Thiết bị drone (thiết bị bay không người lái) đang ngày càng trở lên phổ biến ở vùng đồng bằng sông Cửu Long. Điều bất ngờ là người nông dân “chân lấm tay bùn” đã sử dụng thành thạo những thiết bị hiện đại, càng đặc biệt, khi thiết bị bay mang đến nhiều thay đổi tích cực trong canh tác, gieo trồng, nhất là phun thuốc giúp người nông dân.
Cánh đồng thẳng cánh… drone bay
Chừng 3 năm qua, với không ít nông dân ở các tỉnh Long An, Đồng Tháp, Hậu Giang, An Giang… hình ảnh những chiếc drone bay lượn đã trở thành quen thuộc, nhất là thời điểm cần phun thuốc trừ sâu, bảo vệ hay thậm chí cả bón phân đạm. Trên những cánh đồng mẫu lớn dài hàng cây số, chiếc drone bay lượn như chim thay thế sức người ở một số công đoạn đầy rủi ro.
Anh Nguyễn Quốc Hữu, 37 tuổi ngụ tại xã Vĩnh Lợi (huyện Tân Hưng, tỉnh Long An) cho biết, hai năm trước anh đã đầu tư hơn 200 triệu đồng để mua một "máy bay" không người lái. “Tình cờ qua vài người bạn trên mạng xã hội, tôi biết ở nhiều nước nông dân sử dụng drone trong nông nghiệp rất phổ biến, đặc biệt là phun thuốc trừ sâu. Thế nên tôi quyết định đầu tư để phục vụ bà con trong vùng. Ban đầu nhiều người còn nghi ngại lắm, nói "máy bay" chỉ lượn lượn vậy chứ phun làm sao đều như công nhân được. Tuy nhiên, chỉ sau một vài lần phun thử, hiệu quả rõ ràng hơn hẳn phun thuốc thủ công nên bà con chấp nhận ngay”, anh Hữu cho hay.
Theo kinh nghiệm của anh Hữu, drone khi phun thuốc trừ sâu có nhiều lợi thế. Đầu tiên là con người không phải tiếp xúc với chất độc. Thứ nữa là thời gian cũng rút ngắn rất nhiều. Thường chỉ mất 2 giờ cho mỗi công ruộng, bằng một nửa thời gian con người làm. Cuối cùng, phun bằng máy cũng hiệu quả hơn, bớt di chuyển trực tiếp trên đồng. Khi nông nhân làm việc, dù khéo léo tới đâu thì cũng phải lội và làm hư hại một số cây lúa non. Nhưng với thiết bị bay thì nông dân chỉ việc ngồi trên bờ theo dõi và quan sát thôi. Tất nhiên, chi phí cũng giảm đi nhiều so với phun thuốc thủ công.
Anh Hữu cũng chia sẻ, từ nhỏ anh đã có niềm đam mê với các thiết bị bay không người do xem phim ảnh. Sau khi học xong phổ thông, anh theo bạn học nghề sửa chữa điện lạnh rồi sang Hàn Quốc làm công nhân. Lang bạt xứ người được 10 năm, kiếm một chút tiền làm vốn anh về quê mở tiệm sửa chữa các thiết bị điện lạnh. Mấy năm trước, khi thiết bị bay không người lái bắt đầu xuất hiện, anh nảy ra ý định mua để kinh doanh. “Ở đây nông dân rất cần phun thuốc trừ sâu, thuốc bảo vệ thực vật hay một số các loại thuốc khác. Ngoài cây trồng chủ lực là lúa thì nhiều vườn mít nghệ, ổi, chanh… cũng thường xuyên phải phun thuốc. So với phun thủ công (người làm trực tiếp), sử dụng drone rõ ràng có nhiều hiệu quả hơn. Thế nên tôi tính cuối năm sẽ đầu tư mua thêm thiết bị bay để phục vụ nhu cầu bà con”, anh chia sẻ thêm. Hiện nay, ngoài anh Hữu thì khu vực lân cận cũng có thêm vài người mở dịch vụ phun thuốc bằng "máy bay" nông nghiệp phục vụ bà con.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, hầu hết các thiết bị bay không người lái được nông dân sử dụng trong nông nghiệp hiện nay đều là các thiết bay cỡ vừa, tầm bay thấp. Chúng có sải cánh khoảng 1 - 1,5 mét và có thể mang trọng lượng từ 20 tới 50 ký lô, tuỳ theo loại máy. Với một số máy drone cũ ra đời vài năm trước nông dân phải cải tiến một chút để phục vụ mục đích khác nhau như phun thuốc gì, khu vực nào. Nhưng với các thiết bị bay mới, nhà sản xuất hoặc các doanh nghiệp phân phối có kỹ sư để điều chỉnh, đa dạng mục đích hơn và nông dân chỉ mua về là sử dụng được. Tất nhiên giá cả sẽ cao hơn, có khi lên đến 500 triệu đồng mỗi thiết bị.
