Thủ tướng cho biết, trước đây chúng ta xác định an ninh quốc phòng là thường xuyên, trọng yếu thì lần này bổ sung thêm đối ngoại cũng là thường xuyên, trọng yếu.
Ngày 16/4, Bộ Chính trị, Ban Bí thư tổ chức Hội nghị toàn quốc quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 11 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII.
Tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính quán triệt Chuyên đề “Về các dự thảo Văn kiện trình Đại hội XIV của Đảng: Những điểm mới trong Tổng kết một số vấn đề lý luận và thực tiễn về công cuộc đổi mới theo định hướng xã hội chủ nghĩa trong 40 năm qua ở Việt Nam; Những điểm mới trong dự thảo Báo cáo tổng kết công tác xây dựng Đảng và thi hành Điều lệ Đảng trình Đại hội XIV của Đảng; Những điểm mới trong dự thảo Báo cáo chính trị trình Đại hội XIV của Đảng; Những điểm mới trong dự thảo báo cáo 5 năm thực hiện chiến lược phát triển kinh tế, xã hội 10 năm 2021 - 2030; phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội 5 năm 2026 - 2030”.
Về các điểm mới, Thủ tướng cho biết, từ hội nghị Trung ương 10 đến hội nghị Trung ương 11 có rất nhiều điểm mới trong và ngoài nước. Ở ngoài nước thì tình hình thế giới diễn biến nhanh, khó lường và định đoán, phân cực, đa dạng các hoạt động của các tổ chức. Còn ở trong nước đã làm rất nhiều việc trong thời gian rất ngắn để triển khai thực tiễn. Đó là: cuộc cách mạng về tổ chức bộ máy hiện nay chúng ta đang làm; đẩy mạnh khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số; đẩy mạnh hội nhập quốc tế trong điều kiện mới; tình hình phát triển hiện nay đang đặt ra “2 mục tiêu 100 năm”. Xác định tăng trưởng kinh tế 6-7%, phấn đấu hơn 7% nhưng như thế rất khó đạt được “2 mục tiêu 100 năm”. Do đó phải chuyển hướng sang tăng trưởng cao hơn, cụ thể là ngay năm 2025 tăng trưởng cao hơn 8%, những năm tiếp theo phải tăng trưởng “2 con số” để chúng ta đạt “2 mục tiêu 100 năm”.
Thủ tướng cũng thông tin, Bộ Chính trị đang chỉ đạo, xác định phát triển kinh tế tư nhân. Vừa qua hội nghị Trung ương 11 đã xác định kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng nhất để phát triển kinh tế. “ 5 nội dung này đòi hỏi chúng ta phải bổ sung hoàn thiện vào các văn kiện. Đó là tính kịp thời, chỉ đạo của Bộ Chính trị, Trung ương, xuất phát từ thực tiễn, tôn trọng thực tiễn khách quan. Điểm mới đó thể hiện sự kịp thời, nhanh nhẹn, nhạy bén của Đảng ta”, Thủ tướng nói.
Theo Thủ tướng, Tổng Bí thư đã chỉ đạo các tiểu ban cập nhật tình hình, về hình thức thì rút gọn các văn kiện, ít nhất là 30%, văn kiện thể hiện tính chiến đấu, khả thi, và sát thực cao hơn, quyết tâm mạnh mẽ hơn.
Bên cạnh sự chuẩn bị của Bộ Chính trị, Ban Bí thư thì có 538 lượt ý kiến, thời gian ngắn nhưng Trung ương thảo luận rất sôi nổi, xây dựng, thực tiễn.
Về dự thảo Văn kiện trình Đại hội XIV của Đảng: Những điểm mới trong Tổng kết một số vấn đề lý luận và thực tiễn về công cuộc đổi mới theo định hướng xã hội chủ nghĩa trong 40 năm qua ở Việt Nam, theo Thủ tướng điểm mới là đã bổ sung bối cảnh cho phù hợp với tình hình đang diễn ra trong và ngoài nước; tiếp tục hoàn thiện CNXH và con đường đi lên CNXH dựa vào 3 trụ cột chính là dân chủ, xây dựng nền dân chủ XHCN để phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc; tiếp tục hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN do dân, vì dân, của dân, gần dân, sát dân, và hiểu dân; xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng XHCN có sự quản lý của Nhà nước, lãnh đạo của Đảng và phát huy tinh thần làm chủ của nhân dân.
Xuyên suốt trong 3 trụ cột này, Thủ tướng nhấn mạnh lấy người dân làm trung tâm, lấy con người làm trung tâm cho nên không hy sinh công bằng tiến bộ xã hội, không hy sinh an sinh xã hội để chạy theo tăng trưởng đơn thuần, tăng trưởng phải nhanh, bền vững.
Bên cạnh đó, tiếp tục làm mới lại những cái chúng ta đã xác định. Đó là xây dựng Đảng trong sạch vững mạnh, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức Đảng, đảng viên bằng các biện pháp mới và tư duy mới. Kinh tế vẫn là trung tâm, tiếp tục đẩy mạnh 3 đột phá chiến lược, phát triển nhanh, bền vững. Bền vững là phải giữ được ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, nợ công, nợ Chính phủ, nợ nước ngoài, bội chi ngân sách được kiểm soát. Về đối ngoại vẫn kiên trì đường lối đối ngoại độc lập tự chủ, đa dạng hoá, đa phương hoá, và tích cực chủ động hội nhập quốc tế thực chất và hiệu quả, là bạn bè tốt, đối tác tin cậy với tất cả các nước trên thế giới. “Trước đây chúng ta xác định an ninh quốc phòng là thường xuyên, trọng yếu thì lần này chúng ta bổ sung thêm đối ngoại cũng là thường xuyên, trọng yếu”, Thủ tướng cho hay.
Về an ninh quốc phòng, Thủ tướng thông tin vẫn xác định là thường xuyên, trọng yếu nhưng bổ sung thêm xây dựng nền quốc phòng toàn dân, xây dựng thế trận an ninh nhân dân, đặc biệt là xây dưng thế trận lòng dân vững chắc. Triển khai chính quyền 2 cấp, sát dân, gần dân thêm cũng là phục vụ an ninh quốc phòng, xây dựng thế trận lòng dân vững chắc hơn.
Về văn hoá theo Thủ tướng, chúng ta tiếp tục xác định làm mới thêm vấn đề văn hoá. Văn hoá là sức mạnh nội sinh, văn hoá soi đường cho quốc dân đi, văn hoá còn thì dân tộc còn, văn hoá mất thì dân tộc mất. Tiếp tục thúc đẩy xây dựng công nghiệp văn hoá, công nghiệp giải trí, và nhấn mạnh người dân phải được hưởng thụ văn hoá, sản phẩm văn hoá của Đảng, Nhà nước ta.
Về an sinh xã hội xuyên suốt là không hy sinh công bằng tiến bộ xã hội, chính sách xã hội chính là công bằng tiến bộ xã hội, tiếp cận bình đẳng giáo dục, y tế, các quyền lợi về xã hội khác. Quan tâm tới nhân dân ở vùng biên giới, hải đảo, vùng xa, vùng sâu, dân tộc ít người, chăm lo cho người nghèo, người yếu thế, người có công với cách mạng, gia đình có công với cách mạng theo tinh thần không để ai bị bỏ lại phía sau.