Đức hiện đang cân nhắc về một dự thảo luật trong đó áp đặt các mức tiền phạt rất nặng đối với các trang mạng xã hội có đăng tải các thông tin không đúng sự thật. Biện pháp này được đề xuất sau khi Mỹ tuyên bố nỗ lực chống lại các thông tin giả mạo trên mạng xã hội.
Thông tin giả mạo đang là một vấn nạn lan tràn khắp châu Âu. (Nguồn: HuffPost).
Theo đề xuất trong một dự thảo luật ở Đức, các trang mạng xã hội sẽ phải gỡ bỏ các thông tin giả trong vòng 24 giờ đồng hồ. Những người trở thành mục tiêu của thông tin giả mạo cũng có quyền yêu cầu trang mạng đính chính lại thông tin. Đề xuất này sẽ buộc các mạng xã hội lớn như Facebook phải đặt thêm văn phòng ở Đức để đưa ra câu trả lời chính thức nếu có sự việc tương tự xảy ra.
Các mạng xã hội không thể làm theo quy định này có thể đối mặt với mức phạt lên tới 500.000 euro (520.000 USD). Hiện dự thảo luật này đang được đảng Dân chủ Xã hội Đức thúc đẩy.
“Các thông tin giả mạo nhằm làm tổn hại danh tiếng người khác và những lời đồn thổi không nằm trong tự do ngôn luận, và chính quyền cần phải khởi tố hành động này, ngay cả khi nó chỉ xuất hiện trên Internet” - tờ Guardian của Anh dẫn lời Bộ trưởng Tư pháp Đức Heiko Maas, nói.
Thông tin giả đã trở thành một vấn nạn lớn trên khắp châu Âu, đặc biệt là ở Đức, nơi mà người dân đang rất lo ngại các thông tin giả mạo như vậy có thể làm ảnh hưởng tới kỳ bầu cử của họ diễn ra vào năm sau. Chủ tịch Nghị viện châu Âu Martin Schultz hiện đang kêu gọi EU ban hành các bộ luật nhằm ngăn chặn vấn nạn này.
Hiện chưa rõ Facebook sẽ phản ứng ra sao trước đề xuất của Đức, tuy nhiên hồi tuần trước họ đã công bố kế hoạch chống lại tin giả mạo ở nước Mỹ, trong đó tiêu hủy các thông tin bịa đặt với mục đích thu lợi cá nhân. Biện pháp mà Facebook đưa ra bao gồm kiểm tra đầu vào của các thông tin bị nghi là giả mạo và đánh dấu chúng. Hãng này cũng dự định điều tra các thông tin gây sốt trên mạng một cách đáng ngờ.
Tuy nhiên, ông chủ Facebook, Mark Zuckerberg, đã bác bỏ luận điểm cho rằng thông tin giả mạo trên Facebook đã ảnh hưởng tới cuộc bầu cử ở Mỹ vừa qua.