Sáng 29/11, tại Hà Nội, Ban Bí thư Trung ương Đảng tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc học tập, quán triệt các Nghị quyết Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 6, khóa XII. Giống như các hội nghị quán triệt được tổ chức trước đó, tại Hội nghị này, các cán bộ chủ chốt từ Trung ương đến địa phương đã nghe các báo cáo viên cũng chính là các vị lãnh đạo cao cấp của Đảng- những người đã trực tiếp tham gia vào quá trình soạn thảo các Nghị quyết trình Hội nghị làm rõ thêm những vấn đề được n
Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng, khóa XII họp từ ngày 4 đến ngày 11/10/2017, tại Thủ đô Hà Nội, đã thành công tốt đẹp. Hội nghị Trung ương đã thảo luận và quyết định ban hành những nghị quyết, kết luận rất quan trọng. Trong đó, có 4 Nghị quyết: Nghị quyết số 18-NQ/TW “một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả”; Nghị quyết số 19-NQ/TW “về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập”; Nghị quyết số 20-NQ/TW “về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khoẻ nhân dân trong tình hình mới”; Nghị quyết số 21-NQ/TW “về công tác dân số trong tình hình mới”.
Theo nhận định của ông Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương thì, bốn nghị quyết mà Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ 6 ban hành là những quyết sách quan trọng của Đảng, đề cập đến nhiều vấn đề rộng lớn, hệ trọng của đất nước, vừa cơ bản, vừa cấp bách và là sự cụ thể hóa các nhiệm vụ trọng tâm mà Nghị quyết Đại hội XII của Đảng đề ra.
Cũng vì vậy, theo như Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương thì “đây là những vấn đề rất khó, phức tạp và nhạy cảm “liên quan đến đổi mới, phát triển xã hội, đổi mới hệ thống chính trị đồng bộ với đổi mới kinh tế”; liên quan đến những vấn đề lý luận cơ bản về phương thức lãnh đạo của Đảng, vai trò quản lý của Nhà nước và quyền làm chủ của nhân dân; về quan hệ giữa Nhà nước, thị trường và xã hội; về xây dựng nền hành chính hiện đại, chuyên nghiệp, kỷ cương, năng động, hiệu lực, hiệu quả; liên quan đến quyền lợi, tâm tư, tình cảm của cán bộ, công chức, viên chức và người lao động; liên quan đến việc chăm sóc, bảo vệ sức khỏe của mọi người, mọi gia đình, vấn đề bảo vệ, phát triển giống nòi, quốc gia, dân tộc…Đây cũng là những vấn đề tác động trực tiếp đến đời sống của nhân dân, có ý nghĩa chính trị, xã hội, nhân văn sâu sắc, thể hiện bản chất ưu việt, tốt đẹp của chế độ ta, được xã hội đặc biệt quan tâm.”
Nói là khó, phức tạp và nhạy cảm như nhận xét của Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương là hoàn toàn chính xác. Các Nghị quyết của hội nghị lần này đụng chạm đến nhiều lĩnh vực thì đã đành; nhưng cái khiến nó trở nên khó, phức tạp và nhạy cảm chính là nó động đến con người; liên quan đến chuyện đi hay ở; lên hay xuống; lương cao hay lương thấp và kể cả chuyện chăm sóc sức khỏe như thế nào? Tóm lại, toàn những chuyện sát sườn với mỗi cá nhân và với mỗi tổ chức.
