Ngày 3/2, phát biểu trên kênh truyền hình NDR, người đứng đầu Cơ quan tình báo nội địa Đức (BfV) Hans Georg MaaBen đã lên tiếng cáo buộc Triều Tiên sử dụng Đại sứ quán nước này tại Berlin để mua các thiết bị phục vụ cho chương trình tên lửa.
Một vụ thử nghiệm phóng tên lửa Hwasong-12 của Triều Tiên. (Nguồn: Reuters).
Chủ tịch BfV MaaBe khẳng định các hoạt động mua sắm của Đại sứ quán Triều Tiên tại Berlin nhằm phục vụ cho một chương trình tên lửa, không loại trừ với một chương trình tên lửa hạt nhân.
Ông cũng cho biết, chính quyền Đức đã ngăn chặn các hoạt động mua sắm của Triều Tiên nhưng không chắc chắn có thể ngăn ngừa mọi trường hợp.
Hiện phía Đại sứ quán Triều Tiên chưa đưa ra phản ứng gì với cáo buộc của BfV.
Trước đó, ngày 23/1, Giám đốc Cơ quan tình báo Trung ương Mỹ (CIA) Mike Pompeo cho rằng việc phát triển chương trình tên lửa đạn đạo của Triều Tiên không chỉ nhằm mục đích tự vệ, mà còn để đe dọa và khống chế Mỹ.
Phát biểu tại Viện doanh nghiệp Mỹ, ông Pompeo cảnh báo Bình Nhưỡng sẽ phát triển nhiều loại vũ khí cũng như khả năng phóng nhiều tên lửa vào lãnh thổ Mỹ.
Ông Pompeo cũng đề cập đến nguy cơ phổ biến rộng rãi chương trình hạt nhân ở nhiều nước khác, nếu Triều Tiên được tiếp tục phát triển chương trình hạt nhân và tên lửa của mình.
Theo ông Pompeo, CIA sẽ cung cấp những giải pháp khác cho Tổng thống Donald Trump, nếu Mỹ thất bại trong nỗ lực ngoại giao với Triều Tiên.