Dự kiến vào cuối tháng 2/2017, bộ Quy tắc ứng xử nơi công cộng trên địa bàn TP Hà Nội sẽ được ban hành. Tuy nhiên, mới đây Sở VH-TT Hà Nội lại một lần nữa phải lấy ý kiến các chuyên gia và người dân bởi những tranh luận về tính khả thi của Dự thảo.
Thiếu nữ Hà Nội trong trang phục áo dài.
Gần 20.000 ý kiến đóng góp
Cụ thể, Dự thảo đưa ra lấy ý kiến hiện có 4 chương, 14 điều, trong đó quy tắc ứng xử nơi công cộng tập trung tại chương II Quy tắc ứng xử chung và chương III Quy tắc ứng xử tại một số nơi công cộng cụ thể.
Mục đích của việc Quy tắc ứng xử nơi công cộng khi đưa vào thực hiện nhằm từng bước xây dựng, hình thành những chuẩn mực đạo đức, điều chỉnh lời nói, thái độ, hành vi của cá nhân, tổ chức nơi công cộng trên địa bàn TP Hà Nội, xây dựng một thành phố thanh lịch, văn minh.
Sau thời gian lấy ý kiến rộng rãi, Sở VH-TT Hà Nội nhận được gần 20.000 ý kiến đóng góp của người dân vào Bộ quy tắc ứng xử nơi công cộng. Trong đó, đại đa phần những góp ý cho rằng về chủ trương đây là việc làm đúng đắn và cần thiết. Đặc biệt, với các quy tắc “không nên làm” đã nhận được nhiều ý kiến phân tích cụ thể.
Rất nhiều người bày tỏ quan điểm Hà Nội hôm nay đang có nhiều hành vi không đẹp, bị rơi rớt nhiều những giá trị văn hóa, cũng như nét đẹp của hành vi văn hóa xưa. Xã hội ngày một phát triển, vậy mà với nhiều người Hà Nội hiện nay chỉ ao ước văn hóa Hà Nội “bao giờ cho đến ngày xưa”.
Các ý kiến còn băn khoăn thì cho rằng, bộ quy tắc có nhiều vấn đề chung chung, khó hiểu và khó thực thi. Như quy tắc ứng xử chung có đề nghị không mặc trang phục hở hang, gây phản cảm nhưng khó định nghĩa được thế nào là hở hang; ở nhà hàng, quán ăn, các điểm vui chơi, tham quan không thể quy định mặc giống ở các cơ sở tín ngưỡng tôn giáo, bảo tàng, thư viện. Hay quy tắc tại các trung tâm thương mại, chợ, siêu thị không nên mua bán hàng giả, hàng kém chất lượng, vậy làm cách nào để người dân nhận biết được hàng giả, hàng kém chất lượng để tránh.
Ngoài ra, dù những điều trong bộ Quy tắc đã được quy định đã được đơn giản hóa vấn đề nhưng ở những quy định về khen thưởng, xử phạt lại không cụ thể. Nhiều người cũng chỉ ra, khi nêu nguyên tắc chung, Dự thảo phải có giải thích, cụ thể hóa để tương đồng với từng quy tắc một. Hiện nay, Dự thảo chưa có sự giải thích và trong biên soạn còn dùng thuật ngữ không được cụ thể hóa nên xảy ra tình trạng các quy tắc còn mâu thuẫn nhau, nhiều từ ngữ khó hiểu…
Không nên là quy định dập khuôn
TS Nguyễn Viết Chức- Phó chủ nhiệm Hội đồng tư vấn Văn hóa - Xã hội của UBTƯ MTTQ Việt Nam hết sức ủng hộ việc ra đời bộ Quy tắc ứng xử nơi công cộng. Nhưng theo ông, giữa việc ban hành và thực hiện như thế nào mới là vấn đề. Việc quy định một bộ quy tắc ứng xử cho hàng triệu người là rất khó và hết sức thông cảm cho những người thực hiện công việc này.
Nhưng khó như vậy thì những người thực hiện cũng nên có sự thận trọng và cũng không nên quá sa đà vào các chi tiết cụ thể, tỉ mỉ. Các quy tắc chỉ cần phù hợp và mang tính hướng dẫn với thuần phong mỹ tục của văn hóa Việt Nam. Ngoài ra, hiện nay Việt Nam đã hội nhập quốc tế cũng nên có những quy định phù hợp với thông lệ thế giới.
Còn nhiếp ảnh gia Nguyễn Hữu Bảo lại đưa ra quan điểm hoàn toàn khác. Ông cho đây là việc hoàn toàn không cần thiết, nếu triển khai rất khó khả thi. Bởi với ông không thể dạy nhau cách ứng xử nơi công cộng mà là cách thẩm thấu của từng con người. Ở đó, mọi hành động ứng xử sẽ thể hiện thông qua những hành động cụ thể chứ không thể dập khuôn theo một quy tắc, quy chuẩn nhất định.
Ngoài ra, một số nhà nghiên cứu cho rằng, khi xây dựng Thủ đô Hà Nội thành một thành phố biểu trưng về mọi phương diện văn hóa của quốc gia Việt Nam, phải đặt Thủ đô trong mối tương quan văn hóa với tổng thể đất nước. Tuy nhiên, ở bộ quy tắc ứng xử này ngay từ đầu đã không đặt văn hóa Hà Nội là văn hóa của một Thủ đô hòa vào văn hóa đất nước. Mối liên quan văn hóa này lẽ ra phải đặt lên hàng đầu và phải trở thành cơ sở văn hóa cho việc xây dựng bộ Quy tắc ứng xử nơi công cộng của Hà Nội.
Trước những ý kiến phản biện trên, TS. Đào Ngọc Nghiêm- thành viên Hội đồng phản biện Quy tắc ứng xử nơi công cộng trên địa bàn TP. Hà Nội cho rằng: Xây dựng hành vi ứng xử chuẩn mực không chỉ riêng cho người dân Hà Nội mà hành vi này sẽ được cả nước và bạn bè thế giới nhìn vào. Nói cách khác, nó sẽ trở thành mẫu mực chung cho cả nước, tạo thiện cảm và sức hút đối với bạn bè quốc tế.