Là địa phương tiên phong đặt mục tiêu đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ 2 trong trường học, TPHCM đã có một số định hướng, giải pháp như xây dựng môi trường học tập và sử dụng tiếng Anh thuận lợi, khuyến khích học sinh sử dụng trong giao tiếp hàng ngày, đổi mới phương pháp dạy, học ngoại ngữ…
Việc thiếu trầm trọng giáo viên môn tiếng Anh đang diễn ra không chỉ với các tỉnh miền núi như Hà Giang, Yên Bái, Lai Châu… mà ngay tại các thành phố lớn như TPHCM cũng khó khăn trong việc tuyển dụng giáo viên bộ môn này. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Điện Biên Vừ A Bằng cho biết, địa phương này thiếu nguồn tuyển giáo viên nên đã thực hiện đưa con em tại địa phương đi học cử tuyển. Nhưng con số 45 sinh viên cử tuyển ngành sư phạm ngoại ngữ vẫn chưa đủ đáp ứng số lượng giáo viên tiếng Anh còn thiếu hiện nay. Nguyên nhân một phần vì chính sách cử tuyển chưa hấp dẫn, chưa có cơ chế đặc thù cho việc tuyển dụng giáo viên hệ cử tuyển vào làm việc tại các cơ sở giáo dục.
Trong khi đó, tại TPHCM, dù điều kiện kinh tế - xã hội phát triển, nguồn tuyển không thiếu nhưng vẫn thiếu giáo viên. Bà Trần Thị Diệu Thúy - Phó Chủ tịch UBND TPHCM cho biết, vấn đề nằm ở lương.
Để không xảy ra tình trạng “chảy máu giáo viên tiếng Anh”, ông Hà Thanh Hải - Phó Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo quận 7 (TPHCM) cho rằng, cần có cơ chế chính sách phù hợp với đặc thù của TPHCM về cách thức tiền lương, chế độ chính sách…. Cần có hướng dẫn, hướng mở để giúp các nhà trường giữ chân đội ngũ giáo viên tiếng Anh hiện có và tuyển được giáo viên mới.
Nhấn mạnh giáo viên đóng vai trò then chốt trong việc tích hợp thành công công nghệ trong giáo dục; tham gia và tổ chức các hoạt động giáo dục có yếu tố quốc tế, TS Nguyễn Văn Hiếu - Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo TPHCM cũng nhấn mạnh, cần đầu tư phát triển hạ tầng số, trong đó nâng cấp hạ tầng công nghệ trong trường học là nền tảng, triển khai tích hợp tiếng Anh vào chương trình học thông qua công nghệ. Hiện Sở Giáo dục và Đào tạo TPHCM đang xây dựng đề án thu hút giáo viên tiếng Anh, tin học ở bậc tiểu học. Thời gian tới, Sở sẽ tiếp tục tham mưu để thông qua đề án, đồng thời sẽ tính đến phương án mới là đưa giáo viên nhiều môn hiện có đi tập huấn, bồi dưỡng để phụ trách giảng dạy các môn như tiếng Anh, tin học…
Theo thống kê tháng 9 hàng năm được công bố chính thức trên trang chủ IELTS, điểm trung bình IELTS học thuật của người Việt Nam bị tụt từ 6.3 (năm 2022 - 2023) xuống 6.2 (năm 2023 - 2024) và xếp hạng của Việt Nam tụt xuống hạng 29 so với hạng 23 của năm 2022 - 2023.
Trong đó, mức điểm trung bình nghe, nói của người Việt thấp hơn so với thế giới (mức thế giới lần lượt là 6.6 và 6.3), 2 kỹ năng còn lại ngang bằng. Điều này phản ánh một thực tế cách học tiếng Anh trong trường lớp tại Việt Nam thường tập trung vào kỹ năng đọc, viết nhiều hơn thực hành nghe, nói.
Giảng viên Mai Tuyết Nhung (Khoa Ngoại ngữ, Trường Đại học Thương mại Hà Nội) cho rằng, điều này do sĩ số lớp học của Việt Nam thường lớn trong khi thời gian tiết học ngắn, số lượng tiết học trong một tuần so với các môn học khác không nhiều nên giáo viên thường tập trung vào kỹ năng đọc, viết để ứng phó với thi cử. “Điều kiện cơ sở vật chất ở nhiều trường phổ thông hiện chưa đáp ứng được việc dạy và học tiếng Anh, cần tiếp tục cải thiện và đổi mới thi cử để kỹ năng, nghe nói dần được đưa vào bài thi, giúp cải thiện kỹ năng này ở học sinh, sinh viên” - cô Nhung đề xuất.
Về điểm số, thống kê cho thấy điểm IELTS của người Việt thấp hơn trước. Năm 2023-2024, mức điểm từ 4.0 - 5.5 (34%), tăng so với năm 2022 (29%). Còn mức điểm 6.0 - 7.5 (61%) lại thấp hơn so với 2022 (65%). Tuy nhiên, theo phân tích của thầy giáo Nguyễn Anh Đức - chuyên gia đào tạo IELTS, Chủ tịch chuỗi trung tâm Smartcom English, điều này không quá phải lo ngại. Bởi khi số lượng thí sinh thi IELTS năm 2023 - 2024 của Việt Nam tăng thêm ít nhất là 35% so với năm trước trong khi IELTS là một bài thi khó, việc giảm điểm trung bình là hoàn toàn có tính quy luật. Mức giảm 0,1 điểm cũng phản ánh mức độ thành thạo tiếng Anh của một số lượng lớn người Việt Nam đã tăng lên đáng kể.
Việc hàng loạt trường đại học tại Việt Nam đưa phương thức xét tuyển thẳng khi có chứng chỉ IELTS và một số chứng chỉ ngoại ngữ khác đã góp phần thúc đẩy số người học và thi IELTS cũng như các chứng chỉ khác tăng lên rất mạnh hàng năm. Điều này góp phần hiện thực hóa mục tiêu đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ 2 trong trường học, để tiến tới người học có thể sử dụng hiệu quả tiếng Anh trong học tập và làm việc, sẵn sàng tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu.