Đưa hóa đơn điện tử vào thực tiễn sẽ giúp môi trường kinh doanh minh bạch hơn, đây được coi là một cú huých lớn trong cải cách hành chính thuế. Tuy nhiên, nhiều DN lo lắng, thời điểm thực hiện là ngày 1/7/2018 đã rất gần, trong khi nhiều DN chưa đủ tiềm lực để đầu tư hạ tầng công nghệ thông tin, đồng thời lo ngại nhiều rủi ro khác sẽ phát sinh.
Sử dụng hóa đơn điện tử là xu hướng tất yếu.
Kì vọng mới
Theo đánh giá của giới chuyên gia, sử dụng hóa đơn giấy đang bộc lộ nhiều kẽ hở tạo điều kiện để nhiều doanh nghiệp (DN) làm ăn không chân chính trốn thuế, khiến thu ngân sách giảm. Chính bởi vậy, việc triển khai thực hiện hóa đơn điện tử đang được Tổng Cục thuế, Bộ Tài chính đưa ra lộ trình (từ ngày 1-7-2018) được kỳ vọng sẽ tạo sự minh bạch trong môi trường kinh doanh, hạn chế hụt thu ngân sách, hướng DN đến phát triển bền vững.
Nhận định về lộ trình này, ông Đậu Anh Tuấn- Trưởng Ban Pháp chế (VCCI) cho rằng, việc áp dụng hóa đơn điện tử sẽ tạo sự minh bạch trong mọi giao dịch. Khi việc thực hiện hóa đơn điện tử trở nên phổ biến, những giao dịch dưới ngưỡng 200 ngàn đồng vẫn được tính hoàn thuế, những điểm tích cực này mang lại lợi ích lớn cho DN.
Lợi ích là như vậy, song ông Tuấn cho biết, các DN rất băn khoăn về lộ trình thực hiện. “Chúng tôi nhận được nhiều phản ảnh của DN về thời gian thực hiện quá gấp, trong khi cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin chưa sẵn sàng, nhiều DN nhỏ và siêu nhỏ tiềm lực yếu chưa thể đầu tư và còn nhiều băn khoăn về những rủi ro khác khi thời điểm đang ở rất gần” – ông Tuấn nêu quan điểm.
Đặc biệt, theo ông Tuấn, nhiều DN cũng thắc mắc về các loại hình hóa đơn điện tử, khi triển khai, DN sẽ sử dụng mẫu hóa đơn nào, từ nguồn nào… Trả lời băn khoăn này, ông Nguyễn Đại Trí – Phó Cục trưởng Tổng Cục Thuế cho biết, cũng như hóa đơn giấy có 3 loại: Tự in, đặt in và mua của cơ quan thuế, hóa đơn điện tử cũng sẽ có 3 loại tương tự hóa đơn giấy: Tự xây dựng, hóa đơn sử dụng dịch vụ trung gian và hóa đơn xác thực của cơ quan thuế. Theo ông Trí, những DN lớn như VNPT, EVN… họ đã tự xây dựng hệ thống hóa đơn điện tử, còn với những DN vừa và nhỏ, có thể sử dụng hóa đơn qua qua hệ thống trung gian của VNPT, BKV, Viettel.
“Tất nhiên, khi đưa ra bất kỳ một thay đổi, cải cách nào đó, không thể không tác động lớn đến toàn xã hội, tác động đến hoạt động của DN, do đó tôi cho rằng, phải rất thận trọng, có lộ trình để không tạo ra sự xáo trộn. Đối với các DN đang sử dụng hóa đơn giấy có thể tùy mức độ, điều kiện mà thực hiện triển khai hóa đơn điện tử… Nhà quản lý sẽ luôn duy trì quan điểm, triển khai hóa đơn điện tử sao cho không gây xáo trộn hoạt động của DN, không làm ảnh hưởng đến kết quản sản xuất kinh doanh, mà ngược lại tạo điều kiện thuận lợi nhất cho DN” – ông Trí nhấn mạnh.
Giảm phát sinh tiêu cực
Đồng thuận với quan điểm về những mặt tích cực mà việc triển khai hóa đơn điện tử mang lại đối với nền kinh tế, ông Đậu Anh Tuấn cho rằng, việc áp dụng hóa đơn điện tử giúp giảm thất thu ngân sách, cạnh tranh bình đẳng giữa các DN. Theo ông Tuấn, việc sử dụng hóa đơn giấy như hiện nay đang tạo ra nhiều kẽ hở khiến nhiều DN né được thuế, không kê khai đầy đủ. Do đó, hóa đơn điện tử sẽ là một trong những yếu tố góp phần thúc đẩy mục tiêu cải thiện môi trường kinh doanh mà Chính phủ đang nỗ lực thực thi.
Tuy nhiên, nhiều DN đang rất băn khoăn về chi phí để đầu tư hạ tầng công nghệ thông tin cho việc triển khai loại hình hóa đơn mới này. Theo chia sẻ của nhiều DN, với những DN doanh thu ít, quy mô siêu nhỏ thì việc trả chi phí cao hàng năm từ các tổ chức trung gian cung cấp dịch vụ hóa đơn điện tử chắc chắn sẽ tạo ra gánh nặng chi phí. Và thời gian từ nay đến 1/7/2018 không còn dài, họ băn khoăn có nên kéo dãn lộ trình để có những bước đi chắc chắn. Hay những rủi ro có thể phát sinh thì cơ quan soạn thảo cần phải lường trước.
Giải tỏa băn khoăn này của DN, ông Nguyễn Đại Trí cho biết, song song với triển khai hóa đơn điện tử, ngành thuế vẫn duy trì hóa đơn giấy. Với xu hướng phát triển công nghệ thông tin mạnh mẽ như hiện nay, gần như tuyệt đại đa số các DN đã sẵn sàng cho các giao địch điện tử, do đó việc sử dụng hóa đớn điện tử không phải quá khó khăn với DN. Theo ông Trí, cái mà ngành thuế đang cân nhắc hiện nay là lộ trình như thế nào cho phù hợp, không tác động đến hoạt động kinh doanh, hiệu quả sản xuất của DN. “Qua ý kiến của DN, chúng tôi có cân nhắc nghiên cứu và sẽ có điều chỉnh phù hợp hơn. Tổng cục thuế đã có phương án lùi lộ trình có thể đến 172019” – ông Trí cho hay.