Dự thảo Luật Thuế xuất, nhập khẩu: Quan tâm đối tượng yếu thế

T.Dương 22/09/2015 09:05

Đó là vấn đề được nhiều ĐB đặt ra khi Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về Dự thảo Luật Thuế xuất khẩu, Thuế Nhập khẩu sửa đổi diễn ra ngày 21/9.

Sản xuất linh kiện điện tử.

Lo nhóm yếu thế

Nhóm yếu thế ở đây chính là nông nghiệp và công nghiệp phụ trợ. Và đó cũng là điều được các vị ĐB băn khoăn lo lắng. Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc bày tỏ băn khoăn khi Luật giữ nguyên thuế đối với linh kiện, chi tiết bộ phận rời tạo điều kiện cho nhập khẩu linh kiện này. Theo ông Phúc như vậy sẽ hạn chế sản xuất trong nước phát triển.

“Ta mà giữ cái này là giết chết công nghiệp phụ trợ”-ông Phúc bày tỏ. Phân tích thêm, việc miễn thuế nhập khẩu với cây trồng, vật nuôi, phân bón, ông Phúc đề nghị, cần nghiên cứu để thuế tạo đòn bẩy thúc đẩy sản xuất trong nước.

Trong khi đó, Chủ nhiệm Uỷ ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội Trương Thị Mai đề nghị cần đánh giá sâu hơn về tác động xã hội, đặc biệt với một số ngành yếu thế như nông nghiệp hay công nghiệp phụ trợ và nhấn mạnh: “Trong vòng 10 năm tới mức độ tự do hóa thương mại sẽ đi nhanh và ở mức cao, vì chúng ta đang hội nhập sâu nên cần đánh giá sâu sắc hơn tác động của Luật đến đời sống kinh tế- xã hội. Giảm thuế cho hàng hóa vào tự do thì người tiêu dùng được lợi, nhưng một số ngành như nông nghiệp sẽ đối mặt với khó khăn trong nhiều năm tới”.

Đồng quan điểm, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Ksor Phước cho rằng, Luật phải tính đến 3 lợi ích là: Người dân, doanh nghiệp và Nhà nước. Ông Phước cũng băn khoăn về một số thuế phải miễn bởi nghe đơn giản nhưng đi vào chi tiết có rất nhiều vấn đề vì liên quan đến hiệp định thương mại mà ta ký kết với các nước khác. “Do đó ta cần quan tâm đến đối tượng yếu thế bị tác động thế nào? Bởi suy cho cùng là Nhà nước phải chịu vì Nhà nước không thể để dân khổ. Vì vậy cần tính toán để tăng cường “sức khỏe” của nhóm yếu thế -ông Phước chỉ rõ.

Quy định rõ ràng minh bạch hơn về miễn thuế

Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga đề nghị cần quy định rõ ràng và minh bạch hơn về miễn thuế. Bà Nga đề nghị: “Việc cho tạm nhập tái xuất đối với mặt hàng nào thì phải căn cứ vào quy định của quốc tế, nhất là Công ước Kyoto. Cần kiểm tra lại xem có đúng là việc tạm nhập tái xuất đối với các mặt hàng lỏng như xăng dầu thời gian qua bị lách luật, tạm nhập và cho bán trong nước có gây thất thu cho ngân sách và ảnh hưởng đến sản xuất trong nước hay không?”.

Nhấn mạnh việc Luật này được thông qua ngay trong 1 kỳ họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị cần rà soát đúng với tinh thần Hiến pháp và phù hợp với luật chuyên ngành khác có liên quan. Theo Phó Chủ tịch Quốc hội, cần bảo đảm tính chặt chẽ, bảo đảm minh bạch rõ ràng về thuế, chính sách thuế, đánh giá kỹ hơn về tác động đến thúc đẩy nền kinh tế và hội nhập kinh tế quốc tế, đặc biệt là vấn đề tăng giảm thu ngân sách khi Luật có hiệu lực thi hành.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đề nghị, phải quan tâm để có giải pháp hỗ trợ ngành nông nghiệp và công nghiệp phụ trợ. “Nói sẽ dùng Nghị định để khắc phục nhưng Nghị định sao bằng Luật được. Tôi nhớ từ lúc tôi còn ở bên Chính phủ cho đến nay đã 3 lần ra nghị định đưa doanh nghiệp về nông thôn nhưng đưa không nổi vì vướng các luật khác. Do đó, Luật này phải tính thế nào vì hội nhập cần sức bên trong phải khoẻ, thuế khoá cứ theo làm mãi thì làm sao khoẻ lên được”-Chủ tịch Quốc hội lưu ý.

Dự toán, thẩm định, phê duyệt tổng mức đầu tư chưa sát với thực tiễn
Cùng ngày, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về phương án sử dụng vốn TPCP còn dư của các dự án cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 1A và đường Hồ Chí Minh đoạn qua Tây Nguyên, Theo Báo cáo số 348/BC-CP của Chính phủ thì sau khi hoàn thành các dự án cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 1A và đường Hồ Chí Minh đoạn qua Tây Nguyên sẽ tiết kiệm được 14.259/61.680 tỷ đồng vốn TPCP đã được phân bổ theo Nghị quyết số 65/2013/QH13 của Quốc hội. Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội bày tỏ quan điểm đánh giá cao việc Chính phủ, Bộ Giao thông-Vận tải trong quá trình thực hiện dự án đã rà soát tiêu chuẩn kỹ thuật, kiểm soát chi phí, chất lượng, đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng và thi công dự án nên đã tiết kiệm chi dự phòng dẫn tới dư nguồn vốn so với số tổng vốn đã được bố trí. Đây có thể coi là kết quả tốt trong thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong đầu tư xây dựng cơ bản bằng nguồn vốn TPCP.

Tuy nhiên, theo ông Phùng Quốc Hiển, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội thì một số ý kiến cho rằng, tỷ trọng vốn dư lớn so với tổng vốn được bố trí dư 22% phần nào thể hiện việc lập dự toán, thẩm định, phê duyệt tổng mức đầu tư chưa sát với thực tiễn.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Dự thảo Luật Thuế xuất, nhập khẩu: Quan tâm đối tượng yếu thế