Xã hội

Dùng bằng giả, hậu quả khôn lường

LÊ ANH 08/12/2023 10:59

Hệ quả từ vấn nạn “học giả bằng thật” đã rất khôn lường nhưng đối với người sử dụng bằng cấp giả thì không chỉ chịu sự lên án và sự trừng trị của pháp luật mà còn để lại đằng sau những “sản phẩm” được đào tạo từ người dùng bằng giả gây bức xúc dư luận.

anh-bai-duoi(1).jpg
Thanh tra Sở Y tế TPHCM bắt quả tang, xử phạt hành chính bác sĩ “rởm” hành nghề trái phép tại quận Phú Nhuận, TPHCM tháng 11/2023. Ảnh: Sở Y tế TPHCM.

Vụ việc ông Nguyễn Trường Hải sử dụng bằng giả, bị phát hiện khi cung cấp bằng thạc sĩ công chứng và chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm nhằm nộp hồ sơ xin việc tại Trường Đại học Tôn Đức Thắng (TPHCM) là một dẫn chứng điển hình. Đầu tháng 12/2023, đại diện Trường Đại học Tôn Đức Thắng đã xác nhận kết quả xác minh ban đầu của Khoa Công nghệ thông tin của trường này về việc ông Nguyễn Trường Hải sử dụng bằng thạc sĩ và tiến sĩ giả.

Đáng chú ý, người này đã có một khoảng thời gian tham gia thỉnh giảng tại trường. Về những hệ quả để lại, đại diện trường Đại học Tôn Đức Thắng cho biết, ông Nguyễn Trường Hải chỉ tham gia thỉnh giảng tại trường trong thời gian học học kỳ 3 của năm học 2021-2022, tức chỉ kéo dài 1,5 tháng. Đồng thời, người này cũng mới được giao đánh giá một cột điểm quá trình, chỉ chiếm 20% trong môn học. Các cột điểm đánh giá môn học khác đều do giảng viên lâu năm của trường thực hiện. Sau khi kết thúc học kỳ, trường cũng không tiếp tục mời ông Nguyễn Trường Hải thỉnh giảng ở các học kỳ sau.

Dù phía đại diện Trường Đại học Tôn Đức Thắng giải thích hậu quả từ việc sử dụng bằng cấp giả của tiến sĩ “rởm” là rất nhỏ, không đáng kể, thế nhưng, ít nhất đã có hàng chục sinh viên của bộ môn đang học tại trường này bị ảnh hưởng bởi “bằng giả, dạy thật” kể trên.

Không chỉ sử dụng bằng cấp giả để thỉnh giảng ở trường Đại học Tôn Đức Thắng, đại diện Trường Đại học Công nghệ Sài Gòn cũng cung cấp thông tin vào tháng 4/2021, ông Hải cũng đã nộp hồ sơ vào trường này ở vị trí giảng viên thỉnh giảng. Thậm chí, người này còn từng làm giảng viên hướng dẫn đồ án/khóa luận tốt nghiệp cho một số sinh viên Trường Đại học Công nghệ Sài Gòn…

Được biết, qua xác minh sơ bộ đến nay, ông Nguyễn Trường Hải đã bị phát hiện dùng bằng giả để đi lừa thử việc hoặc giảng viên hợp đồng/thỉnh giảng tại gần 10 trường ĐH, CĐ trên địa bàn TPHCM.

Không chỉ đối với ngành giáo dục đào tạo, Thanh tra Sở Y tế TPHCM thời gian gần đây cũng đã vào cuộc để vạch trần nhiều tiến sĩ, bác sĩ “rởm” lợi dụng việc khoa trương giả mạo để hoạt động khám chữa bệnh trái phép, vi phạm pháp luật. Vụ việc điển hình ngay đầu tháng 12/2023, Thanh tra Sở Y tế TP đã công bố xử phạt hành chính hơn 100 triệu đồng đối với “bác sĩ” Hà Duy Thọ (quận Phú Nhuận) do vi phạm quy định trong lĩnh vực y tế. Người này bị phạt do cung cấp dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh không có giấy phép; Khám bệnh, chữa bệnh khi chưa được cấp chứng chỉ hành nghề khám bệnh, chữa bệnh.

Trước đó, Sở Y tế TPHCM cũng cho biết, trong 2 năm 2022-2023, đơn vị này đã phát hiện 25 trường hợp sử dụng chứng chỉ hành nghề khám, chữa bệnh giả. Tất cả các trường hợp phát hiện sử dụng chứng chỉ hành nghề khám, chữa bệnh giả này đã được chuyển đến công an để điều tra và xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.

Có thể nói, nhờ sự giám sát, quan tâm của dư luận xã hội, nhất là những hành vi vi phạm pháp luật sử dụng bằng cấp giả được phản ánh và phát hiện kịp thời bởi các phương tiện thông tin đại chúng chính thống thời gian qua, đã kịp thời cảnh báo nhiều hệ lụy vô cùng lớn. Do đó, cơ quan quản lý nhà nước và từng địa phương cần tăng cường công tác quản lý trên một số lĩnh vực, nhất là giáo dục và y tế. Từ đó, có thêm các cơ chế chính sách và giải pháp mang tính chủ động, quyết liệt để ngăn chặn việc sử dụng bằng cấp giả.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Dùng bằng giả, hậu quả khôn lường

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO