Tập luyện thể thao mang lại nhiều lợi ích tuyệt vời cho sức khỏe. Tuy nhiên, nếu tập quá sức hoặc không đúng cách có thể dẫn đến chấn thương. Khi đó việc quan trọng nhất là cần sơ cứu đúng cách và kịp thời để giúp chấn thương nhanh hồi phục.
Gần đây, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức đã thông tin về trường hợp hiếm gặp, các bác sĩ phẫu thuật nội soi tái tạo dây chằng chéo trước khớp gối hai bên cùng lúc cho thanh niên 17 tuổi. Cụ thể, bệnh nhân N.T.Đ. (ở Hà Nội) tới bệnh viện thăm khám trong tình trạng đau cả 2 bên khớp gối, được chẩn đoán đứt dây chằng chéo trước cả 2 bên khớp gối.
Bệnh nhân có tiền sử chơi thể thao nhiều năm. Cách đây 4 năm, Đ. đã bị chấn thương khớp gối chân trái do nhảy cao bắt bóng và tiếp đất sai tư thế. Tuy nhiên, người bệnh chỉ đi khám sau đó về băng bó chân bị đứt dây chằng, rồi tiếp tục quấn băng chun để chơi thể thao mà không điều trị hay can thiệp gì. Cách đây 1 năm, Đ. tiếp tục bị ngã khi chơi đá bóng và đứt tiếp dây chằng khớp gối phải.
Tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, bác sĩ thăm khám lâm sàng thấy bệnh nhân bị lỏng cả 2 bên khớp gối, trên phim cộng hưởng từ có hình ảnh đứt dây chằng chéo trước và được các bác sĩ chỉ định phẫu thuật nội soi tái tạo dây chằng chéo trước khớp gối 2 bên.
PGS.TS Nguyễn Mạnh Khánh - Phó Giám đốc Bệnh viện Việt Đức, Trưởng khoa Phẫu thuật chấn thương và Y học thể thao cho biết, chấn thương khớp gối đứt dây chằng chéo khá phổ biến khi chơi thể thao, đặc biệt là các môn thể thao mang tính đối kháng. Khi đã có chấn thương khớp gối đứt dây chằng chéo người bệnh không nên chủ quan mà cần đi khám, điều trị để tránh tình trạng rách sụn chêm thứ phát như trường hợp bệnh nhân trên hoặc gây thoái hóa khớp sớm sau này, khiến việc phục hồi chức năng, chơi thể thao trở lại khó khăn hơn.
Theo các chuyên gia, cách tốt nhất để phòng tránh chấn thương khi chơi thể thể thao là khởi động kỹ và đúng cách để làm nóng và giãn cơ. Cơ được làm ấm sẽ linh hoạt hơn và đảm bảo thực hiện tốt các chuyển động nhanh, dừng đột ngột hay uốn cong, từ đó hạn chế nguy cơ chấn thương. Đồng thời, khi gặp phải chấn thương khi tập luyện, hãy nghỉ ngơi, chườm nước đá vết thương để giảm sưng, cầm máu và ngăn ngừa nhiễm khuẩn; tiến hành băng bó để giảm sưng tấy... Đồng thời, đến ngay cơ sở y tế để được thăm khám và điều trị kịp thời.