Sự kiện hàng trăm học sinh tại huyện Nông Cống (Thanh Hóa) bị phụ huynh ngăn cản đến lớp, để phản đối việc sáp nhập các trường tiểu học và THCS khiến dư luận xã hội bức xúc. Chưa bàn đến lý do của phụ huynh học sinh là gì, việc bắt trẻ thơ làm “con tin” để gây sức ép với chính quyền và ngành giáo dục huyện Nông Cống là không thể chấp nhận được. Việc học hành của con trẻ là hết sức quan trọng, đừng vì ý thích của người lớn mà làm dở dang việc học của các cháu.
Theo quyết định của UBND huyện Nông Cống, bắt đầu từ năm học 2020 – 2021, Trường Tiểu học và THCS xã Trung Ý (cũ) được sáp nhập về Trường Tiểu học và THCS Trung Chính, Trường Tiểu học xã Tế Tân (cũ) sáp nhập về Trường Tiểu học Tế Nông. Học sinh các trường Trung Ý và Tế Tân sẽ sang trường Trung Chính và Tế Nông để học. Cự ly nơi xa nhất giữa 2 địa điểm cũ và mới chỉ khoảng 4km, nhưng hàng trăm phụ huynh lấy cớ xa xôi ngăn cản không cho con đến lớp học, để phản đối việc sáp nhập các trường.
Hầu hết các phụ huynh ngăn cản không cho con đến lớp đều đưa ra lý do: Trường xa nhà, các cháu chưa thể tự đi mà phụ huynh thì không thể đưa đón được vì còn bận công việc. Có thể lý do phụ huynh đưa ra là thật, rằng có nhiều phụ huynh là công nhân phải làm ca đi sớm về muộn không có điều kiện đưa đón con em mình, hoặc ông bà các cháu đã già không thể đưa đón các cháu hàng ngày... Song, dù có khó khăn thế nào cũng không phải là lý do để ngăn không cho trẻ đến lớp, khiến các cháu phải thất học.
Nói trẻ em là mầm non tương lai của đất nước có vẻ hơi xa vời, nhưng chúng chính là tương lai của mỗi gia đình. Nếu được đầu tư học hành đến nơi đến chốn, chúng sẽ chuẩn bị đủ hành trang vào đời, tương lai rộng mở với sự hiểu biết sâu sắc. Ngược lại, nếu không được học hành đến nơi đến chốn, sau này không những chúng không thể làm chủ khoa học công nghệ, trở thành gánh nặng cho gia đình và rộng hơn là đất nước, mà còn có nguy cơ bất ổn cho xã hội bởi thiếu sự giáo dục.
Thống kê thực tế cho thấy, hầu hết những đối tượng lưu manh, trộm cướp đều có tiền sử học hành dang dở, văn hóa rất thấp. Đa phần trong số đó đều có hoàn cảnh gia đình không mấy hạnh phúc, cha mẹ bỏ nhau, chồng đánh vợ, bố nát rượu suốt ngày say xỉn, mẹ ngoại tình... Tất nhiên cũng không loại trừ cả một số trường hợp có hoàn cảnh quá nghèo, bố mẹ không đủ tiền cho con theo học nên đành bỏ học giữa chừng. Không được đến trường, suốt ngày rong chơi lêu lổng thiếu kiểm soát làm sao có thể không sa ngã, phạm tội?
Nói như vậy để thấy, nếu như quá nghèo không có điều kiện cho con đến trường lại đi một nhẽ, đằng này một số phụ huynh ở huyện Nông Cống lại không cho con đi học để gây sức ép với chính quyền và ngành giáo dục là hoàn toàn sai lầm. Sự thất học của các cháu sẽ để lại hậu quả rất đáng tiếc cả trong ngắn hạn và trong tương lai, mà người phải gánh chịu những hậu quả đó đầu tiền chính là các phụ huynh và gia đình các cháu chứ không phải ai khác. Vậy có lý do gì để các phụ huynh “đánh cược” với tương lai?
Đó là còn chưa kể pháp luật bảo hộ quyền được đến trường của trẻ em, hành vi ngăn cản con đến lớp của một số phụ huynh ở huyện Nông Cống là vi phạm pháp luật. Cụ thể, Điều 37, Hiến pháp 2013 quy định: Trẻ em được Nhà nước, gia đình và xã hội bảo vệ, chăm sóc và giáo dục. Tại Điều 16, Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em cũng quy định: Trẻ em có quyền được học tập. Tại Khoản 2, Điều 10 Nghị định 71/2011/NĐ-CP của Chính phủ nghiêm cấm hành vi: Bắt buộc, dụ dỗ trẻ em bỏ học, nghỉ học để gây áp lực...
Ngay cả khi các phụ huynh không nghĩ đến tương lai của con em và gia đình mình, thì cũng phải tuân thủ các quy định của pháp luật. Nếu không sớm tỉnh ngộ, động viên con em đến trường học tập, các phụ huynh ở huyện Nông Cống sẽ phải đối mặt với rắc rối pháp lý, bị xử phạt vi phạm hành chính khá nặng, thậm chí có thể bị TAND tuyên hạn chế quyền của bố mẹ. Lẽ nào các phụ huynh muốn “đấu” đến khi bị tòa án cách ly con em ra khỏi gia đình để đảm bảo quyền đi học của các cháu?
Nói gì thì nói, hành vi ngăn cản con em đến trường chỉ để tạo sức ép, phản đối việc sáp nhập trường học theo địa giới hành chính mới của một số phụ huynh huyện Nông Cống là đáng trách. Chỉ vì “cái tôi” của người lớn mà bắt con trẻ phải gánh chịu những hậu quả xấu, thử hỏi có đáng hay không? Cho dù có phản đối việc sáp nhập trường học, các phụ huynh cũng cần dùng biện pháp ôn hòa, chứ không nên bắt chính con em mình làm “con tin” để tạo áp lực với chính quyền, ngành giáo dục. Đừng để đến lúc hối không kịp!