Đó là chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ GT-VT Đinh La Thăng sau buổi làm việc với tỉnh Quảng Ninh, TP Hải Phòng và các nhà đầu tư về tiến độ triển khai Dự án cao tốc Hạ Long-Hải Phòng ngày 11/8 vừa qua.
Đơn vị thi công đổ bê tông đợt 1 bệ trụ P12 cầu Sông Chanh,
TX Quảng Yên (Quảng Ninh)
Dự án đường cao tốc nối TP Hạ Long (Quảng Ninh) với cầu Bạch Đằng (Hải Phòng) được khởi công từ ngày 13/9/2014. Đây là dự án quan trọng kết nối đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng đến Hạ Long (Quảng Ninh) và trong tương lai sẽ kéo dài đến Cửa khẩu quốc tế Móng Cái (Quảng Ninh). Dự án này hoàn thành không chỉ rút ngắn khoảng cách và thời gian lưu thông từ Hải Phòng đến Quảng Ninh mà còn kết nối tam giác kinh tế Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh và thúc đẩy phát triển KT-XH vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ.
Dự án đường cao tốc Hạ Long-Hải Phòng bao gồm 2 dự án thành phần: Dự án cầu Bạch Đằng, đường dẫn và nút giao cuối tuyến theo hình thức BOT và Dự án đường nối TP Hạ Long với cầu Bạch Đằng.
Dự án đường nối TP Hạ Long với cầu Bạch Đằng Dự án có chiều dài tuyến 19,8km với tổng mức đầu tư 6.416 tỷ đồng. Phần xây lắp được phân chia thành 7 gói thầu: bao gồm 3 gói thầu đường; 3 gói thầu cầu; 1 gói an toàn giao thông, cây xanh và điện chiếu sáng. Hiện nay, các gói thầu thi công các cầu sông Chanh và sông Rút đảm bảo tiến độ đã cam kết. Riêng cầu sông Hốt do nền địa chất phức tạp (nhiều hang Kaster) nên tiến độ không đạt được như đã cam kết (18 tháng), tuy nhiên vẫn đảm bảo tiến độ theo Hợp đồng là 24 tháng.
Các gói thầu đường tiến độ các gói thầu XL01, XL03 đảm bảo theo tiến độ đã cam kết. Riêng gói thầu XL-02 (do Doanh nghiệp Xuân Trường thực hiện) khối lượng công việc lớn (phần tuyến dài 9,3km và 8 cầu vượt, nút giao), công tác điều hành của nhà thầu tại công trường yếu do thiếu nhân sự nên tiến độ thi công chậm so với các gói thầu khác và tiến độ chung của Dự án. Hiện vốn cấp cho Dự án đến thời điểm này được 1.810 tỷ đồng. Đến nay đã giải ngân 700 tỷ đồng.
Dự án cầu Bạch Đằng, đường dẫn và nút giao cuối tuyến theo hình thức BOT, tính đến hết ngày 15/7/2015, các nhà đầu tư dự án đã nộp đủ số vốn chủ sở hữu theo quy định với tổng số tiền 800 tỷ đồng. Việc huy động vốn vay tín dụng hiện các ngân hàng vẫn chưa xong, chậm so với tiến độ. Hiện nay một số gói thầu chậm tiến độ và đều do lỗi chủ quan của nhà thầu, ngoài Trung Nam và CIENCO 1 đã triển khai thi công từ tháng 6/2015, còn lại các Nhà thầu đều triển khai chậm, đặc biệt là Gói thầu XL02 và XL07 do Liên danh Công ty Cái Mép - Cầu 12 (chiếm 21% khối lượng của dự án) triển khai quá chậm mặc dù điều kiện mặt bằng thuận lợi.
Công tác GPMB, đến nay, tỉnh Quảng Ninh đã hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng toàn bộ tuyến thuộc địa phận tỉnh Quảng Ninh. Hiện Công ty CP BOT Cầu Bạch Đằng đang phối hợp với UBND TX Quảng Yên(Quảng Ninh) giải phóng mặt bằng bổ sung phần nhánh rẽ nút giao đầm Nhà Mạc, trạm thu phí. Phía TP Hải Phòng, tổng diện tích chiếm dụng là 16ha (trong đó 9,7ha phải GPMB của tổ chức, cá nhân; đất giao thông, mặt nước là 6,3 ha) và di chuyển đường điện, di dời trụ tiêu hàng hải... Tổng số đã bàn giao 8,08ha và tạm giao 1,53 ha.
Tỉnh Quảng Ninh cam kết đối với dự án đường nối TP Hạ Long với cầu Bạch Đằng sẽ hoàn thành vào cuối năm 2016. Tỉnh sẽ ưu tiên tối đa về vốn cho dự án đường; về dự án cầu sẽ đồng hành với các nhà đầu tư, hỗ trợ tối đa các vướng mắc thuộc thẩm quyền giải quyết của tỉnh.
Tại buổi buổi làm việc, Bộ trưởng Bộ GT-VT Đinh La Thăng khẳng định: Đây là dự án hết sức quan trọng không chỉ đối với Quảng Ninh, Hải Phòng mà cả khu Đông Bắc. Dự án này nằm trong tổng thể quy hoạch đường bộ 2020-2030. Để đẩy nhanh tiến độ dự án, Bộ trưởng Đinh La Thăng đề nghị tỉnh Quảng Ninh, TP Hải Phòng quan tâm giải quyết mặt bằng, bàn giao sớm cho nhà đầu tư, nhà thầu; Cung cấp mỏ vật liệu chính thức cho nhà thầu đảm bảo tiến độ và chất lượng cho nhà thầu thi công cũng như tạo điều kiện về đường giao thông, đường công vụ chuyên chở trong quá trình thi công. Sau khi thi công xong phải có trách nhiệm hoàn trả mặt bằng cho địa phương theo đúng quy định; Đảm bảo an toàn giao thông, thi công an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội tại khu vực dự án; sẵn sàng bảo vệ thi công khi đã làm đầy đủ mọi trách nhiệm với người dân.
Bộ trưởng GT-VT yêu cầu nhà đầu tư hoàn thành các thủ tục theo yêu cầu của pháp luật. Khẩn trương ký được các hợp đồng tín dụng. Chủ đầu tư phải rà soát lại toàn bộ thiết kế, tiến độ thi công; thiết kế tổ chức thi công, biện pháp thi công (đặc biệt lưu ý tiến độ khoan: có dự trữ thiết bị khoan, phụ tùng thay thế…) thi công phải đảm bảo chất lượng dự án, đúng quy trình quy phạm, đảm bảo an toàn tuyệt đối cho quá trình thi công; Nhà đầu tư phải có giải pháp quản lý vốn góp chặt chẽ, đúng quy định; việc giải ngân tiền phải đảm bảo bảo đúng mục đích, thời gian; xong khâu nào thanh toán khâu đó…Không điều chỉnh tiến độ dự án, nhà đầu tư ký cam kết với tỉnh Quảng Ninh đến 31/12/2016 hoàn thành phải thực hiện theo đúng như cam kết.