Thời gian qua, Chương trình phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật và đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nhân dân chấp hành pháp luật tại cộng đồng dân cư được Ủy ban MTTQ tỉnh Yên Bái đặc biệt quan tâm.
Hội Phụ nữ huyện Trấn Yên (tỉnh Yên Bái) tuyên truyền pháp luật đến người dân.
Ông Nông Văn Lịnh - Chủ tịch Uỷ ban MTTQ tỉnh Yên Bái cho biết: Công tác phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL) được lồng ghép với các cuộc vận động, các phong trào thi đua gắn với giám sát công tác cải cách hành chính, giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân, thực hiện dân chủ, hoà giải ở cơ sở. Bên cạnh đó lồng ghép trong các chương trình hành động của MTTQ các cấp như mở rộng và nâng cao chất lượng các cuộc vận động Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá ở khu dân cư, Ngày vì người nghèo, Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam… “Giải pháp lồng ghép này đã phát huy tính đồng bộ, thống nhất giữa chính sách pháp luật với đời sống thực tiễn nên được nhân dân tiếp nhận nhanh chóng và thực hiện có hiệu quả”, ông Lịnh nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, nhằm nâng cao chất lượng tiếp cận với các chính sách pháp luật, Ban Thường trực MTTQ tỉnh phối hợp với MTTQ các huyện, thị xã, thành phố duy trì và nhân rộng 23 mô hình điểm: Toàn dân tham gia đảm bảo an toàn giao thông, Toàn dân tham gia phòng chống tội phạm, phòng chống ma tuý, tệ nạn xã hội, HIV/AIDS tại cộng đồng dân cư, Xây dựng khu dân cư tự quản bảo vệ môi trường, Khu dân cư tự quản thực hiện tốt chính sách dân số KHHGĐ...
Riêng TP Yên Bái, đến nay, 17/17 xã, phường của thành phố Yên Bái thành lập ban Tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật do chủ tịch hoặc phó chủ tịch UBND xã, phường làm trưởng ban. Toàn thành phố có 38 báo cáo viên cấp thành phố và 212 tuyên truyền viên cơ sở. Việc khai thác, sử dụng tủ sách pháp luật ngày càng được quan tâm chú trọng, nâng cao hiệu quả. Hiện tại, toàn thành phố đã có 109 tủ sách pháp luật đặt tại trụ sở UBND các xã, phường, nhà văn hóa khu dân cư, thư viện các trường học và một số các phòng, ban, đơn vị. Có 459 tổ hòa giải với 1.859 hòa giải viên. Các hòa giải viên đều là những người có uy tín trong cộng đồng, hiểu biết pháp luật và tâm huyết với công việc. Hàng năm, các tổ hòa giải tiến hành hòa giải thành công trên 90% việc phải hòa giải.
Thực hiện hiệu quả ở cấp huyện, năm 2017 huyện Trấn Yên thông qua các hình thức tuyên truyền như: lồng ghép vào các buổi họp thôn, bản, các hội nghị do các ngành, đoàn thể tổ chức, Ban Tuyên truyền pháp luật các xã, thị trấn của huyện đã tổ chức gần 500 buổi tuyên truyền pháp luật cho gần 40.000 lượt người và cấp phát gần 6.000 các loại tờ gấp, tờ rơi. Các câu lạc bộ trợ giúp pháp lý của huyện đã phối hợp với Trung tâm Trợ giúp pháp lý tỉnh thường xuyên tổ chức các buổi tuyên truyền kiến thức pháp luật, trợ giúp pháp lý tại các thôn, bản đặc biệt khó khăn thu hút hàng nghìn lượt người tham gia. Ủy ban MTTQ huyện chỉ đạo ban công tác Mặt trận các thôn, bản tổ chức gần 600 buổi tuyên truyền cho gần 30.000 lượt người nghe... Cùng với đó, Hội Phụ nữ huyện tổ chức phát động phong trào “Phụ nữ với an toàn giao thông”, chỉ đạo các cơ sở hội tổ chức Hội thi “Tuyên truyền viên giỏi thực hiện nghị quyết đại hội phụ nữ các cấp”.
Đáng chú ý, Yên Bái đã có 70/180 xã, phường thành lập nhóm nòng cốt và duy trì hoạt động có hiệu quả. Ngoài ra, các tổ chức đoàn thể thành viên của Mặt trận còn duy trì hoạt động của các câu lạc bộ (CLB): “Tuổi trẻ phòng chống tội phạm”, “Nông dân với kiến thức pháp luật”, “Phụ nữ với pháp luật”... Ở khu dân cư, công tác PBGDPL được tổ chức lồng ghép với các buổi họp tổ dân phố, sinh hoạt chi bộ Đảng để quán triệt các chủ trương, chính sách, các văn bản mới của cấp trên.
Để công tác tuyên truyền PBGDPL được triển khai sâu rộng trong đồng bào các dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, đặc biệt khó khăn của tỉnh, Ủy ban MTTQ tỉnh duy trì và nhân rộng 36 nhóm nòng cốt, 9 câu lạc bộ tuyên truyền pháp luật, 42 mô hình điểm trong tham gia xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững. Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc cấp huyện và cơ sở xây dựng mới và với củng cố, duy trì 154 mô hình các loại.
Ông Lịnh cũng cho biết, tỉnh Yên Bái vừa xây dựng đề án “Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác phổ biến, giáo dục pháp luật trên địa bàn tỉnh Yên Bái, giai đoạn 2018 - 2021”, phấn đấu đến hết năm 2021, 100% cán bộ, công chức, viên chức được trang bị kiến thức pháp luật thuộc lĩnh vực hoạt động chuyên môn, nghiệp vụ của mình. Trên 90% người dân được tuyên truyền pháp luật chung và các văn bản pháp luật chuyên ngành liên quan đến từng nhóm dân cư theo các địa bàn và đối tượng khác nhau…