Đua bò ở Bảy Núi

Phan Thu Hồng (sưu tầm) 15/04/2021 15:00

Hàng năm, mỗi khi nước lũ tràn về, cùng với niềm vui đón Tết Đôn-ta, đồng bào dân tộc Khmer vùng Bảy Núi (tỉnh An Giang) lại háo hức chờ đợi lễ hội đua bò.

Từ xa xưa, người Khmer An Giang sống theo phum sóc quanh chân núi. Hầu hết bà con đều làm ruộng và bò là con vật cày kéo nên được nuôi nấng, chăm sóc rất kỹ. Chuyện xưa kể rằng, có những chiều cày ruộng xong sớm, một số chủ bò cao hứng rủ nhau bắt cặp đua chơi, từ từ trở thành lễ hội.

Cho bò uống nước tăng lực trước khi đua.

Nhưng, với nhiều người thì lễ hội này có một nguồn gốc khác. Hằng năm các đôi bò trong phum sóc đều kéo nhau đến cày bừa cho đất của chùa. Sau những buổi cày bừa các đôi bò lại rủ nhau đua. Sư Cả chùa và A-cha thấy vậy nên đã đứng ra tổ chức và treo giải thưởng là những sợi dây nài khớp bạc hoặc những vòng lục lạc đẹp mắt. Từ đó đua bò trở thành tập quán của người Khmer Bảy Núi vào dịp Tết Đôn-ta hằng năm, khoảng cuối tháng 8 đầu tháng 9 âm lịch.

Với bà con ở đây, bò là vật nuôi rất gần gũi, thân thiết. Bò là “lực lượng lao động chính” của mỗi hộ gia đình. Nhưng không chỉ vậy, bò còn được chăm sóc kỹ lưỡng để chuẩn bị cho những cuộc đua. Bò đua phải là bò ta, có dáng hình cao ráo, chân cứng, móng chân nhỏ vừa thon thả, gân to, thịt săn chắc…

Bà con cho biết, việc chăm sóc rất kỳ công. Những con bò được chọn đua thì trước đó một tháng sẽ được nuôi ở nơi thoáng mát, thức ăn phải là loại cỏ đặc biệt, nước uống phải là nước sạch pha cám. Tối đến, người chủ lại cho chúng ăn phụ thêm một mẻ cháo loãng. Chừng một tuần trước khi vào cuộc đua, bò được cho ăn tiêu chuẩn đặc biệt để có thêm sức vóc. Nhiều chủ bò còn cho chúng ăn thêm cả trứng gà, trứng vịt để có sức khỏe thật tốt.

Muốn được tham dự cuộc đua bò cấp tỉnh, các cặp bò phải chiến thắng ở các cuộc đua cấp xã rồi qua cấp huyện. Lên tới cấp tỉnh thì phải là những cặp bò sức vóc nhất, xuất sắc nhất và những người điều khiển bò phải là những người thuần thục nhất. Thường một cuộc đua cấp tỉnh có từ 70 đến 80 cặp bò. Tại tỉnh An Giang thì các huyện Tịnh Biên, Tri Tôn, Châu Phú, Châu Thành, Thoại Sơn có nhiều bò tham dự đua nhất.

Trước khi vào cuộc đua, những chú bò đều được chủ nhân tắm sạch sẽ, cho “ăn mặc” đẹp mắt với cặp lục lạc vàng sáng rung reng tiếng nhạc. Những cặp sừng được bọc trong bao vải sặc sỡ. Lúc ấy, cả chủ và bò mới kiêu hãnh bước vào trường đua.

Là một lễ hội văn hóa-thể thao xuất phát từ những người nông dân chân lấm tay bùn nên “trường đua” thực ra là một khoảnh ruộng bằng phẳng, chiều dài chừng 200m, ngang 100m, có nước xâm xấp, được xới nhiều lần để tạo độ trơn của bùn, bốn bên có bờ bao và điểm đích có đoạn đường trống để làm độ dừng an toàn cho bò. Nơi xuất phát được cắm 2 cây cờ màu xanh, đỏ mỗi cây cách nhau 5m và tại điểm đích cũng vậy. Đôi bò nào đứng ở vị trí cây cờ màu gì thì điểm đích cũng theo màu của cây cờ đó.

