Trải qua bao thăng trầm cùng lịch sử, múa rối nước Việt Nam vẫn tồn tại đến hôm nay nhờ sự kế thừa, cha truyền con nối qua biết bao thế hệ. Nhưng theo TS.Lê Thị Thu Hiền – Phó Vụ trưởng Vụ Đào tạo (Bộ VHTT&DL) trong bối cảnh hội nhập quốc tế, nhìn ở góc độ đào tạo việc gìn giữ múa rối cần coi trọng cả vai trò của khán giả.
Sân khấu rối nước thu nhỏ.
Đổi mới, thử nghiệm nghệ thuật
Như chúng ta đều rõ, giờ đây, khán giả đã có nhiều loại hình thức giải trí sôi động, hiện đại… Vì vậy, nghệ thuật múa rối nước không thể không đổi mới. Nhiệm vụ của những người làm múa rối nước, bên cạnh việc tập trung vào bảo tồn những đặc trưng mang tính truyền thống của múa rối nước, thì cần phải tiếp tục nghiên cứu, khôi phục, khai thác thêm các trò rối cổ để xây dựng những tích trò mới.
Ở đó, cần sáng tạo các tiết mục mới mang tính thời sự, thời đại, phù hợp với nhu cầu thẩm mỹ của khán giả đương thời. Tuy nhiên, để đổi mới, thử nghiệm nghệ thuật cần tập trung đầu tư, nghiên cứu kỹ trong việc lựa chọn những hình thức thể hiện, ở nội dung, ngôn ngữ biểu đạt và triết lý nghệ thuật, tỷ lệ kết hợp giữa các loại hình nghệ thuật để tránh phá vỡ cấu trúc vở diễn.
Có thể thử nghiệm, kết hợp rối nước với nghệ thuật sắp đặt, nghệ thuật múa, âm nhạc… như cách mà các đơn vị nghệ thuật rối nước chuyên nghiệp đã bắt đầu thử nghiệm, thành những vở diễn dài. Để việc thử nghiệm có hiệu quả, cần chú ý một số vấn đề.
Cụ thể, nghiên cứu đặc trưng của nghệ thuật sắp đặt – một thể loại nghệ thuật đương đại để thấy được mối quan hệ gần gũi giữa nó với múa rối nước. Không nên hiểu nghệ thuật sắp đặt chỉ là hình thức minh họa hình ảnh, như vậy sẽ không thể chuyền tải được nội dung mang tiếng nói của thời đại: Thái độ của con người hiện đại hôm nay đối với giá trị của văn hóa truyền thống.
Ngoài ra, nội dung các trò múa rối nước dân gian đều thể hiện hiện thực của quá khứ, vì vậy, ngôn ngữ nghệ thuật rối cổ đã thích hợp với chúng. Thế nên để thể hiện đời sống hôm nay, phải sáng tạo nên ngôn ngữ thích hợp với nội dung ấy. Có thể nghiên cứu vấn đề này từ nghệ thuật múa, trong việc tạo hình ngôn ngữ mới.
Khán giả cũng cần được đào tạo
Khán giả là yếu tố quyết định cho sự tồn tại của nghệ thuật múa rối nước. Hiện nay, với sự phát triển của xã hội hiện đại, công chúng múa rối nước, chủ yếu ở các vùng đô thị, có điều kiện được tiếp xúc với nhiều loại hình nghệ thuật trong và ngoài nước, nên đã làm ảnh hưởng đến thị hiếu thẩm mĩ của một bộ phận lớn công chúng không mặn mà với múa rối nước truyền thống…
Để thực hiện được chiến lược giáo dục thẩm mỹ múa rối nước Việt Nam cho khán giả, cần nghiên cứu, đưa kiến thức, nội dung nghệ thuật múa rối nước vào chương trình giáo dục học đường, giúp các em hiểu biết về các giá trị của nghệ thuật múa rối nước Việt Nam. Để các em biết yêu quý và có cảm xúc thẩm mỹ trong nghệ thuật múa rối nước.
Theo đó, chúng ta cần phải triển khai xây dựng kế hoạch và hành động cho chương trình đưa vào giáo dục nghệ thuật truyền thống vào chương trình giáo dục học đường, trong đó có múa rối nước. Việc đưa vào chương trình giáo dục ở bậc tiểu học và trung học thực hiện dưới hình thức tự chọn, ngoại khóa, trong chương trình học tập chung thông qua cách học trực quan.
Cụ thể, tiếp xúc với nghệ nhân, nghệ sĩ, nghe họ giới thiệu về nghệ thuật, về các tích trò, về kỹ thuật tạo tác con rối; được xem biểu diễn và làm quen với các con rối nước… Tất cả các hoạt động học tập này sẽ làm nảy sinh trong các em tình cảm yêu mến và niềm say mê với nghệ thuật truyền thống, ý thức về bảo tồn đối với di sản văn hóa của dân tộc. Nhưng việc đưa giáo dục nghệ thuật truyền thống vào chương trình giáo dục cần phải có lộ trình hợp lý, từ thấp đến cao, đáp ứng yêu cầu phù hợp với từng đối tượng, tâm lý tuổi.
Cùng với đó, nhân rộng dự án “Sân khấu học đường” thành chương trình phổ cập trong các trường phổ thông trên toàn quốc, vừa đảm bảo mục tiêu “đào tạo khán giả” thưởng thức nghệ thuật sân khấu truyền thống, vừa có tác dụng định hướng giáo dục nghề nghiệp cho thế hệ mới trong thời đại mới.
Cũng cần đẩy mạnh các hoạt động câu lạc bộ, giao lưu, hợp tác quốc tế. Xây dựng chương trình hợp tác quốc tế cụ thể theo kế hoạch từng năm, ưu tien phát triển các mối quan hệ hợp tác hữu nghị với các nước trong khu vực Đông Nam Á, các nước trong khối ASEAN và trên thế giới, theo phương châm tiếp nhận, chủ động giới thiệu quảng bá nghệ thuật múa rối nước của Việt Nam vừa tiếp thu tinh hoa văn hóa nghệ thuật của thế giới.
Bên cạnh đó cần đẩy mạnh quan hệ với các nước có các loại hình nghệ thuật truyền thống như Nhật Bản, Hàn Quốc.. cũng bị ảnh hưởng theo xu thế toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế hiện nay để học hỏi; tăng cường trao đổi kinh nghiệm trong việc quảng bá, tuyên truyền nghệ thuật múa rối nước cũng như nghiên cứu cách bảo tồn, phát huy và phát triển bộ môn nghệ thuật này.