu du lịch này rất ít nước trên thế giới thực hiện. Các nước chủ yếu để cho du khách tự đánh giá.
Về vấn đề hướng dẫn viên du lịch (HDV). Theo Luật hiện hành,“hướng dẫn viên được hành nghề khi có thẻ hướng dẫn viên và có hợp đồng với doanh nghiệp lữ hành” (điều 73). Tuy nhiên, trên thực tế thì một hướng dẫn viên có thể cùng một lúc ký hợp đồng với nhiều doanh nghiệp lữ hành miễn là họ không vi phạm các điều khoản quy định trong nội dung của hợp đồng. Vì vậy, nội dung này còn có ý nghĩa gì khi họ là người hành nghề tự do chỉ nhận công việc theo từng đoàn khách cụ thể?
Đối với hướng dẫn viên du lịch quốc tế phải có thêm các điều kiện “có trình độ cử nhân chuyên ngành hướng dẫn du lịch trở lên hoặc có bằng tốt nghiệp đại học và chứng chỉ chuyên môn nghiệp vụ hướng dẫn du lịch, sử dụng thành thạo ngoại ngữ”. Nhưng thực tế đang tồn tại trường hợp người có thẻ hướng dẫn viên du lịch quốc tế thì không hướng dẫn được khách quốc tế (do không xin được việc tại các doanh nghiệp lữ hành quốc tế); người có thẻ hướng dẫn viên du lịch nội địa đôi khi được hướng dẫn khách quốc tế… dẫn đến những trường hợp hành nghề trái qui định.
Theo ông Nguyễn Văn Mỹ- Uỷ viên BCH, Trưởng ban HDV Hiệp hội lữ hành Việt Nam: Cần ban hành qui chuẩn chung về đào tạo HDV. Giao việc cấp thẻ HDV cho Hiệp hội lữ hành và các trường đào tạo. Nhà nước chỉ làm nhiệm vụ quản lý và giám sát, không ôm đủ thứ như hiện nay. HDV là nghề, nên thẻ HDV có thể bị thu hồi nếu vi phạm hoặc 5 năm không hành nghề. Kiểm tra 5 năm một lần, để gia hạn, không cần cấp thẻ mới tốn kém.
Như vậy, chỉ với một vài đóng góp của giới chuyên môn đã cho thấy để có một dự thảo Luật Du lịch sửa đổi hoàn thiện còn có quá nhiều điều phải làm.Và thời hạn 60 ngày lấy ý kiến đã hết, nhưng nên thực hiện với phương châm: chậm mà chắc vẫn hơn!