Khi trời lạnh muỗi tìm đến những nơi ấm ấp hơn. Nếu ở ngoài trời, muỗi trốn rét vào các khe, các hốc cây; ở trong nhà muỗi trốn vào những khe kẽ sách báo, quần áo...
Theo Khoa học đời sống, GS.TS Bùi Công Hiển, nguyên giảng viên Khoa Sinh, Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội, chuyên gia đầu ngành về côn trùng cho biết, muỗi là động vật biến nhiệt, nên để thích nghi với mùa lạnh (dưới 15 độ C) hay mùa nóng (trên 40 độ C) chúng có hiện tượng rơi vào trạng thái gần như không hoạt động gọi là diapause (tạm dịch là tiềm sinh, đình dục, hưu miên, ngủ nghỉ) nghĩa là đang ở một giai đoạn phát triển cụ thể như giai đoạn trứng, giai đoạn nhộng, đến cuối xuân, đầu hè mới “nở rộ”.
Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là mùa đông chúng sẽ biến mất hoàn toàn. Chúng tồn tại ngay ở khu vực chúng thường sinh sống. Khi trời lạnh muỗi tìm đến những nơi ấm ấp hơn. Nếu ở ngoài trời, muỗi trốn rét vào các khe, các hốc cây; ở trong nhà muỗi trốn vào những khe kẽ sách báo, quần áo... hoặc những nơi ấm, thiếu ánh sáng như gầm giường, mắc treo quần áo và chuyển sang trạng thái diapause.
Đặc biệt, vào mùa đông, bên cạnh những ngày lạnh, xen kẽ sẽ có những ngày nóng, ấm, đây sẽ là thời điểm thích hợp để muỗi tái xuất hiện. Điều này lý giải vì sao trong mùa đông, chúng ta vẫn thấy muỗi, không chỉ ở nhà mặt đất mà ngay cả nhà chung cư cũng xuất hiện muỗi. Vì thế, người dân đừng thấy rét mà chủ quan với muỗi.
Nhiều người cho biết, vào mùa đông thường dùng tinh dầu vừa có tác dụng ấm nhà, làm thơm nhà đồng thời tạo ra tác dụng kép là diệt muỗi. Tuy nhiên, theo GS.TS Bùi Công Hiển, giải pháp dùng tinh dầu, hương trầm, quế, hạt tiêu hay bồ kết chỉ mang tính “ấm nhà”, không có tác dụng diệt muỗi.
Chưa có nhiều thí nghiệm đánh giá khả năng xua đuổi của các loại tinh dầu cụ thể, hơn thế, tinh dầu có tính bay hơi rất nhanh nên dễ “tan” trong không khí và ngửi mãi cũng sẽ “trơ”. Hơn thế, nếu tinh dầu có tác dụng thì cũng chỉ là xua đuổi nhờ mùi hương khó chịu của chúng chứ hoàn toàn không có tác dụng diệt muỗi. Việc xua đuổi sẽ khiến muỗi từ chỗ này bay sang chỗ khác, sau đó có thể lại tái quay lại vị trí ban đầu sau khi tinh dầu bay hơi hết.
Để phòng tránh muỗi một cách triệt để, biện pháp đơn giản nhất và dễ thực hiện nhất với hộ gia đình là khi dùng vợt diệt muỗi. Ngoài ra, người dân có thể sử dụng khung mắt lưới với cỡ mắt lưới 1 - 2 x 1 - 2 mm để ngăn cản muỗi từ ngoài bay vào nhà.
Đặc biệt, là phải xử lý các ổ muỗi trong góc nhà, gầm cầm thang, gầm giường, giá treo quần áo, bụi cây, cống rãnh, các khu vực chứa nước như lọ hoa, chậu đựng nước (nơi bọ gậy, cung quăng vốn là giai đoạn trước trưởng thành của muỗi sinh sống và phát triển)… Việc xử lý các ổ muỗi này đặc biệt cần được chú ý vào mùa đông, khi những nơi này thường là nơi muỗi trốn để tránh rét.
Theo đó, thường xuyên dùng vợt muỗi “khua” vào những nơi tối, ít ánh sáng; vệ sinh thường xuyên những khu vực này. Ngoài ra, hãy tránh lưu cữu nước để đảm bảo bọ gậy, cung quăng không có nơi sinh sống và phát triển.
7 mẹo trị muỗi đốt cho trẻ nhỏ phòng sốt xuất huyết
Đề phòng sốt xuất huyết, bố mẹ hãy trang bị những kiến thức cần thiết để trị vết muỗi đốt nhanh chóng và hiệu quả cho con.
Hành và tỏi: Khi bé bị muỗi đốt, bạn hãy cắt đôi nhánh tỏi rồi xoa lên vùng bị muỗi đốt vài lần trong ngày, nếu phát hiện sớm và xoa lên ngay, da bé sẽ không bị phồng đỏ do dị ứng với độc từ muỗi đốt. Bên cạnh đó, bạn có thể dùng các lát hành tây để xoa lên vết đốt, có tác dụng tương tự như tỏi.
Không chỉ cách trị, việc phòng chống muỗi đốt cho bé cũng vô cùng quan trọng. Cha mẹ nên sử dụng các cách phòng muỗi như mắc màn, cho bé mặc quần áo dài, sử dụng các nguyên liệu tự nhiên có tác dụng đuổi muỗi, dùng đèn bắt muỗi, vợt bắt muỗi...; tránh dùng hương muỗi, hóa chất diệt muỗi vì có thể ảnh hưởng đến sức khỏe của bé.
Dùng tay hoặc vải mềm xoa nhẹ nhàng vết muỗi đốt: Không để trẻ gãi vùng da bị đốt vì làm vậy có thể gây nổi mẩn đỏ cho da và để lại sẹo. Thay vào đó, hãy nhẹ nhàng dùng tay hoặc vải mềm xoa nhẹ vết đốt để giảm ngứa và bôi kem chống ngứa.
Muối biển: Bố mẹ có thể pha một ít hạt muối biển với nước ấm để bôi lên vết muỗi đốt cho trẻ vì muối có tác dụng khử trùng và chống viêm rất hiệu quả.
Sữa mẹ: Với bé sơ sinh có da đặc biệt nhạy cảm thì khi bé bị muỗi đốt, bạn có thể vắt sữa mẹ bôi lên, da bé sẽ không bị sưng hay để lại vết sẹo thâm.
Khoai tây: Dùng khoai tây cắt lát và xoa lên nốt muỗi đốt càng sớm càng tốt, khoảng 5 phút lại cắt miếng khác xoa lên, nốt muỗi đốt sẽ không gây ngứa, không sưng và không để lại sẹo cho bé.
Baking Soda: Nếu có sẵn muối nở (baking soda) trong nhà, cha mẹ trẻ có thể cho thêm chút nước vào trong bột này và thoa chúng lên khu vực bị muỗi đốt cho trẻ. Phương pháp này vừa giúp làm trẻ hết ngứa ngáy vừa làm sạch vết côn trùng cắn.
Yến mạch: Yến mạch chứa các thành phần đặc biệt, có khả năng chống kích ứng. Giống với baking soda, chỉ cần trộn bột yến mạch với nước, sau đó thoa hỗn hợp này lên vết đốt trong 10 phút và rửa sạch với nước.