Ngay Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Phạm Minh Chính tại Hội nghị này sáng 29/11, đã cho biết, ở nước ta hiện vẫn còn 30 đầu mối bộ, cơ quan ngang bộ, đơn vị. Trong khi đó, ở Nhật Bản con số này chỉ là 11 đơn vị, Singapore là 15, Trung Quốc 20…
So với các nước châu Âu, Việt Nam cũng cao hơn rất nhiều. “Nước ta vẫn là cao nhất” - ông Chính nói. Về đơn vị hành chính cấp địa phương, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương cho biết: Năm 1986 chỉ có 44 đơn vị hành chính cấp tỉnh nhưng đến nay đã tăng thành 63 đơn vị cấp tỉnh. Như vậy, sau 30 năm đổi mới, cả nước đã tăng thêm 19 tỉnh, tăng 178 huyện, 1.136 xã…
Nêu ra những con số, để rồi chốt lại chuyện trong 10 năm qua chỉ giảm duy nhất được một tỉnh do việc sáp nhập Hà Tây vào Hà Nội, ông Chính cho rằng: “Lúc bàn thì khó khăn vô cùng, với rất nhiều băn khoăn, lo lắng. Ví như sáp nhập vào rồi thì truyền thống văn hóa, lịch sử, kinh phí, đặc biệt là công tác cán bộ sẽ ra sao? Sáp nhập phòng đã khó vì hai ông trưởng phòng nay chỉ còn chọn một ông. Sáp nhập cấp tỉnh còn khó khăn gấp bội vì cũng là Uỷ viên Trung ương”. Và, ông đặt câu hỏi: “Sáp nhập tỉnh lớn như vậy còn làm được, vậy xã, phường sao không làm được?”
Vấn đề mà Trưởng Ban Tổ chức Trung ương nói là rất cấp thiết và đương nhiên, chủ trương quyết sách của Đảng đã đưa ra thì phải bàn cách mà thực hiện và phải thực hiện cho được; phải thực hiện thành công chứ không thể nệ tâm tư mà không làm. Chuyện gỡ bỏ khúc mắc là chuyện bài toán tâm lý mà bản thân lãnh đạo từng đơn vị và bản thân mỗi cá nhân cần tự tháo gỡ. Chả có cách nào khác. Tuy nhiên, Nghị quyết Trung ương đã nêu mà các bộ, ngành địa phương còn cảm thấy tâm tư thì e là quá trình thực hiện có thể sẽ có chậm trễ.
Có lẽ chính vì thế mà, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng đề nghị, các cán bộ đi học Nghị quyết cần tập trung lắng nghe, đào sâu nghiên cứu, nắm thật chắc những nội dung cơ bản của các Nghị quyết, nhất là những điểm mới, những luận điểm cốt lõi, thể hiện sự phát triển về nhận thức và lý luận của Đảng trong các vấn đề.
Quan trọng hơn cả học xong thì về truyền đạt lại trên tinh thần đổi mới phương thức tổ chức, nâng cao chất lượng, hiệu quả học tập, quán triệt và tuyên truyền thực hiện Nghị quyết. Và, phải kiên quyết khắc phục “căn bệnh” ngại học, lười học nghị quyết, nhất là tình trạng khai mạc thì đông, cuối giờ thì thưa thớt lấy lý do công việc mà bỏ học Nghị quyết hoặc học hình thức, chiếu lệ, không chịu suy nghĩ, phân tích để hiểu rõ những điểm mới, những yêu cầu mới mà tình hình hiện nay đòi hỏi.
Đúng là sự tâm tư cộng với sự hình thức sẽ dễ khiến cán bộ không đào sâu suy nghĩ; thực hiện Nghị quyết một cách hời hợt. Điều này có thể dẫn đến nguy cơ Nghị quyết không thể đi vào cuộc sống một cách thực chất; hoặc sẽ dẫn đến tình trạng “đầu voi đuôi chuột”. Nghị quyết của Đảng là kết tinh của những nghiên cứu chắt lọc của nhiều cấp, ngành và nhiều cán bộ có kinh nghiệm lý luận và thực tiễn. Giờ để nó thực sự đi vào đời sống và đóng góp tốt cho quá trình phát triển, rất cần sự sáng tạo, dám nghĩ dám làm của những cán bộ chủ chốt tại cả trung ương và địa phương. Như thế, Nghị quyết mới có một đời sống bền chặt và phát huy hiệu quả.