Chuyển đổi số là một trong những biện pháp cần thiết để bảo tồn và phát huy giá trị của di sản văn hóa (DSVH) trên không gian mạng. Qua đó, đưa di sản đến gần hơn với cộng đồng, góp phần tạo điều kiện thuận lợi cho việc nghiên cứu, học tập và thưởng thức di sản một cách linh hoạt và hiệu quả.
Đến làng cổ Đường Lâm nay... rất khác
Theo thống kê của Cục DSVH đến tháng 12/2023, kết quả kiểm kê trên cả nước hiện có khoảng 40.000 di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh, gần 65.900 DSVH phi vật thể của 63 tỉnh, thành phố; 130 di tích quốc gia đặc biệt, 3.620 di tích quốc gia, hơn 10.000 di tích cấp tỉnh, 562 DSVH phi vật thể trong danh mục DSVH phi vật thể quốc gia, 294 bảo vật quốc gia, 200 bảo tàng với hơn 4 triệu hiện vật.
Đặc biệt, Việt Nam có 8 DSVH và thiên nhiên tiêu biểu đã được UNESCO ghi vào danh mục DSVH thế giới theo Công ước UNESCO 1972 về Bảo vệ DSVH và thiên nhiên thế giới, 15 DSVH phi vật thể được UNESCO ghi danh... Với kho tàng DSVH quý giá và đồ sộ như vậy, việc ứng dụng công nghệ số sẽ là một trong các biện pháp cần thiết để bảo tồn và phát huy giá trị DSVH dân tộc trên không gian mạng, phù hợp với xu hướng thưởng thức các giá trị văn hóa của nhân dân và bạn bè quốc tế trong tình hình mới.
Thời gian qua, nhiều đơn vị đã tích cực ứng dụng công nghệ số trong bảo tồn và phát huy giá trị di sản, góp phần thu hút du khách đến tham quan và trải nghiệm.
Đường Lâm là một trong những ngôi làng cổ được xếp hạng di tích cấp quốc gia, hiện đã và đang có những hoạt động tích cực trong chuyển đổi số. Khi đến với làng cổ Đường Lâm, du khách sẽ được khám phá nơi đây thông qua một ứng dụng trên điện thoại của mình. Ứng dụng sẽ vẽ đường đi từng trạm, khi đến đúng điểm, du khách sẽ được ứng dụng giới thiệu thông tin về di sản đó. Đồng thời, du khách sẽ được gửi đến các nhiệm vụ, thử thách gắn với các sản phẩm đặc trưng của điểm đến và từ những câu hỏi, người chơi sẽ phải trả lời để tính điểm…
Trưởng ban Quản lý di tích làng cổ Đường Lâm Nguyễn Đăng Thạo cho biết: Game hóa di sản mở ra cách tiếp cận mới, phù hợp với các bạn trẻ. Trong thời gian tới chúng tôi sẽ tập trung, xây dựng các sản phẩm game thông qua những giá trị di sản truyền thống. Qua đó cung cấp cho du khách trải nghiệm mới mẻ nhất khi đến làng cổ Đường Lâm.
Trước đó, Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội là đơn vị tiên phong xây dựng các sản phẩm, dịch vụ công nghệ tiện ích mang đến những trải nghiệm hoàn hảo nhất cho du khách. Với việc triển khai xây dựng ứng dụng trên điện thoại di động thuyết minh hướng dẫn tham quan tại khu di sản, đã phát huy mọi lợi thế trình diễn đa phương tiện. Khi người dùng tải về điện thoại cá nhân, họ có thể đọc nội dung diễn giải, xem các hình ảnh minh hoạ và đặc biệt được xem nội dung hướng dẫn tham quan dưới dạng video chứ không chỉ ở dạng nghe đơn thuần.
