Mặc dù ngành du lịch của TP Hồ Chí Minh đã có nhiều khởi sắc, song thị trường chủ yếu đang phục vụ khách nội địa, khách quốc tế chưa trở lại nhiều. Từ đầu năm đến nay TPHCM đón 18,15 triệu lượt khách du lịch nội địa và quốc tế, trong đó khách du lịch nội địa tăng mạnh: 216% so với cùng kỳ năm 2021.
Dựa vào lượng khách quốc tế thời gian qua, ông Võ Anh Tài - Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty du lịch Sài Gòn (Saigontourist Group) khẳng định: Nếu chưa phục hồi du lịch quốc tế chưa thể phục hồi du lịch Việt Nam. Chưa phục hồi du lịch Việt Nam thì chưa thể phục hồi hoàn toàn kinh tế Việt Nam trong thời gian sau đại dịch. Ông Tài cho rằng, trong thời gian còn lại của năm 2022 và năm 2023, ngành du lịch cần đẩy mạnh xúc tiến, quảng bá sản phẩm du lịch tại các thị trường có tiềm năng mở rộng khai thác như Mỹ, Ấn Độ, Trung Đông, Úc, ASEAN….
“Muốn phát triển thị trường du lịch quốc tế, Việt Nam cần giải pháp cụ thể từ cơ quan quản lý du lịch cấp quốc gia. Các doanh nghiệp nên thúc đẩy sự liên kết với du lịch các nước có nguồn khách du lịch lớn để kết nối thêm chuyến đi đến Việt Nam. Liên kết khu vực tập trung thực hiện chương trình “các quốc gia, 1 điểm đến” - ông Tài nêu quan điểm.
Ông Nguyễn Văn Hùng - Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho hay, tốc độ tăng trưởng khách quốc tế những tháng đầu năm là khoảng 58%, trong đó khu vực Đông Bắc Á đang chiếm 70% thị trường khách quốc tế Việt Nam. Các thị trường truyền thống như Trung Quốc, Nga... hiện còn khó khăn nên lượng khách đến chưa nhiều
“Cần nhìn lại những bất cập để tiến xa hơn. Mong muốn các ngành, địa phương, hiệp hội đưa ra những giải pháp phục hồi khách du lịch quốc tế. Bởi vì, lượng tìm kiếm quốc tế về du lịch Việt Nam trong tháng 7/2022 tăng trên 1.200% so với cùng kỳ” - ông Hùng nói.
Còn theo bà Nguyễn Thị Ánh Hoa - Giám đốc Sở Du lịch TPHCM, tới thời điểm này đã có những dấu hiệu tích cực từ thị trường khách quốc tế. Và TPHCM đã chuẩn bị các điều kiện để đón “sóng” này.
Còn với Hà Nội, ông Nguyễn Mạnh Quyền - Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội cho biết, Hà Nội dự kiến đón khoảng 1,5 triệu lượt khách quốc tế trong năm 2022. Năm 2023 con số này sẽ đạt 3 triệu lượt khách và phấn đấu đến 2025 sẽ đón và phục vụ 7 triệu lượt khách quốc tế, bằng với mức đạt được của năm 2019. Theo ông Quyền, kế hoạch đón khách quốc tế đặt ra là vậy song thực tế cho thấy, lượng khách đã đón chưa đáp ứng được kỳ vọng, còn khiêm tốn so với các nước trong khu vực. Cụ thể, lượng khách du lịch quốc tế 7 tháng đầu năm vẫn còn thấp (mới bằng 11,4% cùng kỳ năm 2019). Cơ cấu khách du lịch quốc tế vẫn chỉ tập trung vào một số thị trường khách như Hàn Quốc, Nhật Bản, các nước khu vực Đông Nam Á, trong khi lượng du khách từ các thị trường trọng điểm, có khả năng chi tiêu cao như các nước EU, Mỹ, Úc... còn thấp.
Đại diện lãnh đạo thành phố Hà Nội cho rằng, ngoài nguyên nhân khách quan có một số nguyên nhân chủ quan đang là điểm nghẽn đối với thị trường du lịch quốc tế. Theo đó, điểm nghiễn trong các chính sách liên quan đến cấp Visa điện tử (E-visa), bảo hiểm du lịch đối với khách du lịch quốc tế. Chưa hết, sau dịch bệnh, nhiều doanh nghiệp lữ hành vẫn chưa sẵn sàng trong việc đẩy mạnh thu hút khách du lịch quốc tế do nguồn lực tài chính suy giảm.... Vì thế, tìm cách phát triển lượng du khách quốc tế đến Việt Nam vẫn là bài toán tiếp tục cần có lời giải thỏa đáng.
Nhằm phát triển mạnh thị trường du lịch quốc tế, một số tỉnh, thành đề xuất Chính phủ xem xét tăng thời gian miễn visa vào Việt Nam từ 15 ngày lên 30 ngày. Cải tiến quy trình cấp visa điện tử để tạo thuận lợi cho du khách quốc tế đăng ký xét duyệt. Bộ Y tế nghiên cứu xem xét bỏ quy định công bố tổng số ca mắc Covid-19 hàng ngày, chỉ công bố số ca mắc nặng phải nhập viện góp phần tạo dựng hình ảnh Việt Nam - an toàn, thân thiện. Xem xét bỏ quy định mua bảo hiểm Covid-19 mức 10.000 USD, chỉ nên áp dụng điều kiện có bảo hiểm du lịch đối với du khách quốc tế.