Với quy mô đồng ruộng lớn, canh tác cùng thời điểm nên nhiều nông dân ở các tỉnh Long An, Đồng Tháp thường thuê chung các thiết bị bay khi có nhu cầu phun thuốc. Mỗi vụ lúa, nông dân có thể phải phun 2 lần, tùy theo tình hình dịch bệnh. Ngoài phun thuốc, một số loại phân đạm cũng được rải bằng cách sử dụng drone nhưng chưa quá phổ biến.
Thiết bị hữu ích
So với khi mới xuất hiện trên đồng ruộng miền Tây Nam Bộ, hiện các thiết bị bay không người lái phổ biến với nhiều công dụng khác nhau. Nhiều nông dân còn góp tiền mua chung, tự sử dụng với việc lập ra các “đội bay” thay vì phải đi thuê như một số nơi. Khảo sát giá thành của một số loại máy bay nông nghiệp, thiết bị được ưa chuộng nhất của nông dân cũng có giá cả rất phù hợp. Thậm chí nhiều loại máy công suất nhỏ giá chưa tới một trăm triệu đồng.
Theo tìm hiểu, với đặc thù địa hình bằng phẳng, ít đồi núi và nông dân canh tác với diện tích lớn, việc sử dụng các thiết bị bay drone ở vùng nông thôn miền Tây Nam bộ có nhiều ưu điểm hơn các nơi khác. Đặc biệt, khi cất, hạ cánh hay khi bay cũng dễ dàng hơn so với địa hình ở nhiều nơi khác. “Về lý thuyết, khi bay thì toàn bộ thông tin của drone đều hiện lên trên màn hình điều khiển cầm tay, chỉ nhìn màn hình là biết. Tuy nhiên thực tế nhiều cảnh báo hiện bằng các chữ tiếng Anh nên có thể gây khó cho người điều khiển. Vì vậy hầu hết đều vừa nhìn màn hình điều khiển, vừa phải sử dụng mắt thường để quan sát. Nhất là khi phun thuốc trừ sâu, việc sử dụng mắt thường, thậm chí có thể di chuyển theo drone để điều khiển cho tốt hơn, đều hơn. Đó là nguyên nhân khiến địa hình bằng phẳng, ít chướng ngại vật sẽ rất phù hợp để bay. Ngược lại, địa hình có nhiều cây cối, khuất tầm nhìn, sông nước nhiều và ít chỗ đáp khẩn cấp cũng có thể gây khó khăn, thậm chí nhiều người non tay sẽ không nhận bay ở các khu vực này. Bởi sẽ xảy ra bất cứ rủi ro nào”, anh Trần Văn Nhân, chủ nhân của 3 chiếc drone ngụ tại xã Mỹ Thành Bắc, huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang chia sẻ. Theo anh Nhân, ngoài phun thuốc cho đồng lúa, các ruộng sầu riêng, mít hay chanh, ổi cũng có thể sử dụng drone để phun thuốc. Thậm chí so với lúa, một số loại cây ăn trái còn có nhiều ưu thế hơn. Bởi sử dụng phun thủ công thường không phun được những nhánh, cành trên cao. Nên thời gian trái cây ra hoa, đậu quả non thường được nông dân phun thuốc ngừa sâu bệnh, nâng cao tỉ lệ đậu trái.
Hiện nay nhu cầu sử dụng thiết bị bay không người lái của nông dân miền Tây ngày càng đa dạng và phong phú khi mà các loại thiết bị này cũng được bán rất nhiều, giá thành giảm so với vài năm trước. Anh Nguyễn Văn Chánh, 38 tuổi, chủ vườn mít rộng hơn 8 công ở thị xã Cai Lậy (tỉnh Tiền Giang) cho biết, anh vừa mua một chiếc drone loại nhỏ (flycam) để sử dụng canh trộm. “Vườn mít gia đình đã gần tới vụ thu hoạch rồi mà thi thoảng có trộm hái. Mấy người trong xã mua thiết bị bay flycam để rà ở trên cao. Thực ra thiết bị bay không phải để canh trộm mà để mình ghi hình ảnh kẻ trộm thôi. Mình dùng flycam ghi lại để làm bằng chứng, cảnh báo kẻ gian”, anh Chánh nói.
Có thể nói, với việc áp dụng thiết bị công nghệ hiện đại vào sản xuất nông nghiệp, việc canh tác và năng suất của người nông dân đã được nâng lên, cải thiện ở nhiều khâu. Đặc biệt là máy móc đang ngày càng thay thế sức người ở những công đoạn vất vả, nhiều rủi ro.