Còn tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám, bằng việc sử dụng công nghệ 3D Mapping, phối hợp cùng kỹ thuật dàn dựng ánh sáng và âm thanh chuyên nghiệp, tour du lịch đêm tại di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám đã mang lại cho khách tham quan nhiều trải nghiệm mới lạ, khó quên khi toàn bộ không gian di tích được biến hóa bởi hệ thống ánh sáng và công nghệ 3D Mapping, tạo nên một diện mạo mới, lung linh huyền ảo, nhiều cảm xúc.
Theo TS Chu Thu Hường - Viện Bảo tồn di tích (Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch), đối với di sản, chuyển đổi số chính là cầu nối hữu ích đưa các di sản đến gần hơn với cộng đồng, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, thúc đẩy sự phát triển của công nghiệp văn hóa.
“Số hóa DSVH mang lại nhiều lợi ích cho việc bảo tồn và truyền đạt DSVH. Việc chuyển đổi thông tin thành dạng số hóa giúp bảo vệ di sản trước những mối đe dọa như sự hao mòn, hư hỏng và phá hủy, đồng thời giúp tăng cường khả năng truy cập và sử dụng thông tin về di sản từ xa, tạo điều kiện thuận lợi cho việc nghiên cứu, học tập và thưởng thức di sản một cách linh hoạt và hiệu quả” - TS Hường cho biết.
Tạo cơ chế để khuyến khích
ThS Hoàng Như Hoa - Phó Chủ tịch Tập đoàn Vietsoftpro đầu tư về công nghệ, cho rằng, số hóa di sản sẽ giúp tạo ra một hệ thống thông tin mạnh mẽ, hỗ trợ việc quản lý, bảo tồn và phát triển các giá trị văn hóa hiệu quả. Điều này không chỉ giúp bảo vệ di sản cho thế hệ mai sau mà còn tạo ra những cơ hội kinh doanh mới, thúc đẩy sự phát triển của nền kinh tế sáng tạo. Đồng thời còn cho phép các nhà nghiên cứu, nghệ sĩ và doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận nguồn tài nguyên văn hóa. Từ đó sáng tạo ra các sản phẩm, dịch vụ mới, góp phần đưa văn hóa Việt Nam ra thế giới.
Không chỉ riêng Hà Nội, tới nay, một số tỉnh thành như TPHCM, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Ninh... đã thực hiện công tác chuyển đổi số liên quan đến DSVH và du lịch một cách hiệu quả. Tuy nhiên, công tác chuyển đổi số ở một số địa phương vẫn còn ở mức nhỏ lẻ, tự phát, chưa đồng bộ và chưa xây dựng được hệ sinh thái phần mềm chung và hệ thống dữ liệu để áp dụng một cách liên tục.
Theo ThS Hoàng Như Hoa, thời gian gần đây, các cơ quan quản lý văn hóa đã và đang nỗ lực số hóa các DSVH, từ các di tích lịch sử, danh thắng, đến các giá trị văn hóa phi vật thể như lễ hội, nghệ thuật dân gian. Tuy nhiên quá trình này đòi hỏi nguồn lực lớn về tài chính, nhân lực và công nghệ, trong khi nhận thức và quan tâm của cộng đồng đối với việc số hóa di sản còn hạn chế...
Dưới góc nhìn của chuyên gia du lịch, ông Phạm Hải Quỳnh - Viện trưởng Viện Phát triển du lịch châu Á cho biết, mặc dù ngành công nghiệp game hóa di sản đang phát triển mạnh mẽ và mang lại nhiều tiềm năng, nhưng vẫn tồn tại những thách thức. Một trong những thách thức lớn nhất là việc đảm bảo tính chính xác và tôn trọng DSVH. Việc tái hiện di sản trong môi trường ảo đòi hỏi sự hiểu biết sâu sắc và tôn trọng văn hóa, lịch sử của địa phương. Ngoài ra, nguồn lực tài chính và công nghệ cần thiết để phát triển những trò chơi chất lượng cũng là một rào cản, nhất là ở những quốc gia đang phát triển như Việt Nam.