Thể thức đua bò là bắt thăm chọn ra từng cặp đấu và được sắp theo thứ tự đôi trước đôi sau. Người ta dùng bừa làm chỗ để “tài xế” đứng điều khiển. Đua theo hai vòng. Vòng một gọi là vòng “hô”, là vòng để làm nóng cho bò đi hai vòng quanh trường đua. Vòng sau gọi là vòng “thả”, khi đến điểm xuất phát, “tài xế” dùng roi kích vào mông bò và bò bắt đầu vận hết sức lực để băng về đích...

Trong “vòng thả”, những chú bò hàng ngày vẫn đủng đỉnh thì bất chợt lao nhanh, có thể lên tới 80 đến 90 km/giờ).

Trong quan niệm của người Khmer Nam bộ, đôi bò thắng giải mang đến cho cả phum sóc nhiều niềm vui, may mắn để có một vụ mùa bội thu. Sau cuộc đua, người ta không giết cũng không bán mà tiếp tục chăm nuôi cặp bò như một tài sản quý báu của gia đình và phum sóc; nhất là với những cặp bò thắng cuộc.

Trong tất cả các lễ hội của đồng bào dân tộc Khmer ở vùng Bảy Núi (An Giang), thì lễ hội đua bò là một trong những lễ hội được bà con hâm mộ nhất. Khi con nước thượng nguồn sông Mê Kông cuồn cuộn đổ về mang phù sa vun bồi cho Đồng bằng sông Cửu Long đó cũng chính là lúc đồng bào náo nức đón lễ Đôn-ta. Và trong mùa Đôn-ta, người ta lại chờ đón ngày hội đua bò.

Lễ hội đua bò Bảy Núi thu hút đông đảo người dân.

Trong cuộc đua, có một quy định là nếu đôi bò nào chạy tạt ra khỏi đường đua sẽ bị loại và đôi bò sau giẫm lên giàn bừa của đôi bò trước là thắng cuộc. Còn người điều khiển phải đứng thật vững nếu bị ngã hoặc rơi ra khỏi giàn bừa coi như thua cuộc.

Từng đôi bò được ách vào một chiếc bừa đặc biệt, gọng bừa là bàn đạp gồm một tấm gỗ rộng 30 cm, dài 90 cm, bên dưới là răng bừa. Người điều khiển bò cầm roi mây hoặc khúc gỗ tròn vừa tay độ 3 cm, đầu có tra cây đinh nhọn (gọi là cây xà-lun). Khi bắt đầu lệnh xuất phát của trọng tài, người điều khiển chích mạnh cây xà-lun vào mông con bò, nó bị đau nên lập tức phóng nhanh về phía trước. Nhưng điều quan trọng nhất là phải chích cho đều cả hai con để chúng đạt vận tốc như nhau mới hy vọng chiến thắng. Và đây chính là “điểm cộng” hoặc “điểm trừ” với những người điều khiển cặp bò trên đường đua.

Đua bò Bảy Núi (An Giang) là lễ hội văn hóa dân gian nhiều màu sắc, xuất phát từ phương thức canh tác nông nghiệp, đề cao nghề làm ruộng cũng như tinh thần thể thao. Người ta nói rằng, trong mùa Đôn-ta của đồng bào Khmer Nam bộ, khi mà mọi người đang chuẩn bị nếp mới làm bánh cúng tổ tiên, báo hiếu ông bà, khi trai gái trong làng chuẩn bị trang phục mới vui vầy bên điệu múa Lâm-vông, hát a-day và xem sân khấu truyền thống Dù-kê, Rô-băm… thì bà con còn có một niềm vui nữa: Đó là lễ hội đua bò Bảy Núi (An Giang).

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Đua bò ở Bảy Núi